Thận trọng thanh khoản giả tạo

Thanh khoản thông qua KLGD và GTGD là tiêu chí quan trọng để NĐT quyết định chọn mua CP. Thanh khoản càng cao, CP càng an toàn và ngược lại thanh khoản thấp có thể khiến NĐT phải “ôm” CP dài hạn bất đắc dĩ. Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy.

Thanh khoản thông qua KLGD và GTGD là tiêu chí quan trọng để NĐT quyết định chọn mua CP. Thanh khoản càng cao, CP càng an toàn và ngược lại thanh khoản thấp có thể khiến NĐT phải “ôm” CP dài hạn bất đắc dĩ. Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy.

SBS (CTCK Sacombank) là một trong những CP có biến động mạnh nhất trên thị trường, CP này hầu như chỉ có 2 trạng thái tăng trần hoặc giảm sàn, rất hiếm khi tăng-giảm nhẹ hoặc đứng giá. Thanh khoản của SBS xét theo KLGD rất tốt khi rất nhiều phiên lên đến hàng triệu CP.

Điều này trái ngược hẳn với những năm trước đây, khi SBS có thanh khoản “bèo” so với CP của các CTCK khác như SSI, VND hay KLS. Nhưng lý do để thanh khoản của SBS gia tăng lại thật khó xác định chính xác.

NĐT cần thận trọng trước thanh khoản giả tạo. Ảnh: CAO THĂNG

NĐT cần thận trọng trước thanh khoản giả tạo. Ảnh: CAO THĂNG

Trước tiên, có thể khẳng định các tổ chức đầu tư nước ngoài sẽ khó lòng giao dịch một CP như SBS mà cuộc chơi tại đây đa phần là các NĐT cá nhân. Và cũng sẽ rất khiên cưỡng nếu nói tất cả các NĐT mua vào SBS để kỳ vọng yếu tố cơ bản được cải thiện.

Đối với NĐT cá nhân, không nhiều người thích “chơi dài” và không phải ai cũng “hiểu” SBS để có thể mua và chờ đợi. Ở đây, không bàn đến chuyện SBS có được “mồi” thanh khoản hay không, nhưng đứng trên góc độ ngắn hạn, CP có thanh khoản cao, biến động mạnh, giá “bèo” trong điều kiện thị trường tốt như SBS là rất đáng để “thử”. Và có lẽ nhiều người có chung suy nghĩ này nên thanh khoản của CP sẽ tăng bội phần.

VNE (Vneco) cũng tương tự SBS, nếu theo dõi giao dịch của VNE, sẽ không ít người cảm thấy “lạnh người” khi nhìn khối lượng khớp của CP này. Những ngày qua không phải là thời điểm thị trường sôi động, nhưng vẫn có những thời điểm VNE khớp đến hàng trăm nghìn CP chỉ trong 5-10 phút.

Theo dõi kỹ những giao dịch của VNE, NĐT có kinh nghiệm sẽ đặt ra nhiều giả thiết: Phải chăng VNE quá “hot” nên việc mua bán diễn ra tấp nập? Điều này không phải không có cơ sở khi nhiều NĐT lão luyện trên thị trường thường “bỏ nhỏ” với nhau rằng, cứ khi thị trường lên mua VNE kiểu gì cũng có lãi.

Nhưng chỉ dòng tiền của NĐT cá nhân thì việc “khiển” cho CP tăng trần hoặc giảm sàn khi không có một thông tin gì tốt, hoặc nền tảng gì đặc biệt của VNE là không dễ dàng. Nhiều NĐT kháo với nhau VNE hay SBS có thể xếp vào nhóm CP “muốn lên thì lên, muốn xuống thì xuống”!

TTF (Gỗ Trường Thành) vào thời điểm đầu tháng 4 chỉ dao động quanh vùng giá 7.000 đồng/CP và thanh khoản cũng ở mức thấp với vài chục nghìn CP mỗi phiên. Nhưng đến khi CP này bước vào một đợt tăng giá gần 50%, thanh khoản của TTF tăng lên hàng trăm nghìn CP và đây là điều kiện lý tưởng để thu hút NĐT mua vào.

Năm 2010, VNS (Vinasun) đã có những đợt tăng giá rất ấn tượng, đi kèm với đó là thanh khoản của CP này rất tốt với hàng trăm nghìn CP mỗi phiên. Nhưng trong năm 2012, VNS lại có thanh khoản rất kém, có những phiên gần như “liệt” thanh khoản với chỉ vài nghìn CP khớp lệnh.

Nếu đi sâu hơn vào từng mã CP, “đọc” các giao dịch trên bảng điện tử sẽ thấy không ít những dấu hiệu chứng tỏ thanh khoản của CP có tính “giả tạo”. Không ít CP biến động giá rất kém, các cột dư mua dư bán chỉ treo vài trăm đến vài nghìn CP, nhưng lâu lâu lại bất thần khớp hàng chục nghìn CP.

Có người cho rằng CP này đang được “gom” nhưng cũng có thể đây chỉ là chiêu bán tay phải mua tay trái. Cũng có những trường hợp những CP tầm trung hoặc penny chip, không “nổi” kiểu như VNE hay DQC nhưng lại tăng trần đột ngột kèm theo thanh khoản tăng.

Người tinh ý cũng có thể nghĩ đến sự giả tạo trong thanh khoản, vì bên ngoài không mấy ai chú ý mà thanh khoản tại tăng thì nguyên nhân vì đâu?

Cũng có những CP đầu phiên giao dịch rất lèo tèo, nhưng kiểu gì đến cuối phiên cũng khớp lên đến hàng trăm nghìn CP chỉ sau vài lần các lệnh hàng chục nghìn CP được đưa ra thị trường. 

Các tin khác