Phạt nặng bán khống có đủ răn đe?

UBCKNN vừa có Công văn 3229/UBCK-QLQ gửi các tổ chức kinh doanh CK, các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát về việc chấn chỉnh các hoạt động CK và TTCK.

UBCKNN vừa có Công văn 3229/UBCK-QLQ gửi các tổ chức kinh doanh CK, các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát về việc chấn chỉnh các hoạt động CK và TTCK.

Trong đó, UBCKNN nhấn mạnh đến việc tổ chức kinh doanh CK (công ty quản lý quỹ, CTCK) không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán CK khi không sở hữu CK và cho khách hàng vay CK để bán (bán khống).

Ngay sau đó, vào ngày 11-9, UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCK Đại Nam (DNSE) với hành vi cho khách hàng vay CK để bán khống. Ngoài ra, UBCK còn phát hiện DNSE thực hiện tự doanh CK khi chưa được cấp giấy phép.

Với những hành vi này, UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính 250 triệu đồng đối với DNSE, trong đó phạt 150 triệu đồng do hành vi cho khách hàng vay CK để bán và 100 triệu đồng do thực hiện tự doanh CK khi chưa được cấp giấy phép. Đây là khoản tiền phạt có thể nói cao nhất từ trước đến nay đối với những sai phạm của các CTCK. Điều này chứng tỏ các cơ quan quản lý đang thật sự mạnh tay với hoạt động bán khống đang tồn tại trên TTCK hiện nay.

Bán khống là nhu cầu có thực của NĐT. Ảnh: CAO THĂNG

Bán khống là nhu cầu có thực của NĐT. Ảnh: CAO THĂNG

Dù vậy, theo ý kiến của giới đầu tư, hình thức phạt tiền cũng mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, trong khi bản chất chính của sự việc vẫn còn bỏ ngỏ.

Hình thức bán khống CK là nhu cầu có thật của các NĐT trên TTCK, bởi xét cho cùng đây là hình thức mượn hàng của người đang có bán ra sau đó mua trả lại sòng phẳng. Mặt trái của hình thức bán khống có chăng cũng chỉ là những hành vi gây xung đột lợi ích của các bên liên quan.

Chẳng hạn, một tổ chức đang nắm giữ một lượng hàng lớn đẩy mạnh bán ra dù mã CK đó không có tin xấu, sau đó cover hàng với mức giá thấp hơn để trục lợi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến NĐT cá nhân và bản thân doanh nghiệp, vì sau khi tổ chức này mua trả hàng, giá CK đó rất khó về lại mức giá cũ. Thậm chí, đứng luôn ở mức đáy vì bị NĐT tẩy chay.

Lãnh đạo một CTCK cho biết cách đây không lâu, khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức hội thảo giới thiệu HNX30, đã có ý kiến của lãnh đạo một cơ quan quản lý đề xuất cho thực hiện bán khống song song với việc thành lập quỹ ETF.

Đặc thù của quỹ ETF là ra vào hàng liên tục, trong khi TTCK Việt Nam vẫn còn yếu về thanh khoản và nhiều rủi ro. Nếu không cho bán khống, những quỹ đầu tư này sẽ không thể chủ động được các hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình trong những trường hợp cấp bách.

Chính vì vậy, nên chăng UBCKNN cần nghiên cứu cho phép NĐT thực hiện bán khống CK, nhằm tăng tính hấp dẫn và kéo thêm nhiều nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường.

Còn nếu cấm thì cần có quyết định dứt khoát ngay từ bây giờ. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới là chỉ tạm thời cấm các hình thức bán khống khi thị trường rơi vào tình trạng bán tháo để giải tỏa bớt áp lực cho thị trường. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này sẽ được cho phép thực hiện trở lại khi thị trường bước vào giai đoạn khởi sắc.

Các tin khác