Nguyên tắc cơ bản khi vay vốn nước ngoài

Ông Sey Ming, Luật sư thành viên của Rajah & Tann, chuyên về lĩnh vực NH - tài chính và thị trường vốn nợ, đã tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam về cơ cấu tiêu biểu của một hợp đồng vay vốn nước ngoài theo chuẩn mẫu của Hiệp hội Thị trường vay châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông Sey Ming, bộ tài liệu này được chuẩn hóa và liên tục đổi mới phù hợp với thực tế nên rất phổ biến ở nhiều nước. Nếu người vay chuẩn bị hồ sơ theo đúng chuẩn của bộ tài liệu sẽ có thể được đáp ứng 100% khoản vay mong muốn.

Cụ thể, bên cho vay sẽ thông qua đại lý để làm việc trực tiếp với người vay. Đại lý đại diện của bên cho vay phụ trách công việc quản lý khoản vay, thu lãi và trả tiền lãi.

Đại lý này còn giữ vai trò quản lý và kiểm tra tài sản đảm bảo bên vay vốn, tức là người đứng ra ghi hợp đồng và chuẩn bị các tài liệu ký hợp đồng với bên cung cấp đảm bảo. Chức năng của đại lý bên cho vay và đại lý đảm bảo sẽ là điều phối viên trung gian giữa bên cho vay và bên vay.

Cần lưu ý, điều kiện tiên quyết trong hợp đồng vay vốn nước ngoài là doanh nghiệp vay phải có tài liệu như nghị quyết của HĐQT và ĐHCĐ.

Ngoài ra còn phải có biên bản đánh giá giá trị của dự án và ý kiến đánh giá pháp lý của luật sư Việt Nam. Bên vay cung cấp tài sản đảm bảo phải đăng ký với cơ quan nhà nước có chức năng. Nếu bên vay đáp ứng được các yêu cầu tiên quyết trên, thời gian vay vốn tối đa 3 ngày.

Trường hợp khoản tiền lớn, NH bên vay cần 5 ngày để chuẩn bị. Trước 3 ngày cần khoản vay, người vay gửi yêu cầu sử dụng đến đại lý bên cho vay để nơi đây xác định mức lãi suất cho vay, báo giá. Lãi suất này phụ thuộc vào loại tiền tệ sử dụng thông số Libor, Sibor… sẽ được thông báo cho người vay, sau đó tiền sẽ được chuyển vào tài khoản bên vay.

Một yếu tố khi vay vốn nước ngoài cần chú ý nữa là diễn biến thị trường. Chẳng hạn, khi lãi suất Libor, Sibor biến động làm bên cho vay phải trả một khoản chi phí để có được một số tiền đối ứng và không còn được vay với lãi suất cũ.

Khi đó, bên cho vay sẽ thông báo lãi suất mới bằng lãi suất cũ cộng chi phí vốn vay mới mà bên cho vay phải trả. Bên cho vay và đại lý bên cho vay sẽ đàm phán trong vòng 30 ngày để thảo luận mức lãi suất thay thế.

Ngoài ra, khi vay vốn nước ngoài trả vốn trước hạn, bên vay cũng sẽ phải chịu một phí thanh toán trước hạn với một công thức do bên cho vay quy định.

Tuy nhiên, bên vay có thể thương lượng với bên cho vay để giảm mức phí xuống cho phù hợp. Trong trường hợp bên vay là một tập đoàn lớn có nhiều công ty con, bên cho vay có thể thương lượng về việc chỉ giám sát các công ty con chính phải đóng góp ít nhất 10% lợi nhuận, hoặc chiếm 10% tổng tài sản của tập đoàn.

Bên cạnh đó, bên vay cũng có thể thương lượng về việc bán tài sản đảm bảo vay vốn khi giá bán có lợi…

Khi vay vốn nước ngoài, bên cho vay cũng yêu cầu bên vay cung cấp thông tin đầy đủ với tất cả tài khoản sở hữu của bên vay, theo đó yêu cầu sao kê tài khoản bằng tiếng Anh.

Đặc biệt, tất cả báo cáo tài chính phải được kiểm toán. “Rào cản khi vay vốn nước ngoài vẫn là ngôn ngữ. Nếu dịch thuật không tốt trong quá trình thực hiện hồ sơ, người vay có thể sẽ chịu rủi ro pháp lý lớn khi vay vốn nước ngoài” - ông Sey Ming nói.

Các tin khác