TNG - Ứng phó rủi ro

Vụ hỏa hoạn cuối tuần qua tại Xí nghiệp May Sông Công 2 thuộc CTCP Đầu tư và Thương mại TNG đã thực sự trở thành một cuộc thử lửa về khả năng ứng phó rủi ro và bản lĩnh của lãnh đạo doanh nghiệp này.

Vụ hỏa hoạn cuối tuần qua tại Xí nghiệp May Sông Công 2 thuộc CTCP Đầu tư và Thương mại TNG đã thực sự trở thành một cuộc thử lửa về khả năng ứng phó rủi ro và bản lĩnh của lãnh đạo doanh nghiệp này.

Khu công nghiệp không có lực lượng chữa cháy

Trong vòng hơn 3 giờ , từ khi phát hiện cháy hồi 20 giờ 15 phút cho tới khi dập tắt hoàn toàn vào 23 giờ 30 phút ngày 27-5-2011, 1 trong 6 kho thành phẩm của TNG đã bị thiêu rụi, thiệt hại lên tới gần 74 tỷ đồng. Đây là mức thiệt hại rất lớn nếu so sánh với vốn điều lệ của TNG 134,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế năm 2010 trên 24 tỷ đồng.

Thời điểm này, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ cháy, nhưng có một bất cập đã bộc lộ ngay khiến nhiều doanh nghiệp phải giật mình. Đó là hiện nay nhiều khu công nghiệp không có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tại chỗ nên hoàn toàn không có khả năng ứng phó nhanh với hỏa hoạn.

Nhiều thành phẩm chuẩn bị xuất xưởng đã bị cháy thành tro sau trận hỏa hoạn. Ảnh: CTV

Nhiều thành phẩm chuẩn bị xuất xưởng đã bị cháy thành tro sau trận hỏa hoạn. Ảnh: CTV

Đây là rủi ro có thể tính toán trước mà doanh nghiệp không thể tự mình khắc phục được. Trong trường hợp của TNG, phải chờ tới 26 phút sau khi báo cháy, xe cứu hỏa đầu tiên của Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thái Nguyên mới tới KCN Sông Công - nơi doanh nghiệp đứng chân. Gần nửa giờ trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng kéo dài và sản phẩm may mặc rất dễ bén lửa, thiệt hại càng tăng gấp bội, nhưng doanh nghiệp cũng chỉ biết ngậm ngùi gánh chịu.

Thiệt hại hàng chục tỷ đồng là đau xót đối với TNG, nhưng trong hoạn nạn lại cho thấy những giá trị rất lớn không thể mua được bằng tiền. Đó là tinh thần đoàn kết bảo vệ sản xuất của anh chị em công nhân. Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, toàn bộ 300 công nhân lưu trú tại khu tập thể của xí nghiệp đã nhanh chóng triển khai chữa cháy tại chỗ trước khi lực lượng chuyên nghiệp tới hiện trường. Nhờ đó, nhiều lô hàng đã được cứu ngay trước lưỡi lửa, tạo khoảng trống cần thiết làm băng ngăn lửa lan sang khu vực sản xuất.

Điều may mắn nhất là toàn bộ anh chị em công nhân đều an toàn. Ngay buổi sáng hôm sau, Ban lãnh đạo TNG đã tổ chức gặp mặt, cảm ơn toàn thể anh chị em công nhân và quyết định miễn toàn bộ tiền thuê nhà cho người lao động tới hết năm 2011. Khoản tiền dù không lớn, nhưng là sự tri ân kịp thời đối với người lao động.

Những thiệt hại đã có bảo hiểm

Những thông tin ban đầu về vụ cháy, đặc biệt là những con số ước đoán chưa chính xác về thiệt hại của vụ hỏa hoạn đã tạo ra cuộc tháo chạy của một số NĐT đang nắm giữ CP TNG. Hai phiên đầu tuần, CP TNG giảm sàn liên tiếp, về mốc 8.800 đồng/CP - một mức thấp kỷ lục và nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư. Trước tình hình này, dù công việc khắc phục hậu quả còn đang bề bộn, để bảo vệ quyền lợi của NĐT, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG, đã chủ trì buổi họp báo công bố thông tin chính thức về vụ hỏa hoạn.

Ông Nguyễn Văn Thời cho biết: Theo tính toán tổng thiệt hại của TNG khoảng 74 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp về hàng hóa, nhà xưởng, máy móc thiết bị gần 57 tỷ đồng; thiệt hại gián tiếp khắc phục hậu quả, chi phí sửa chữa, xây dựng lại nhà xưởng, bồi thường khách hàng... khoảng 17,5 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ hàng hóa và nhà xưởng đã được công ty mua bảo hiểm. Ngay sau khi xảy ra hỏa hoạn, TNG cũng đã kịp thời thông báo cho khách hàng và nhận được sự chia sẻ của đối tác, nhiều khả năng TNG không phải bồi thường đơn hàng do chậm hợp đồng. Như vậy, thiệt hại của TNG vào khoảng dưới 30 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời cũng khẳng định: Với tiềm lực và khả năng ứng phó rủi ro của TNG, các chỉ tiêu chủ yếu của TNG trong năm 2011 cơ bản không thay đổi. Chỉ tiêu doanh thu trên 1.186 tỷ đồng chắc chắn được bảo đảm, do có sự bù đắp lớn từ dự án Nhà máy TNG Phú Bình sẽ chính thức đi vào sản xuất từ ngày 10-6-2011, nhanh hơn so với kế hoạch. Chỉ tiêu cổ tức 20% mệnh giá cũng chắc chắn được bảo đảm. Riêng kế hoạch lợi nhuận sau thuế có thể giảm khoảng 10 tỷ đồng, xuống mức 40 tỷ đồng.

Chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn của TNG sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Ông Nguyễn Văn Thời cũng cho biết, những ngày tới ông sẽ chính thức đăng ký mua CP với số lượng lớn theo hình thức khớp lệnh. Đây không chỉ là hành động trấn an các NĐT, mà trên thực tế CP TNG đang ở mức rất hấp dẫn để sinh lời.

Các tin khác