Nhận định TTCK sau Thông tư 74

Ngày 1-6, Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư 74/2011/BTC về hướng dẫn giao dịch chứng khoán cho phép một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản, cho phép hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) và giao dịch cùng phiên. Điều này tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng dưới góc độ những thành viên thị trường, các quy định này tác động như thế nào?

Ngày 1-6, Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư 74/2011/BTC về hướng dẫn giao dịch chứng khoán cho phép một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản, cho phép hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) và giao dịch cùng phiên. Điều này tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng dưới góc độ những thành viên thị trường, các quy định này tác động như thế nào?

Ths. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính trường Đại học Kinh tế TPHCM:
Thị trường khó tăng trưởng bền vững sau Thông tư

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các quy định trên thực chất là việc hợp pháp hóa những sản phẩm giao dịch đã tồn tại trên thị trường trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều này cho phép cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn các hành vi của thị trường.

Với sản phẩm giao dịch ký quỹ (magrin) một khi đã đưa vào khuôn khổ và được quy định tỷ lệ cụ thể thì các công ty chứng khoán cũng như nhà đầu tư sẽ không còn tự do thỏa thuận tỷ lệ magrin “ngất ngưỡng” như trước.

Việc cho mở nhiều tài khoản và giao dịch cổ phiếu cùng phiên có điều tốt là góp phần tăng thanh khoản cho thị trường, hạn chế được các hành vi thao túng giá cổ phiếu do nhà đầu tư mở nhiều tài khoản với nhiều tên khác nhau. Điều này cũng làm giảm các tài khoản ảo, đồng thời cơ quan quản lý có thể xác định chính xác số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường.

Tuy nhiên, việc mở nhiều tài khoản khiến nhà đầu tư sẽ mắc vào các rắc rối về hạch toán thuế. Nếu thị trường lên vấn đề này không ảnh hưởng nhiều, nhưng khi thị trường giảm nhưng vẫn chịu nghĩa vụ thuế càng làm cho nhà đầu tư thêm khó khăn.

Đánh giá chung về những ảnh hưởng của Thông tư 74 đến thị trường chứng khoán, ông Chí cho rằng, thực chất những quy định này chỉ phần nào giải tỏa tâm lý nhà đầu tư và thị trường khó tăng trưởng bền vững trong dài hạn bởi khó khăn về kinh tế trong nước và ngoài nước vẫn còn rất nhiều.

Ông Vũ Trần Dương - Phó Tổng giám đốc Điều hành CTCP Chứng khoán Đông Dương (DDS):
Thị trường sẽ tránh được những đợt giải chấp mạnh

Thông tư 74 có tác dụng rất tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường khó khăn và “đói thông tin” như những ngày vừa qua.  Điều này tạo niềm tin rằng Bộ Tài chính và Ủy Ban Chứng khoán thực sự có quan tâm đến thị trường.

Ông Dương cũng cho rằng, việc chính thức cho phép giao dịch magrin với tỷ lệ hợp lý sẽ làm lành mạnh hóa các hoạt động cạnh tranh của các công ty chứng khoán, đồng thời giảm rủi ro cho nhà đầu tư lẫn công ty chứng khoán một khi tỷ lệ magrin quá cao (70-80%) và cũng tránh cho thị trường có những đợt giải chấp mạnh như vừa qua.

Khi đó, ngay cả những người có dùng đòn bẩy tài chính (magrin) lẫn không dùng đều bị thiệt hại nặng do thị trường lao dốc.

Ngoài ra, khi magrin được đưa vào khuôn khổ, các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ tin tưởng vào hoạt động này hơn và sẵn sàng cấp tín dụng cho nhà đầu tư ở mức độ thích hợp.

Về quy định cho phép mở nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán, ông Dương cũng thừa nhận hoạt động này đã được nhà đầu tư sử dụng thời gian qua bằng nhiều các khác nhau. Tuy nhiên, khi việc này được hợp pháp hóa sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong các giao dịch và được tiếp cận được nhiều dịch vụ tốt ở các công ty chứng khoán khác nhau.

Ông Dương cho biết việc mở nhiều tài khoản sẽ không làm tăng các hành vi thao túng giá mà thậm chí còn giảm bởi trải qua thời gian hoạt động, với kinh nghiệm và những tiến bộ kỹ thuật, cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm soát được giao dịch của nhà đầu tư thay vì để họ mở nhiều tài khoản với các tên gọi khác nhau.

Nhìn chung, ông Dương cho rằng, Thông tư này thực sự là cú hích cho thị trường, tạo cho nhà đầu tư có niềm tin về việc ban hành những quy định mới hơn trong tương lai.

Phòng Nghiên cứu Vietstock:
Tạm quên áp lực giải chấp, hạn chế tín dụng cho đầu tư chứng khoán

Quy định mới này được xem là một ”liều tăng lực” đối với thị trường. Hiện nay, chỉ có những khách hàng VIP mới được các công ty chứng khoán ”ưu ái” cho thực hiện các nghiệp vụ trên. Quy định mới này kỳ vọng có thể tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn đối với các nhà đầu tư khác nhau. Điều này cũng sẽ giúp cải thiện tính thanh khoản cho thị trường và thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư hơn.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi đó thì rủi ro của thị trường cũng tăng lên gấp bội do việc nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn và tốc độ giao dịch cũng diễn ra nhanh hơn. Sự biến động trong phiên cũng sẽ lớn hơn trước rất nhiều.

Giải pháp trên cũng đã phần nào giải tỏa tâm lý ”ức chế” cho nhà đầu tư khi phải chờ đợi quá lâu. Điều này cũng là người ta tạm quên đi áp lực giải chấp hay việc hạn chế tín dụng cho đầu tư chứng khoán.

Tiến sĩ Phạm Linh, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS):
Công ty chứng khoán sẽ thuận buồm

Việc ban hành Thông tư 74 được xem là một bước đi tích cực của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán (UBCK), mặc dù thời điểm ban hành là khá chậm so với thực tế và chỉ tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, các quy định này sẽ đưa thị trường vào khuôn khổ hơn, tăng cường mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư lẫn công ty chứng khoán.

Đứng trên góc độ công ty chứng khoán, ông Linh cho rằng, việc hợp pháp hóa giao dịch magrin đồng thời quy định tỷ lệ magrin phù hợp sẽ giúp điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các thành viên thị trường.

Thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán chủ yếu cạnh tranh với nhau bằng phí giao dịch thấp và tỷ lệ magrin cao, gây tình trạng náo loạn trên thị trường, trong khi các dịch vụ hữu ích hơn như tư vấn, phân tích đầu tư… không được nhà đầu tư quan tâm, do vậy các công ty chứng khoán cũng không chú trọng nhiều vào các mảng này.

Tuy nhiên, khi mà dịch vụ magrin và tỷ lệ magrin được quản lý chặt chẽ hơn thì hoạt động cạnh tranh của các công ty chứng khoán sẽ lành mạnh hơn. Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào các mảng dịch vụ nhằm mang lại giá trị gia tăng cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, khi hoạt động magrin chính thức được thừa nhận thì các khoản doanh thu cũng như tín dụng từ hoạt động sẽ được công ty chứng khoán đưa vào sổ sách kế toán dễ dàng hơn và các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng kiểm soát được tỷ lệ sử dụng đòn bẩy ở từng thành viên thị trường.

Về những tác động đến giao dịch trên thị trường, ông Linh cho rằng, việc nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản và giao dịch cổ phiếu cùng phiên mặc dù còn giới hạn ở thời gian T+4 nhưng sẽ làm cho thanh khoản tăng lên và qua đó giảm rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư lớn, những người góp phần chủ yếu tạo nên sự sôi động cho thị trường.

Cuối cùng, ông Linh cho biết, nếu các quy định trên được thực thi một cách nghiêm túc, tạo hiệu quả tốt cho thị trường mà không cần hút thêm dòng tiền mới thì hoàn toàn có thể kỳ vọng các sản phẩm phái sinh khác cũng được những nhà quản lý thông qua.

Giải tỏa tâm lý nhà đầu tư

Chia sẻ cùng Vietstock, hầu hết nhà đầu tư đều ủng hộ Thông tư mới. Tuy nhiên, họ cho rằng Thông tư mới dừng lại ở mức hợp thức hóa những gì đã diễn ra, nhà đầu tư vẫn mong đợi những chính sách mới về thanh toán T+2.

Nhà đầu tư Rich Man phấn khích: “Hoan hô Bộ tài chính, UBCK mặc dù thông tin này ra hơi chậm, các công ty chứng khoán đã ngầm cho thực hiện các nghiệp vụ này từ lâu. Đây là một tin vui đáng mừng, vì các nghiệp vụ trên sẽ được công khai, hợp pháp. Tất cả các công ty chứng khoán sẽ mạnh dạn hơn làm sôi nổi thị trường".

Trong khi một nhà đầu tư khác tỏ thái độ chưa hài lòng: “Cái này chỉ làm hợp pháp cách lướt sóng cho những BBs chơi nhiều tài khoản đó thôi... Chưa có gì mới cả. Cái cần là T+2 kìa. Mua cổ phiếu mà giảm sàn 4 phiên thì cũng toi 20% như thường. Đâu cắt lỗ được!”

Hay alexvnn cũng có cùng phát biểu: “Phải thêm khoản T+2 vào thì mới yên tâm được! Thêm việc giao dịch trong phiên nữa. Nó làm thị trường hứng khởi hơn”.

Các tin khác