Hớt tóc gió

Khi đi qua đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TPHCM), thấy có một nhóm thợ hớt tóc bên vỉa hè, tôi nói với đứa con: "Tóc con hơi dài rồi, ghé đây hớt cho gọn nhé". Thằng bé mới hơn 10 tuổi bất ngờ phản ứng, kiên quyết không chịu. Hỏi mãi, nó cho biết ngồi hớt tóc ngoài trời không thể hiện được... đẳng cấp. Lỡ bạn bè bắt gặp cười cho. Chiều hôm sau tôi trở lại nơi đó để tìm lại cảm giác được ngồi hớt tóc trong làn gió trời mát rượi.

Khi đi qua đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TPHCM), thấy có một nhóm thợ hớt tóc bên vỉa hè, tôi nói với đứa con: "Tóc con hơi dài rồi, ghé đây hớt cho gọn nhé". Thằng bé mới hơn 10 tuổi bất ngờ phản ứng, kiên quyết không chịu. Hỏi mãi, nó cho biết ngồi hớt tóc ngoài trời không thể hiện được... đẳng cấp. Lỡ bạn bè bắt gặp cười cho. Chiều hôm sau tôi trở lại nơi đó để tìm lại cảm giác được ngồi hớt tóc trong làn gió trời mát rượi.

Trở về tuổi thơ

Hàng chục năm rồi mới có dịp ngồi hớt tóc ngoài trời, cảm giác là lạ thật khó tả. Nếu tìm một cách lý giải, tôi chỉ có thể muợn ý của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi đã tìm được một “vé đi về tuổi thơ”! Khu vực này có 3 thợ hớt tóc tập trung tại góc vỉa hè cạnh Bệnh viện Da liễu TPHCM.

Tôi chọn anh thợ tên Được ở giữa. Hớt tóc vỉa hè nhưng thợ ở đây ăn mặc tươm tất, lịch sự và có ghế chuyên dụng đàng hoàng như cửa hiệu. Anh Được có “chiêu” thể hiện sự chuyên nghiệp và từng trải trong nghề. Khách ngồi vào ghế, anh không hỏi thẳng mà đứng ngắm nghía mái tóc định hớt, rồi lấy bộ đồ nghề ra để trên chiếc kệ kê tạm ở hàng rào, quấn khăn choàng cho khách và bắt đầu công việc.

Chải tóc cho khách vài đường lược, anh mới hỏi như thông báo: Tỉa lại cho gọn anh nhé, tóc của anh hớt cao sẽ không hợp với gương mặt. Những điều đó khiến tôi vốn đã quen hớt tóc ở phòng máy lạnh có phần yên tâm.

Ngồi hớt tóc trong ánh nắng le lói lọt qua kẽ lá của tán cây bàng, vài cơn gió có lẽ đã đuối sức sau khi vượt qua trùng trùng phố xá nhẹ nhàng mơn trớn lên mặt, con đường khá vắng trong giờ cao điểm giữa trung tâm thành phố này khiến tôi nhớ lại tuổi thơ thường ngồi ghế đẩu trước sân nhà cho bác thợ quê hớt tóc.

Bác thợ cọc cạch đạp chiếc xe cũ kỹ chở hòm đồ nghề với 2 kiểu tóc hớt cua và hớt chải chạy khắp làng trên, xóm dưới quanh năm cũng chỉ đủ kiếm sống qua ngày. Không như hớt tóc ở tiệm máy lạnh, dù có tông đơ chạy pin nhưng thợ hớt tóc vỉa hè vẫn thích sử dụng loại điều khiển bằng tay.

Ngoài lý do hao pin, tốn thêm chi phí, hớt tóc bằng tông đơ tay và sử dụng kéo tỉa khéo léo là một trong những yếu tố thu hút khách. Cái thú được hớt tóc bao giờ cũng vậy, luôn bắt đầu từ tiếng nhấp tông đơ, kéo tỉa kêu cạch cạch đều đều dễ gây buồn ngủ. Thuở nhỏ, tôi đã không ít lần bị bạn bè cười vì mái tóc “sọc dưa” do ngủ gục trong lúc hớt tóc.

Anh Được và một khách "mối". Ảnh: T.NGHỊ 

Anh Được và một khách "mối". Ảnh: T.NGHỊ 

Tuy hành nghề cạnh nhau, nhưng cả 3 thợ có luật bất thành văn “nước sông không phạm nước giếng”. Khách vãng lai tới chọn ghế của ai người đó hớt, không tranh giành. Họ cũng có riêng khách mối.

Cứ tưởng chỉ có giới bình dân, người thu nhập thấp mới hớt tóc vỉa hè, nào ngờ chừng 15 phút sau có thêm khách đến, người thứ nhất chạy xe Honda SH sang trọng, người thứ hai lững thững đi bộ. Người đi xe đến chỗ anh Bình, người cuốc bộ ngồi vào ghế của anh Tùng.

Hỏi ra mới biết, khách của anh Bình là chủ một tiệm vàng ở mãi quận 5, còn người đàn ông đứng tuổi khách của anh Tùng là chủ một biệt thự gần đó. Họ đều là khách mối. Có lẽ hớt tóc ở đây lâu dần thành quen và tìm ra được những điều thú vị nên không ai muốn bỏ đi.

Riêng anh Được cũng có không ít khách “ruột” là những người thành đạt. Thí dụ người đàn ông Thuỵ Sĩ trung niên dạy học tại một trường quốc tế ở khu vực này. Ban đầu ông chỉ đến vì tò mò muốn tìm hiểu văn hóa và đời sống người Việt, rồi “ghiền” hớt tóc vỉa hè lúc nào không hay. Mỗi dịp tết đến, ngoài 20.000 đồng tiền công hớt tóc, ông còn “boa” thêm cho anh Được mang về để vợ con vui.

Xuôi ngược vỉa hè

Chỉ gần 20 phút, đôi tay thoăn thoắt và điệu nghệ của anh Được đã hớt xong tóc tôi. Suốt khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, anh kể cho tôi câu chuyện dài về cuộc mưu sinh vất vả của giới thợ hớt tóc vỉa hè trên đất Sài Thành.

Anh Được cùng vợ và 1 đứa con từ ngoài Bắc vào TPHCM làm ăn đã hơn chục năm, nhưng cái nghề của anh nuôi sống bản thân đã khó, lại phải phụ vợ nuôi con ăn học nên luôn thiếu trước, hụt sau. Anh thuê nhà trọ ở chợ Bàn Cờ, quận 3 để vợ tiện việc buôn bán hàng rau cải. Thu nhập của chị là nguồn chủ yếu của gia đình.

Mùa giáp tết là thời gian thu nhập khá nhất trong năm của thợ hớt tóc, nhưng đó là những người có tiệm đàng hoàng, trong khi các thợ vỉa hè chỉ kiếm thêm được chút đỉnh vì lượng khách hàng hầu như cố định. Còn mùa mưa họ chỉ biết trông trời có nắng cho đỡ bấp bênh.

“Bây giờ đâu có mấy người chịu ngồi ngoài trời hớt tóc, nhất là giới thanh niên. Tôi thấy có những anh sinh viên ngồi uống cà phê bàn với nhau chuyện… duỗi tóc, uốn mốt này mốt nọ. Lúc đó mới chợt nhận ra mình đã hết thời. Nhưng ngoài nghề này ra thì chẳng biết làm gì hơn” - anh Được tâm sự.

Trong khi đó, Bình và Tùng cũng đang lận đận tìm nghề mới. Tùng còn độc thân nên tính chuyện dành tiền học nghề sửa xe gắn máy. Riêng anh Bình làm thêm nghề vận chuyển nhà, văn phòng thuê để kiếm thêm thu nhập và chờ thời.

Ngoài nguy cơ hết thời, ở TPHCM hiện nay thợ hớt tóc vỉa hè không còn nhiều vì một nguyên nhân không liên quan đến nghề nghiệp. Tuy có ý kiến khác nhau về cách sử dụng vỉa hè của thành phố, người nói “không” với lý do đó là nơi dành cho khách bộ hành, người bảo “được” vì cần học theo một số nước phương Tây trong việc sử dụng vỉa hè thông qua các hoạt động có trật tự để phục vụ du lịch.

Trong khi tranh cãi còn chưa ngã ngũ, vỉa hè của TPHCM mặc nhiên bị cấm khai thác dưới mọi hình thức - dù trên thực tế vẫn nhan nhản các kiểu vi phạm, nhất là khu vực trụ sở của doanh nghiệp và hàng quán.

Những người kiếm sống trên vỉa hè như cánh thợ hớt tóc không ít lần bị “ép” vào khuôn khổ. Một số có lưng vốn đã thuê nhà mở tiệm. Vài người may mắn làm ăn được trụ lại luôn, còn hầu hết thợ sau một thời gian nai lưng cầm cự với áp lực chi phí trả tiền thuê nhà, điện, nước… đã quay lại vỉa hè hoặc bỏ nghề như trường hợp của anh Hùng trên đường Pasteur.

Riêng 3 người thợ sau khi trở lại góc đường Nguyễn Thượng Hiền này, nhờ chọn được chỗ vắng vẻ và chính quyền địa phương “nghĩ thoáng” nên mới tồn tại đến hôm nay. Và nhờ vậy, tôi thêm một lần được sống lại trong miền ký ức.

Các tin khác