Nhận định TTCK tuần từ 6-6 đến 10-6

Nhận định thị trường của các CTCK trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các CTCK có thể có những xung đột lợi ích đối với các NĐT khi đưa ra nhận định.

Nhận định thị trường của các CTCK trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các CTCK có thể có những xung đột lợi ích đối với các NĐT khi đưa ra nhận định.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn - SSI: Tiếp diễn xu hướng đảo chiều

Thị trường có phiên giảm điểm mạnh do những yếu tố hỗ trợ thị trường những ngày vừa qua là SSI cùng 3 mã BVH, MSN và VIC đều đã chững lại.

NĐTNN mặc dù tăng mạnh mua ròng, trong đó có cả BVH và MSN nhưng cũng không đủ để đẩy giá các CP này lên mức cao hơn tham chiếu.

Trong khi đó, lượng cung của NĐTNN vẫn duy trì ở mức trên 100 tỷ đồng. Sang đầu tuần sau, rất có thể lực cầu của NĐTNN sẽ không còn cao như tuần qua vì vậy, lực đỡ của NĐTNN sẽ khó giúp thị trường đứng vững. Xu hướng đảo chiều là khá rõ nét và có thể tiếp diễn trong một vài ngày tới.

* CTCP Chứng khoán Woori CBV: Khả năng hồi phục bền vững thấp

Có lẽ đây là đợt xả từ nhóm NĐT đã mua vào trong 2 phiên tạo đáy 370. Lượng CP lớn về đến tài khoản hôm giữa tuần đã chưa bung ra khi thị trường vẫn duy trì được đà tăng. Tuy nhiên, khi nhận thấy tín hiệu lượng cung tăng mạnh từ đầu phiên 3/6, bên bán đã ồ ạt thực hiện hóa lợi nhuận ngắn hạn dù có thể rất mỏng.

Càng về cuối bên bán càng chiếm ưu thế.  Số lượng CP giảm điểm chiếm gần 80% số lượng CP giao dịch 3/6. Cảm giác có một sự đổ vỡ trong tâm lý NĐT khi thị trường diễn biến quá nhanh. Mở đầu phiên rất hứng khởi, sau đó là lo lắng và hoảng sợ vội vã bán tháo khiến rất nhiều CP quay đầu giảm sàn.

Bên cạnh đó, các thông tin trên thị trường không phải là cứu cánh cho thị trường vào lúc này mà nó đang thể hiện đúng thực trạng của các doanh nghiệp trên sàn khó khăn trong việc huy động vốn, khả năng thua lỗ trong tình hình lãi suất vay cao và tín dụng bị siết chặt hơn bao giờ hết.

Có thể nói VN Index tăng trong thời gian qua là những hệ quả trong ngắn hạn sau 10 phiên liên tiếp giảm điểm liên tiếp. Do đó, khả năng hồi phục bền vững là thấp.

CTCP Chứng khoán VNDirect: Xem xét giải ngân ở CP thanh khoản tốt

Sau những phiên tăng mạnh, việc điều chỉnh của thị trường trong phiên 3/6 đã được chúng tôi dự báo trước. HNX giảm điểm ở mức hợp lý, nhìn chung các CP lớn vẫn khiến cho bức tranh thị trường tiếp tục tích cực.

VN Index giảm sâu hơn cũng dễ hiểu, 1 phần do nhóm CP lớn VPL, MSN giảm sàn, một phần do VN Index đã tăng nhanh hơn HNX Index, tăng một mạch từ 386 đến 450, áp lực chốt lời vì thế rất lớn.

Thị trường xuất hiện nhiều CP có đồ thị giá khá tích cực giống tháng 11/2010, vì vậy đầu tư trong giai đoạn này rủi ro T+ thấp hơn rất nhiều so với thời gian từ đầu năm đến nay. Nếu phiên thứ 2 thị trường tiếp tục tăng, NĐT có thể xem xét giải ngân ở một số CP có thanh khoản tốt.

CTCP Chứng khoán FPT - FPTS: Lạc quan vào triển vọng phục hồi

Theo quan sát của FPTS, sự điều chỉnh trên là diễn biến tất yếu của thị trường sau chuỗi nhiều phiên tăng điểm liên tiếp và nguồn CP giá rẻ đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng. Tín hiệu tích cực là phần lớn lượng CP bán ra đều được hấp thụ làm cho thanh khoản thị trường tăng mạnh nhất từ đầu năm (đạt gần 1.675 tỷ đồng).

Ngoài ra, sự xuất hiện của lực cầu cuối phiên cũng góp phần nâng đỡ thị trường, giúp cả hai chỉ số tránh được phiên sụt giảm mạnh.

Có thể thấy, nhờ sự hỗ trợ từ các thông tin tốt mới được công bố và lực cầu của khối đầu tư nước ngoài nên tâm lý NĐT vẫn diễn biến theo chiều hướng tích cực. Hơn nữa, mặt bằng giá cácCP trên thị trường hiện đang ở mức thấp. Do đó, chúng tôi vẫn lạc quan vào triển vọng phục hồi trở lại của thị trường sau vài phiên điều chỉnh kỹ thuật.

Nếu lực cầu thị trường vẫn được duy trì và tăng mạnh vào cuối phiên thì đây sẽ là những tín hiệu tốt để NĐT có thể tiến hành giải ngân trong phiên giao dịch tiếp theo.

CTCP Chứng khoán TPHCM - HSC: Thị trường sẽ khó tăng mạnh

Thị trường đã phản ánh những tin tức tốt gần đây bao gồm sự thay đổi về quy định giao dịch và kỳ vọng lạm phát đã lập đỉnh. Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam đã qua đi.

Tuy nhiên, cũng còn có một số rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, chẳng hạn như khoản nợ của Vinashin đã tạo ra một làn sóng tăng hệ số nợ khó đòi (NPL) trong hệ thống ngân hàng, đồng thời thâm hụt thương mại cũng là một vấn đề cần bàn.

Chúng tôi cho rằng mức cao mà các chỉ số đạt được đầu phiên 3/6 đã đánh dấu đỉnh trong ngắn hạn và vào những phiên đầu tuần sau thị trường có lẽ sẽ củng cố trước khi có thể test những mốc cao hơn trong những phiên cuối tuần. Với đợt IPO của Tổng công ty Thép Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối tuần sau, thì một lượng cung mới sẽ được đưa ra thị trường. Như vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ khó tăng mạnh như vừa qua.

Do đó, mặc dù vẫn lạc quan trong trung và dài hạn, thì chúng tôi cho rằng các NĐT không nên đẩy giá mua vào lên quá cao tại mặt bằng giá hiện tại.

Các tin khác