Nhận diện kênh đầu tư

Thời gian gần đây giá vàng biến động phức tạp với biên độ lớn, giá USD cũng có vài sóng nhỏ dù ngắn ngày, trong khi đó lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài ở một số NHTM có dấu hiệu tăng trở lại. Vậy từ nay đến cuối năm, những kênh đầu tư chủ đạo của nền kinh tế sẽ theo xu hướng nào? ĐTTC giới thiệu ý kiến của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển xoay quanh vấn đề này.

Thời gian gần đây giá vàng biến động phức tạp với biên độ lớn, giá USD cũng có vài sóng nhỏ dù ngắn ngày, trong khi đó lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài ở một số NHTM có dấu hiệu tăng trở lại. Vậy từ nay đến cuối năm, những kênh đầu tư chủ đạo của nền kinh tế sẽ theo xu hướng nào? ĐTTC giới thiệu ý kiến của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển xoay quanh vấn đề này.

Gửi VNĐ, vay USD

Từ cuối năm 2011 đến nay, tỷ giá có xu hướng ổn định và khoảng cách giữa tỷ giá chính thức với thị trường tự do ngày càng thu hẹp. Dù gần đây tỷ giá có biến động nhưng mức tăng không đáng kể và chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Hiện nay thâm hụt thương mại thấp, kiều hối tăng, vốn giải ngân ổn định và cán cân thanh toán được cải thiện.

Ngoài ra, CPI giảm mạnh, tín dụng tăng trưởng thấp cũng hỗ trợ cho việc kiềm chế tỷ giá. Vì vậy, dự báo từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ ổn định và mức biến động sẽ nằm trong biên độ NHNN đã công bố. Đối với tiền gửi VNĐ và USD, dù lãi suất huy động tiền đồng giảm nhanh từ đầu năm đến nay, nhưng chênh lệch lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ vẫn còn khá lớn, kết hợp với CPI giảm, đã giúp việc gửi VNĐ hấp dẫn hơn gửi USD.

Với các dấu hiệu vĩ mô đang được kiểm soát tốt, mức độ nhập siêu giảm trong năm 2012, tín dụng tăng thấp và dự báo CPI dưới 10%, tỷ giá USD cuối năm sẽ trong mức 21.000-21.500 đồng/USD. Như vậy, với sự chênh lệch lãi suất huy động giữa VNĐ và USD 7-8%, chênh lệch lãi suất cho vay trong khoảng 6-10%, cho thấy việc gửi VNĐ và vay USD vẫn có lợi hơn trong các tháng cuối năm 2012.

Xu hướng chung của vàng thế giới 8 tháng năm 2012 là giảm giá, nhưng với mức độ biến động giá khá mạnh. Trong khi đó giá vàng trong nước sau 7 tháng giao dịch khá ổn định đã bắt đầu tăng mạnh. Hiện giá vàng trong nước đang cao hơn vàng thế giới khoảng 2-2,5 triệu đồng/lượng.

Đầu năm 2012, đa số tổ chức thế giới đều dự đoán vàng sẽ tiếp tục tăng, đạt mức 2.000USD/ounce. Tuy nhiên, vào tháng 3, Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ đã giảm mức giá vàng bình quân dự báo xuống còn 1.680USD/ounce, Ngân hàng Natixis của Pháp nhận định giá vàng có thể hạ về mức trung bình 1.450USD/ounce trong năm nay.

Với các nhận định trên cho thấy giá vàng sau khi đã lập đỉnh ở mức 1.921USD/ounce vào tháng 9-2011, trong các tháng cuối năm 2012 giá vàng sẽ từng bước giảm theo sự phục hồi của kinh tế Hoa Kỳ và thế giới, khả năng xoay quanh mức 1.550-1.650 USD/ounce.

Bất động sản chỉ tan băng cục bộ

2 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản lúc này chính là nhu cầu vốn và nhu cầu thị trường sụt giảm. Số căn hộ hoàn thành năm 2012 thấp hơn rất nhiều so 2 năm 2010 và 2011 có thể giúp thu hẹp cung cầu. Nhưng nếu tính lượng tồn, số căn hộ còn rất lớn. Hiện nay, giá bất động sản đã giảm mạnh, sự trì trệ của thị trường đã kéo dài 5 năm, có thể đi vào chu kỳ tăng trưởng mới vào năm 2013.

Cho đến thời điểm hiện nay kênh đầu tư gửi tiền vẫn đang hấp dẫn. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Cho đến thời điểm hiện nay kênh đầu tư
gửi tiền vẫn đang hấp dẫn. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ngoài ra, còn có các động lực khác giúp thị trường bất động sản như vàng giảm giá, tỷ giá USD ổn định… sẽ tạo nguồn vốn chuyển vào bất động sản. Chính phủ cũng đã có những giải pháp hỗ trợ thị trường và lãi suất đang giảm sẽ giúp tăng đầu tư mới cho bất động sản.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng sẽ tạo sức cầu văn phòng, thương mại, nhất là khi dân số trẻ có nhu cầu nhà ở cao trong khi tỷ lệ nhà ở trên đầu người còn thấp.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều rào cản cho sự tăng trưởng trở lại. Cụ thể, nguồn cung bất động sản quá lớn trong giai đoạn 2008-2012 và sẽ tiếp tục tăng, trong khi giá bất động sản Việt Nam trên thu nhập người dân vẫn còn quá cao so với các nước và lãi suất cho vay VNĐ cũng cao so thu nhập người dân. Hơn nữa, nhiều NĐT thứ cấp của Việt Nam đang gặp gánh nặng về vốn vay và chưa có niềm tin về sự tăng trưởng trở lại của thị trường.

Bên cạnh đó, dù có động thái hỗ trợ bất động sản nhưng Chính phủ sẽ thận trọng trong mối quan hệ giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế. Vì thế, dù xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong quý II và III nhưng bất động sản chỉ có thể tan băng cục bộ, tình hình chung vẫn trong giai đoạn khó khăn với mức tiêu thụ thấp. Từ đây đến cuối năm, giá bất động sản sẽ tiếp tục giảm trong nhiều phân khúc như đất nền và căn hộ.

Với khả năng ổn định kinh tế vĩ mô vào cuối năm 2012 và mức độ giảm sâu bất động sản do chủ đầu tư buộc phải bán để trả nợ ngân hàng, sẽ xuất hiện cơ hội mua bất động sản giá rẻ để đầu tư. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư kiếm lời không nhiều bởi thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Thách thức chứng khoán

Hệ số giá trên thu nhập CP (P/E) giao dịch cuối tháng 8-2012 quanh mức 11-12x, cao hơn P/E gần 9x của năm 2011. Điều này cho thấy giá CP đã tăng khá so với đầu năm. Dòng vốn đầu tư của khối ngoại tham gia khá mạnh, tạo động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong các tháng qua. Nhưng đến nay không có nhiều doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh.

Do vậy, TTCK sẽ thiếu sức hấp dẫn của các CP lớn. Ngoài ra, còn có các hạn chế như kinh tế Việt Nam chưa thực sự tăng trưởng tốt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn NĐT trong nước vẫn còn hạn chế và TTCK chưa thu hút được các NĐT mới tham gia.

Hiện nay, Chính phủ đang có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích kinh tế, lãi suất từng bước giảm tạo sự thu hút vào kênh chứng  khoán, một số CP có giá khá thấp so với tiềm năng kinh doanh. Ngoài ra, UBCKNN cũng có những động thái tích cực làm lành mạnh thị trường và tăng thanh khoản. Đặc biệt, động lực quan trọng nhất là khả năng cung tiền mạnh của Chính phủ và tăng tín dụng từ hệ thống NHTM vào các tháng cuối năm.

Nhiều khả năng thị trường sẽ có đợt tăng mới từ động lực này. Tuy nhiên, với nhu cầu tiền mặt cấp thiết của nhiều NĐT, cộng thêm việc chưa thu hút nhiều NĐT mới và nguồn vốn nước ngoài, nên lực bán có thể sẽ xuất hiện làm mất đà tăng và TTCK khó tăng mạnh để vượt qua mức 500 điểm. Nhiều khả năng VN Index sẽ xoay quanh mức 400-450 điểm vào cuối năm 2012.

Các tin khác