DN FDI bỏ trốn: Người đi, nợ ở lại

Danh sách doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chủ bỏ trốn khỏi địa bàn hoạt động ngày càng dài, khiến Nhà nước thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, đối tác không thu hồi được nợ...

Danh sách doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chủ bỏ trốn khỏi địa bàn hoạt động ngày càng dài, khiến Nhà nước thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, đối tác không thu hồi được nợ...

Đống phế liệu trị giá… vài chục tỷ đồng

Có mặt tại nhà máy của Công ty TNHH Quốc tế APL tại Khu công nghiệp (KCN) Gò Dầu, tỉnh Đồng Nai, ít ai có thể nghĩ rằng, đây là cơ ngơi của một doanh nghiệp 100% vốn Malaysia có vốn đầu tư gần 11 triệu USD.

Toàn bộ tài sản của Công ty hiện giờ chỉ là một nhà xưởng và vài bộ phận máy móc trong dây chuyền sản xuất găng tay cao su đã hoen gỉ, hết thời gian khấu hao. Thế nhưng, số tài sản này lại là tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng lên đến vài chục tỷ đồng.

Nhà máy của Công ty TNHH Quốc tế APL tại Khu công nghiệp Gò Dầu (Đồng Nai) đang bỏ hoang.

 Nhà máy của Công ty TNHH Quốc tế APL tại Khu công
nghiệp Gò Dầu (Đồng Nai) đang bỏ hoang.

Điều đáng nói là, hiện tại, chủ nhân của đống phế liệu và khoản vay này đã bỏ trốn về nước, toàn bộ nhà xưởng đang trong tình trạng hoang hóa.

Vì thế, mới đây, Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã phải ra quyết định rút giấy chứng nhận đầu tư của dự án này cùng với 16 dự án FDI khác trên địa bàn tỉnh.

Điểm chung của các dự án này là nhà đầu tư đều đã bỏ về nước mà không làm thủ tục giải thể và để lại những cục nợ lớn tại ngân hàng, cơ quan thuế, tiền lương công nhân và các hợp đồng chưa được thanh lý với các đối tác.

Trước khi bỏ trốn, nhà đầu tư Canada của Công ty TNHH K.Y. Seritech Việt Nam (chuyên sản xuất linh kiện điện tử) đã âm thầm di dời máy móc, thiết bị ra khỏi KCN Amata. Theo thống kê, công ty này còn nợ hàng tỷ đồng tiền thuế và lương công nhân.

Ngoài ra, trong số các dự án bị rút giấy chứng nhận đầu tư tại Đồng Nai, còn phải kể đến Công ty TNHH Cheerise Việt Nam (Brunei, tại KCN Tam Phước); Công ty TNHH Shang Yang Việt Nam (Đài Loan, tại KCN Song Mây). Chủ đầu tư của cả hai dự án này đều bỗng dưng biến mất, để lại những khoản nợ thế lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tài sản “bay” theo ông chủ

Tình trạng trên cũng xảy ra tại TP.HCM, khi danh sách doanh nghiệp bỏ trốn ngày một dài. Điển hình là trường hợp của Công ty TNHH Silver Star Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) còn nợ thuế trên 29,6 tỷ đồng. Khi cơ quan hải quan đến xác minh, trụ sở Công ty ở trong tình trạng “vườn không nhà trống”.

Tương tự, chủ đầu tư của Công ty Dệt Đông Nam đã bỏ trốn về nước, sau khi bán tài sản cho Công ty cổ phần Vĩnh Phú, để lại khoản nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội hơn 300 triệu đồng, nợ tiền thuê đất và phí dịch vụ hạ tầng hơn 155.000 USD.

Danh sách các doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn tại TP.HCM còn có tên Công ty Dệt áo len xuất khẩu Magnicon Việt Nam (Đài Loan) tại 281/2 Quốc lộ 1A, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, với số nợ thuế hơn 5 tỷ đồng; Công ty TNHH Hae Kwang Vina (Hàn Quốc) để lại số nợ thuế lên đến 23 tỷ đồng; Công ty Sản xuất Xích chuyên dùng tại KCN Biên Hòa 2 đã ngưng hoạt động cuối năm 2010, còn nợ tiền thuê đất và phí hạ tầng hơn 1,5 tỷ đồng; nợ các ngân hàng trên 2 triệu USD; nợ thuế nhà nước và các khoản bảo hiểm xã hội cho người lao động trên 18 tỷ đồng. 

Đa số các doanh nghiệp “bỏ trốn” còn nợ thuế liên quan đến tạm nhập nguyên phụ liệu để thực hiện hợp đồng gia công xuất khẩu được ân hạn 275 ngày. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Hiệp Tường Việt Nam (địa chỉ tại lô 27A, đường Tân Tạo, KCN Tân Tạo).

Theo hồ sơ được lưu tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM), ngày 15/10/2010, Công ty Hiệp Tường đăng ký hợp đồng thực hiện gia công quần áo tắm các loại, với số lượng 1,2 triệu sản phẩm, trị giá trên 1 triệu USD. Năm 2010 và 2011, Công ty đã thực hiện 28 tờ khai nhập khẩu và 14 tờ khai xuất khẩu.

Tuy nhiên, đến thời điểm hết thời gian ân hạn thuế, doanh nghiệp không thực hiện thanh khoản tổng cộng 31 tỷ đồng tiền thuế, dù cơ quan hải quan liên tục đôn đốc, nhắc nhở. Chỉ đến khi Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư cử công chức đi xác minh, thì mới phát hiện, doanh nghiệp đã “bỏ trốn” tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhà xưởng, máy móc không còn.

Tương tự, Công ty TNHH Silver Star Việt Nam đăng ký tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư thực hiện hợp đồng gia công 1,4 triệu đôi giày, dép thể thao các loại. Trong thời gian 1 năm thực hiện hợp đồng, Công ty đã thực hiện trên 470 tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hết thời hạn, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư thực hiện đôn đốc thanh khoản, xác minh tại chính quyền địa phương và phát hiện doanh nghiệp này không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; nhà xưởng, máy móc cũng đã “bay” theo ông giám đốc người nước ngoài.

Các tin khác