Thủ tục thuế, hải quan nửa vời, máy móc

(ĐTTCO)-Không phải lỗi của mình nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với án phạt vì ghi nhận thiếu doanh thu. Việc “nửa vời” trong quá trình điện tử hóa các thủ tục hành chính là vấn đề được doanh nghiệp chỉ ra như một trong những lý do gây thiệt hại cho các đơn vị,

(ĐTTCO)-Không phải lỗi của mình nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với án phạt vì ghi nhận thiếu doanh thu. Việc “nửa vời” trong quá trình điện tử hóa các thủ tục hành chính là vấn đề được doanh nghiệp chỉ ra như một trong những lý do gây thiệt hại cho các đơn vị,

Tự “áng” ngày thông quan rồi… bị phạt

Nêu lên điều này trong Hội nghị đối thoại chính sách thuế, hải quan tổ chức ngày 28/11, bà Vũ Thị Thu Hương, Trưởng phòng Tài vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn Yakjin kể câu chuyện mà theo chị là nhiều công ty cũng đang mắc như mình.

Theo chị, quy định hiện tại hướng dẫn thời điểm xác định doanh thu là thời điểm hoàn tất thủ tục hải quan. Thắc mắc về “thời điểm hoàn tất thủ tục hải quan, chị Hương cho biết, doanh nghiệp chị được phía hải quan giải thích, đó là “ngày thông quan.”

Tuy nhiên, rắc rối nảy sinh là thông thường, doanh nghiệp phải đợi vài tháng để biết chính xác ngày thông quan hàng hóa của mình là khi nào. Bởi vậy, trước đó, muốn làm báo cáo tài chính, các đơn vị thường phải “áng” ngày để tính doanh thu.

“Những tháng trong năm thì không sao nhưng vào những tháng giáp ranh hai năm là tháng 12 và tháng Một, chúng tôi không biết hàng bốc lên tàu vào tháng nào. Trong khi ấy, báo cáo tài chính phải hoàn thành nên thường chúng tôi áng một trong hai tháng để xác nhận doanh thu. Tới khi lấy được tờ khai gốc, ngày hàng lên tàu có khi không khớp khiến báo cáo bị sai doanh thu,” đại diện công ty chuyên gia công hàng may mặc lên tiếng.

Điều thiệt hại theo đại diện doanh nghiệp nọ là chính vì ghi nhận sai doanh thu nên khi cơ quan chức năng tới kiểm tra, các đơn vị sẽ bị phạt chậm nộp dù không cố ý.

Theo chị, vấn đề ở chỗ, việc điện tử hóa thủ tục hành chính vẫn chưa triệt để. Khâu “chốt” ngày tháng bốc hàng hóa hiện vẫn ghi bằng tay rồi lọc từng tờ khai trả về các đơn vị. Quá trình tốn rất nhiều thời gian và chưa có sự liên kết giữa các cơ quan để giải quyết nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Giải quyết đúng nhưng máy móc

Nêu lên vấn đề khác, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam kể trường hợp một số doanh nghiệp phải chuyển qua, chuyển lại tiền đặt cọc khá lòng vòng.

“Ví dụ doanh nghiệp mua máy móc hết 500 triệu đồng, trước đó đặt cọc tiền mặt 50 triệu đồng, 450 đồng triệu chuyển khoản sau đó. Tuy nhiên, khi khấu trừ, tính chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản 50 triệu đồng đặt cọc tiền mặt không được tính,” bà Cúc nêu vấn đề.

Theo bà, ngành thuế sau đó đã giải quyết cho doanh nghiệp bằng cách cho phép doanh nghiệp bán chuyển trả lại cho người mua rồi từ đó… bên mua lại chuyển khoản trả người bán.

“Giải quyết khó khăn như vậy là đúng nhưng máy móc,” bà Cúc nhận xét.

Đại diện Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, hóa đơn chứng từ vẫn là vấn đề nan giải tại Việt Nam và thậm chí có tình trạng “tôn sùng” hóa đơn.

Bà Cúc lấy ví dụ về quy định bán hàng từ 200.000 đồng trở lên mà người mua không lấy hóa đơn thì bên bán vẫn bắt buộc phải lập hóa đơn.

Điều này theo bà nếu kiểm tra thì khẳng định “100% doanh nghiệp làm sai.” “Ngành thuế đã trả lời một số doanh nghiệp cho lập bảng kê nhưng vẫn chỉ dừng lại ở một số đơn vị. Tôi mong những gì xử lý đúng thì nên có văn bản chung, đưa lên website để doanh nghiệp thấy tình huống giống mình được xử lý ra sao,” bà Nguyễn Thị Cúc đánh giá.

Theo bà, nếu chỉ tập trung vào hóa đơn thì “cố gắng xử lý hết vấn đề này sẽ đẻ ra vấn đề khác.” “Quan trọng là làm sao luồng tiền đi với luồng hàng chứ không đơn giản chỉ là hóa đơn,” bà nói./.

Các tin khác