Siết việc phát hành, mua lại CP

Tại buổi tập huấn các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán vừa diễn ra, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết những quy định về việc mua CP, chào bán chứng khoán vẫn gây nhiều bối rối trong thực hiện.

Tại buổi tập huấn các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán vừa diễn ra, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết những quy định về việc mua CP, chào bán chứng khoán vẫn gây nhiều bối rối trong thực hiện.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN), một trong những điểm mới của Thông tư 130 hướng dẫn việc mua lại CP, bán CP quỹ và một số trường hợp phát hành thêm CP của công ty đại chúng (có hiệu lực từ 1-10), là điều kiện được quy định chặt chẽ hơn nhiều so với trước và được đưa trong Nghị định 58, quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Thông tư 130 (có đủ nguồn vốn mua, có CTCK được chỉ định thực hiện giao dịch…).

Lý do của việc quy định chặt là do thực chất của hoạt động mua bán CP quỹ không được khuyến khích ở cả Việt Nam và thế giới. Thời gian qua, khá nhiều hiện tượng công ty công bố mua bán CP quỹ để tác động đến giá chứng khoán, nhưng thực chất lại không mua.

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LÃ ANH

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LÃ ANH

Việc doanh nghiệp mua lại CP quỹ sẽ không cần phải có lãi như quy định trước đây, theo ông Hải, thực chất có những trường hợp doanh nghiệp dù lỗ vẫn mua CP quỹ nhằm thực hiện việc tái cấu trúc, giảm vốn, quy mô để quay lại những lĩnh vực kinh doanh chính. Do vậy nếu yêu cầu phải có lãi là khó cho doanh nghiệp. Một điểm lưu ý khác là cấm mua bán CP trong cùng một đợt, nhằm tránh tình trạng sử dụng thông tin nội bộ để kiếm lời từ chính cổ đông của mình. Trên thực tế, thời gian qua không ít doanh nghiệp công bố vừa mua - bán CP trong cùng một  thời gian.

Đại diện một doanh nghiệp băn khoăn về việc cầm cố, thế chấp CP quỹ, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), phân tích: CP quỹ là CP đã phát hành và được tổ chức phát hành mua lại, không được xem là số lượng CP đang lưu hành. Do vậy, số CP này không được hưởng bất cứ quyền nào như cổ tức, quyền phát hành mới…

Chính vì vậy, CP quỹ không đủ điều kiện trong các giao dịch về cầm cố, thế chấp. Trường hợp doanh nghiệp mua lại vốn điều lệ, CP quỹ sau này bán ra, hành vi đó không được xem là hoạt động đầu tư tài chính. Bởi nguồn mua lại CP quỹ lấy từ thặng dư vốn và các quỹ trích lập. Ngay trong Luật Doanh nghiệp cũng quy định rõ, doanh nghiệp được mua tối đa đến 30% vốn điều lệ, nhưng sau khi mua xong vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán nợ chứ không thể mua lại một cách thoải mái. Pháp luật về chứng khoán cũng quy định rất rõ các nguồn để mua lại CP.

Việc phát hành CP để trả cổ tức cũng được quy định chặt chẽ hơn về trình tự thủ tục, thời gian cụ thể và rõ ràng... Theo ông Hải, với doanh nghiệp niêm yết, sau khi phát hành 15 ngày bắt buộc phải đưa CP đó vào giao dịch. Lý do là rất nhiều doanh nghiệp khi công bố phát hành CP để trả cổ tức không đưa lên thị trường, dẫn đến rất nhiều cổ đông bị thiệt khi giá trên thị trường xuống, không có cơ hội bán ra. Với những doanh nghiệp phát hành CP thưởng, cơ quan quản lý đã không sử dụng thuật ngữ “CP thưởng” mà thay bằng “phát hành CP để tăng vốn CP từ nguồn chủ sở hữu cho các cổ đông hiện hữu”.

Bởi khi sử dụng thuật ngữ “thưởng”, có thể sẽ có những trường hợp bị cơ quan thuế áp thuế, trong khi thực ra phát hành CP thưởng nhưng cổ đông “không được thưởng gì cả”, tài sản của cổ đông vẫn như vậy, vì hình thức này giống như “có tờ 100.000 đồng nhưng tách ra thành hai tờ 50.000 đồng”.

Liên quan đến việc công ty đại chúng, trong đó cổ đông lớn nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (CSCIC) chào bán CP ra công chúng qua Sở GDCK Hà Nội, đại diện một doanh nghiệp băn khoăn, sau khi chào bán thì số lượng nhà đầu tư tham gia mua dưới 10 người? Trong trường hợp đó công ty có là công ty đại chúng hay không, vì luật quy định việc chào bán chứng khoán ra công chúng phải là công ty đại chúng?

Theo ông Hải, việc chào bán chứng khoán ra công chúng điều kiện không phụ thuộc là công ty đại chúng hay không. Riêng với trường hợp của SCIC bán trước khi ban hành Nghị định 58, có đặc thù là hiện tại đang có cơ chế Thủ tướng cho phép SCIC bán CP mà không phải đăng ký bán ra công chúng, bán qua đấu giá mà không phải đăng ký với UBCKNN. Chính vì vậy, việc SCIC bán đấu giá qua Sở GDCK Hà Nội chưa được coi là chào bán ra công chúng, vì công ty cũng chưa là công ty đại chúng và đăng ký bán ra công chúng.

Các tin khác