Đô la hóa nền kinh tế

Kiên quyết xử lý

Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả, giảm dần nhập siêu và tiến tới cân đối cán cân thương mại, phải loại trừ tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế - yếu tố thường xuyên gây bất ổn. Đó là một trong những nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai nhằm tiến tới xóa bỏ tình trạng này.

Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả, giảm dần nhập siêu và tiến tới cân đối cán cân thương mại, phải loại trừ tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế - yếu tố thường xuyên gây bất ổn. Đó là một trong những nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai nhằm tiến tới xóa bỏ tình trạng này.

 Thị trường nội, thanh toán tiền ngoại

Mục tiêu của việc triệt hạ tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế là hướng phương tiện thanh toán duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam là VNĐ, chuyển dần quan hệ huy động và cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nền kinh tế đang tồn tại hàng loạt yếu tố tác động làm gia tăng tình trạng đô la hóa.

Thời gian qua cơ quan chức năng đã liên tục chấn chỉnh về việc này nhưng vẫn còn không ít giao dịch được thực hiện công khai bằng USD hoặc thực chất cũng quy đổi từ USD. Việc nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng ngoại tệ - chủ yếu là USD để giao dịch, định giá, niêm yết, thanh toán các mặt hàng giá trị cao… càng khiến tình trạng đô la hóa trở nên trầm trọng.

Khảo sát các trung tâm Anh ngữ tại TPHCM cho thấy hầu hết các khoản học phí đều được công khai thông báo bằng USD quy ra VNĐ khi người học đóng tiền. Với những trung tâm Anh ngữ có vốn đầu tư nước ngoài, lý do đưa ra hết sức đơn giản: Tất cả giáo viên đều là người nước ngoài, chương trình học cũng của nước ngoài, tiền thuê mặt bằng được tính bằng USD nên họ thu USD. Tại những trung tâm Anh ngữ “nửa tây, nửa ta” (có thuê thêm giáo viên người nước ngoài), học phí cũng ghi theo kiểu “nửa nạc, nửa mỡ”, tức một số chương trình thi như TOEIC, TOEFL… học phí được niêm yết bằng USD, còn những chương trình như nghe, nói, đọc, viết được tính bằng VNĐ. Tuy nhiên, những chương trình đóng học phí bằng VNĐ thực chất cũng quy đổi từ USD ra.

Trên thị trường nội địa có hàng loạt sản phẩm được báo giá bằng USD. Tại một salon ô tô ở quận Tân Bình, TPHCM giá chiếc Mini Cooper được niêm yết 54.000USD. Một số nhân viên kinh doanh giải thích do đây là sản phẩm nhập khẩu bằng USD nên giá bán phải được tính bằng USD. Hơn nữa, do tỷ giá luôn biến động nên họ niêm yết giá bằng USD để không phải điều chỉnh giá nhiều lần, gây ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.

Thế nhưng, cho dù không có yếu tố nước ngoài, cũng không phải nhập khẩu nhưng có nhiều dịch vụ cũng sử dụng USD để giao dịch. Hình thức giao dịch của những hoạt động mua bán này là niêm yết cả 2 mức giá, lấy mức giá USD làm chuẩn và quy đổi ra VNĐ để nhận tiền. Chỉ cần vào các website rao vặt, mua bán bất động sản online hoặc trực tiếp đi hỏi một số chủ nhà đang cần cho thuê mặt bằng, các giao dịch đều được tính theo giá USD. Mặt bằng nhỏ thì vài trăm USD, lớn vài ngàn cho đến vài trăm ngàn USD.

Việc niêm yết giá bán hàng hoặc giao dịch quy đổi từ giá USD đều là hành vi sai phạm, không đúng quy định của pháp luật, bởi hàng hóa ở Việt Nam chỉ được niêm yết bằng VNĐ. Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra các đơn vị về vấn đề này. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt nặng. Với những trường hợp niêm yết giá VNĐ nhưng tính giá USD để quy đổi thanh toán với khách hàng qua trao đổi miệng khó xử phạt, nhưng khi có cơ sở, bằng chứng cụ thể hoặc bắt quả tang cũng sẽ bị xử lý.

Ông Đặng Văn Đức,
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường

 Tâm lý sính USD

Thông tư 11/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định việc niêm yết hoặc thu tiền bán hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ không được phép sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về quản lý ngoại hối, đặc biệt việc niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Để né những hành vi này, nhiều giao dịch được thực hiện dưới dạng niêm yết công khai bằng giá VNĐ nhưng được quy đổi từ giá USD. Một chủ đầu tư bất động sản cho biết giao dịch bằng USD rất yên tâm vì không lo mất giá. Dự án bất động sản từ khi khởi công đến khi hoàn thiện thường mất vài năm, nếu tính bằng VNĐ chủ đầu tư sẽ thiệt vì tỷ giá tăng. Những mặt hàng công nghệ cao cũng không ngoại lệ. Hầu hết các trung tâm điện máy hiện nay đều niêm yết giá các sản phẩm như máy tính, máy ảnh, điện thoại, máy giặt, tivi, máy lạnh… bằng VNĐ nhưng liên tục thay đổi theo sự lên xuống của… USD.

Những lý do giao dịch bằng USD, ngoài việc VNĐ trượt giá trong khi USD ổn định, còn do tâm lý người dân ưa chuộng hàng nhập ngoại, hàng bán bằng USD. Theo đó, bất cứ sản phẩm nào cứ quy ra USD là giá trị của nó được nâng lên!? Dạo quanh một số cửa hàng trên đường Đồng Khởi, quận 1 TPHCM, có thể thấy khá nhiều cửa hàng niêm yết giá bán hàng bằng USD, đặc biệt là các cửa hàng bán hàng hiệu, đắt tiền. Vào một tiệm bán hàng lưu niệm ở đây, một chiếc túi thổ cẩm được để giá 28USD. Khi người mua có nhu cầu thanh toán bằng VNĐ, người bán sẽ quy đổi theo tỷ giá thị trường tự do.

Kiên quyết xử lý ảnh 1

Chủ một tiệm bán máy ảnh trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 chia sẻ: “Hàng của tôi đều mua từ nước ngoài về bằng USD, nếu không bán theo USD thì lỗ chắc. Bên cạnh đó, khách vào mua hàng thấy niêm yết giá bằng USD sẽ nghĩ đây là hàng xịn, hàng nhập. Nhiều khách hàng còn sẵn sàng thanh toán bằng USD”. Thực trạng trên cho thấy để chống đô la hóa, trước mắt cần ngăn chặn và xử lý tình trạng giao dịch bằng USD thật triệt để, đồng bộ.

 Kiên trì giải quyết từ gốc

Một trong những giao dịch phổ biến bằng USD là lĩnh vực bất động sản. Việc niêm yết giá và ký hợp đồng bằng USD sẽ khiến khi tỷ giá thay đổi người dân phải đóng tiền nhiều hơn. Dù tình trạng này không còn công khai như trước, được lách bằng việc thông báo giá bán nhà, căn hộ bằng VNĐ nhưng khi khách đến giao dịch mới biết giá bán vẫn được quy đổi theo giá USD.

Hiện nay có rất nhiều dự án bất động sản tung ra thị trường. Nguồn cung rất lớn khiến chủ đầu tư phải xem xét lại việc niêm yết giá cho phù hợp. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, ngoài điều chỉnh giá bán, nhiều chủ đầu tư cho biết nếu niêm yết bằng VNĐ cũng là một lợi thế vì khách hàng sẽ ưu tiên chọn những dự án được tính bằng VNĐ. Bởi nếu tính bằng USD, người mua sẽ tính toán tương đương với VNĐ là bao nhiêu, nếu quá cao sẽ không mua. Vì thế trong thời gian tới, niêm yết bằng VNĐ của các dự án bất động sản có khả năng đi vào ổn định.

Quy định của Nhà nước là chủ đầu tư niêm yết giá bất động sản bằng VNĐ chứ không phải bằng USD. Tuy nhiên thói quen giao dịch bất động sản bằng vàng và USD vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Hiện nay vấn đề này đang được các cơ quan chức năng chấn chỉnh và các doanh nghiệp cũng đang cố gắng tuân thủ quy định của Nhà nước về việc niêm yết giá bán bằng VNĐ.

Bà Đỗ Thị Loan,
Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Để chống đô la hóa, loại bỏ việc niêm yết bằng giá USD phải bắt đầu từ gốc, trong đó yếu tố tiên quyết là phải ổn định kinh tế vĩ mô và giá trị nội tệ. Bởi khi thâm hụt thương mại còn cao thì nhu cầu ngoại tệ thanh toán còn lớn; tỷ lệ lạm phát còn cao, giá trị thực của VNĐ giảm sút, niềm tin vào giá trị nội tệ sẽ sụt giảm, tạo điều kiện cho tình trạng đô la hóa gia tăng. Bên cạnh đó, cần có sự thanh tra, kiểm tra gắt gao của cơ quan chức năng và những biện pháp xử lý mạnh tay để khắc phục tình trạng dùng USD đặt giá chuẩn cho hàng hóa lưu hành tại Việt Nam.

Các tin khác