Tái cấu trúc CTTC bắt đầu từ minh bạch

ĐTTC số 528 ra ngày 31-5 có bài viết “Công ty tài chính thuộc tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) Nhà nước - Tái cơ cấu để tồn tại” nêu thực trạng và những thách thức các công ty tài chính thuộc TĐ, TCT nhà nước hiện nay. Bài viết đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, tòa soạn trích đăng ý kiến của NĐT Nguyễn Quốc Hải.

ĐTTC số 528 ra ngày 31-5 có bài viết “Công ty tài chính thuộc tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) Nhà nước - Tái cơ cấu để tồn tại” nêu thực trạng và những thách thức các công ty tài chính thuộc TĐ, TCT nhà nước hiện nay. Bài viết đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, tòa soạn trích đăng ý kiến của NĐT Nguyễn Quốc Hải.

Điều dễ nhận thấy nhất ở các công ty tài chính thuộc TĐ, TCT nhà nước là tính minh bạch chưa cao. Cho đến thời điểm hiện nay chỉ mới có PVFC (Tài chính Dầu khí) niêm yết trên sàn, các công ty tài chính còn lại hầu như thiếu tính minh bạch.

Để tìm những thông tin cơ bản chẳng hạn báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo thường niên của SDFC (Tài chính Sông Đà) hay EVNFC (Tài chính Điện lực) không hề đơn giản khi truy cập vào website của các đơn vị này, phải “mò mẫm” từng mục nhưng kết quả thu về rất khó được như ý muốn.

Chẳng hạn, nửa đầu năm 2012 đã qua, nhưng BCTC năm 2011 của SDFC vẫn chưa xuất hiện trên webiste của công ty mà chỉ có BCTC năm 2009, 2010.

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: VĨNH HÙNG

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: VĨNH HÙNG

Những công ty tài chính có vai trò điều tiết vốn cho các TĐ, tầm quan trọng chẳng kém gì các ngân hàng mà lại không chú trọng minh bạch là điều không thể chấp nhận, gián tiếp ảnh hưởng đến chính TĐ, TCT. Bởi lẽ các TĐ, TCT sắp tới sẽ buộc phải tái cấu trúc toàn diện mình.

Lúc này công tác huy động vốn cũng sẽ phải tìm đến nhiều hơn từ các nguồn bên ngoài, mà đối với các tổ chức đầu tư, yếu tố minh bạch luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu thiếu minh bạch, các TĐ, TCT, hoặc công ty con khi thông qua công ty tài chính của mình phát hành trái phiếu cho dù lãi suất có hấp dẫn, cũng chưa chắc thu hút được NĐT.

Quá trình tái cấu trúc của các công ty tài chính thuộc TĐ, TCT nhà nước không đơn giản. Một trong những điểm quan trọng của quá trình tái cấu trúc tổng thể là phải tái cấu trúc được danh mục đầu tư, nhưng cho đến thời điểm hiện nay, danh mục đầu tư của các công ty tài chính hết sức mù mờ, khó hiểu.

Khoảng hơn 1 năm nay, NĐT thường thấy những công bố thông tin về việc EVNFC giao dịch cổ phiếu PPC (Nhiệt điện Phả Lại), đáng chú ý có những giao dịch kiểu “lướt sóng” khi cùng mua cùng bán. Với chức năng đầu tư của mình EVNFC có quyền làm như vậy, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là việc làm của EVNFC có “đáng” hay không?

Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi rằng TĐ Điện lực (EVN) đang gặp những thách thức, trong đó có vấn đề về vốn tại sao EVNFC lại có tiền để đi lướt sóng CP? Sẽ là khiên cưỡng nếu nói các giao dịch của EVNFC với PPC là cơ cấu danh mục đầu tư và còn khiên cưỡng hơn nữa nếu xem đây là hoạt động để tạo ra lợi nhuận.

Giá CP của PPC trong khoảng 1 năm qua có lúc tăng khoảng 100%, nhưng 1 CP không thể tạo ra nguồn thu lớn và EVNFC cũng không được đánh giá cao ở hoạt động đầu tư.

Theo BCTC năm 2011 của EVNFC, khoản mục chứng khoán kinh doanh có giá trị nguyên gốc là 138 tỷ đồng, nhưng sau khi trích lập dự phòng khoảng 60 tỷ đồng chỉ còn lại hơn 78 tỷ đồng.

Trong kế hoạch kinh doanh 2012, EVNFC đề ra mục tiêu cho hoạt động đầu tư là “tập trung duy trì hoạt động hiệu quả”, bao gồm 2 giải pháp nghiên cứu, tái cơ cấu danh mục đầu tư và đảm bảo hoạt động được triển khai theo hướng chuyên nghiệp.

Nhưng thử hỏi EVNFC từ trước đến nay đã hoạt động hiệu quả đến đâu? Tái cơ cấu danh mục nhưng lại không nêu rõ lịch trình tái cơ cấu như thế nào, những loại chứng khoán nào bán ra, loại nào giữ lại. Việc EVNFC úp mở như vậy rõ ràng khiến cho cả những bên muốn mua phần thoái vốn của công ty gặp khó bởi không biết gì để mua và cũng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong thoái vốn.

Vai trò lớn, lợi thế nhiều nhưng lại không muốn hoặc không thể hiện mình để rồi giờ đây rơi vào trạng thái “vật vờ”. Nói đến tổ chức tín dụng hay chức năng cung ứng thu xếp vốn ra thị trường, người ta chỉ nghĩ đến các ngân hàng thay vì có cả công ty tài chính.

Trong khi đó các công ty tài chính thuộc TĐ, TCT nhà nước dù gặp khó khăn nhưng vẫn có những lợi thế nhất định của mình. Nếu không đẩy nhanh quá trình minh bạch thì việc tái cấu trúc nếu có diễn ra cũng sẽ rất chậm chạp, thậm chí có thể rơi vào diện hình thức, không hiệu quả.

Các tin khác