Thanh khoản và chất lượng

LTS: ĐTTC số 532 ra ngày 14-6 có đăng bài “Thận trọng thanh khoản giả tạo” nói về những dấu hiệu bất thường liên quan đến thanh khoản trên TTCK nói chung và từng CP nói riêng. Bài viết đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, Tòa soạn xin trích đăng ý kiến của NĐT Phạm Mỹ Hoa.

LTS: ĐTTC số 532 ra ngày 14-6 có đăng bài “Thận trọng thanh khoản giả tạo” nói về những dấu hiệu bất thường liên quan đến thanh khoản trên TTCK nói chung và từng CP nói riêng. Bài viết đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, Tòa soạn xin trích đăng ý kiến của NĐT Phạm Mỹ Hoa.

Đầu tháng 5, CP PNJ (CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) có giá vào khoảng 4.3-4.4, đến cuối tháng CP này đóng cửa ở mức 4.1-4.2. Trong khi VN Index giảm khoảng 10%, rất nhiều CP giảm 20-30%  nhưng PNJ chỉ giảm nhẹ 5%, cho thấy khả năng trụ giá rất tốt của CP này.

Nền tảng kinh doanh hiệu quả, giá trị vốn hóa lớn, nằm trong rổ chỉ số VN30 và một số bộ chỉ số của các ETF, là những cơ sở để PNJ trở thành một blue chip thực sự. So với một số blue chip khác trên thị trường có thanh khoản rất cao, mỗi phiên khớp hàng triệu CP, thanh khoản của PNJ không cao, KLGD mỗi phiên thường nằm ở con số vài chục nghìn CP.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa PNJ kém hấp dẫn, không được NĐT quan tâm, mấu chốt của vấn đề là nguồn cung khá hạn chế.

Một số CP thanh khoản thấp nhưng vẫn thu hút NĐT nhờ chất lượng. Ảnh: CAO THĂNG

Một số CP thanh khoản thấp nhưng vẫn thu hút NĐT nhờ chất lượng. Ảnh: CAO THĂNG

Ngay trong những phiên thị trường giảm rất mạnh cũng không thấy lực bán tháo PNJ, trái lại nguồn hàng giá rẻ vẫn đưa ra khá nhỏ giọt, nếu có chỉ trong một thời gian ngắn đã được nhanh chóng gom mua. Hiện tại, sở hữu của NĐTNN tại PNJ đã lên đến hơn 46%, tức NĐTNN chỉ có thể mua chưa đến 3% cổ phần công ty.

Nhưng việc gần hết room không phải nguyên nhân chính lý giải cho việc thanh khoản của PNJ không cao, bởi vẫn có những CP hết room mỗi ngày vẫn khớp hàng triệu đơn vị. Vấn đề nằm ở chỗ tình hình kinh doanh của PNJ vẫn rất ổn định, công ty duy trì được khả năng tăng trưởng tốt và ngay cả NĐT trong nước nắm giữ CP này cũng rất hạn chế bán ra.

Đã có nhiều NĐT nắm giữ PNJ từ những ngày đầu tiên công ty phát hành CP, đến nay đã lãi rất lớn và xu hướng này vẫn chưa chấm dứt. Vì thế thời điểm này không ai muốn bán ra CP của PNJ.

Cũng tương tự PNJ là trường hợp của VNM (Vinamilk). Chỉ với vài chục nghìn CP khớp lệnh mỗi phiên, trong khi chất lượng CP của VNM là điều không phải bàn cãi. Những năm qua, trong khi nhiều mã CP giảm mạnh, bào mòn giá trị tài sản của các quỹ đầu tư, VNM vẫn tăng giá, chia cổ tức đều đặn với tỷ lệ rất lớn.

Cũng chính vì vậy, VNM trở thành CP chủ chốt trong danh mục của các quỹ đầu tư. Không chỉ đóng góp về mặt giá trị, sở hữu VNM cũng có thể là minh chứng cho chủ trương đầu tư đúng đắn, dài hạn của các quỹ đầu tư.

Thực tế, dù chỉ có giá trên dưới 9.0 trong thời gian qua, nhưng các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn sẵn sàng trả giá 10.0-11.0 để sở hữu VNM thông qua mua bằng P-Notes (chứng chỉ đầu tư dành cho NĐTNN). Một điểm cũng cần nhấn mạnh là thanh khoản thấp của VNM hay PNJ không xuất phát từ việc không có lực mua, mà nằm ở chỗ lực bán ra hạn chế.

Việc giữ những CP mà sức cầu hiếm khi nào sụt giảm cũng khiến NĐT cảm thấy yên tâm. Nhờ vậy áp lực bán ra 2 CP này mỗi khi thị trường điều chỉnh đã giảm dần.

Là CP ngành thép, một ngành với khá nhiều tin tức tốt, xấu đan xen và tính chất biến động khá mạnh, nhưng SMC (CTCP Đầu tư Thương mại SMC) lại có khả năng giữ giá rất tốt. Trong suốt tháng 5, SMC không giảm mà vẫn giữ giá ở mức 1.3. Một số phiên SMC giảm gần về 1.2 nhưng sau đó nhanh chóng bật lên.

Dù thanh khoản ở mức khá thấp nhưng SMC là một trong số ít những CP ngành thép duy trì được việc chia cổ tức đều đặn và nằm trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép nhưng công ty vẫn có lãi. Điều này có thể xem là nguyên nhân khiến nguồn cung giá thấp của SMC không có.

SMC từ một CP thoạt nhìn mang tính biến động cao do đặc thù kinh doanh, đang trở thành một CP có tính phòng thủ chắc chắn.

Việc CP có thanh khoản thấp có thể khiến một bộ phận NĐT - có thị hiếu đánh theo sóng, thích cảm giác mạnh - không thực sự mặn mà. Nhưng cần phải rạch ròi giữa thanh khoản thấp do CP bèo không ai ngó ngàng với thanh khoản thấp xuất phát từ chất lượng CP tốt, cơ cấu cổ đông ổn định dẫn đến nguồn cung hạn chế, dù sức cầu vẫn đảm bảo.

Cũng chính nhờ điều này những rủi ro tiềm tàng trong việc giá CP bị tác động hoặc thâu tóm sẽ giảm nhiều. Các nhóm NĐT nếu muốn gom CP cũng rất dễ nản lòng. Từ đây, các CP chất lượng có thể gián tiếp chọn lựa được đối tượng NĐT, cổ đông cho riêng mình: những NĐT ưa thích sự ổn định, chất lượng.

Điều này sẽ góp phần củng cố chất lượng TTCK, có ý nghĩa hơn rất nhiều so với những CP có thanh khoản cao nhưng giả tạo và thiếu ổn định.

Các tin khác