MBB - Cổ phiếu mới, dòng tiền mới

* MB lên sàn sẽ thêm động lực cho thị trường

* MB lên sàn sẽ thêm động lực cho thị trường

Ngày 9-9, NHTMCP Quân Đội (MB - mã chứng khoán MBB) đã chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký, chuẩn bị cho việc niêm yết tại HOSE. Nhiều khả năng, MBB sẽ trở thành ngân hàng (NH) thứ 9 niêm yết trên TTCK Việt Nam (thứ 5 tại HOSE). Điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường?

Hiệu quả kinh doanh

Năm 2010, MBB đạt lợi nhuận sau thuế 1.745 tỷ đồng; tăng gần 50% so với mức 1.174 tỷ đồng của năm 2009. Đây là NH luôn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng qua các năm: 2008 lợi nhuận sau thuế 696 tỷ đồng, năm 2007 chỉ là 493 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chưa nói lên đầy đủ về hiệu quả của MBB mà cần xem xét thêm yếu tố quản trị rủi ro.

Trong 2 năm 2009 và 2010, MBB đã tăng trưởng mạnh về hoạt động tín dụng. Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng từ mức 57% (2008) lên xấp xỉ 73% trong 2 năm tiếp theo. Đây là tỷ lệ tương đối hợp lý vì hoạt động cốt lõi của ngành NH vẫn là tín dụng.

Tuy tín dụng tăng trưởng, nhưng tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) trên tổng tín dụng lại có xu hướng giảm. Năm 2008 tỷ lệ này là 1,83%, sang năm 2009 còn 1,58% và sang 2010 giảm xuống còn 1,26%.

Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn được duy trì ở mức 10,7% (tuy có giảm so với mức 14,2% của năm nhưng tỷ lệ này dao động quanh mức 10% được xem là hợp lý vì nếu cao quá không hiệu quả, ngược lại thấp thì sẽ rủi ro). Ngoài ra, chiến lược đầu tư của NH cũng giảm tỷ lệ đầu tư vào CP và tăng tỷ lệ trái phiếu.

Tỷ lệ thu nhập lãi ròng cận biên (NIM) của MBB cũng cải thiện rõ nét, tăng lên 4,3%. Điều này chứng tỏ MBB đã không chạy đua lãi suất đầu vào, đồng thời duy trì lãi suất đầu ra ở mức hợp lý. Một điểm sáng khác của MBB chính là tỷ lệ lợi nhuận/tổng tài sàn (ROA) được duy trì ở mức 1,6% và tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đã tăng từ 16% (2009) lên 19% (2010). Những con số phân tích trên minh chứng cho hiệu quả trong hoạt động của MBB.

Hiệu ứng đa chiều

MBB là NHTMCP thuộc top đầu, nên khi chào sàn sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tích cực cho nhóm CP NH nói riêng và TTCK nói chung. MBB là một mặt hàng tốt vì vậy cũng sẽ củng cố chất lượng của hàng hóa niêm yết. Sẽ có một cuộc cạnh tranh giữa các NH niêm yết trong việc củng cố thương hiệu, nâng cao công tác quản trị cũng như đảm bảo sự minh bạch cho cổ đông.

Ngân hàng Quân Đội sẽ trở thành ngân hàng thứ 9 niêm yết trên TTCK Việt Nam. Ảnh: LÃ ANH

Ngân hàng Quân Đội sẽ trở thành ngân hàng thứ 9
niêm yết trên TTCK Việt Nam. Ảnh: LÃ ANH

NH cũng là một trong những ngành xương sống của nền kinh tế, NH hoạt động tốt, nền kinh tế sẽ hưởng lợi. Hiện tại, với vốn điều lệ đạt 7.300 tỷ đồng, tương đương 730 triệu CP lưu hành, trước khi chốt danh sách cổ đông MBB có giá khoảng 1.7.

Giả định MBB chọn giá chào sàn trong khoảng 1.5-2.0, giá trị vốn hóa sẽ dao động từ 11.000-15.000 tỷ đồng, MBB sẽ nằm trong nhóm 20 CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. Biến động của MBB cũng sẽ tác động đáng kể đến biến động của chỉ số VN Index, thể hiện tầm ảnh hưởng của CP này.

MBB cùng EIB trước đây là những CP có tính thanh khoản hàng đầu trên thị trường OTC, vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên khi MBB sẽ phát huy lợi thế của mình trên thị trường niêm yết.

Một lượng tiền lớn cũng sẽ theo chân MBB lên sàn. Trong báo cáo thường niên 2010 của MB, cổ đông cá nhân chiếm 35,21% cổ phần, xấp xỉ 260 triệu CP, còn lại là NĐT tổ chức. Chỉ cần số CP này được giao dịch với giá 1.5 cũng có gần 4.000 tỷ đồng chảy trong thị trường.

Con số 260 triệu CP hay 4.000 tỷ đồng cũng không phải quá lớn để e ngại thị trường bị bội thực nguồn cung hoặc sức cầu không đủ đáp ứng. Vào những thời điểm MBB còn làm mưa làm gió trên thị trường OTC, KLGD của CP ở mức 2 triệu đơn vị mỗi ngày. Giả định trong tình hình thị trường không thật sự tốt, NĐT còn rụt rè, khả năng KLGD mỗi phiên của MBB đạt 1 triệu đơn vị (tức 50% thời còn giao dịch trên OTC) cũng không có gì khó khăn.

Điều này đồng nghĩa với việc thị trường gia tăng thêm 1-2 triệu đơn vị KLGD và GTGD cũng bổ sung vài chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, các CTCK được hưởng lợi nhờ MBB lên sàn bằng cách lôi kéo những cổ đông MBB về mở tài khoản và hỗ trợ lưu ký chứng khoán, từ đó hưởng thêm được phí giao dịch CP này.

Lực hút NĐTNN

Ngành NH của Việt Nam luôn được NĐTNN đánh giá cao, MBB lại là NH có thương hiệu và nền tảng tốt và như đã nói ban đầu, MBB thuộc nhóm CP có vốn hóa lớn. Những yếu tố này dẫn đến việc MBB trở thành lựa chọn cho các tổ chức bao gồm đầu tư và cả lướt sóng (ETF).

Theo những công bố gần đây, tỷ lệ sở hữu của các tổ chức đầu tư nước ngoài tại MBB là 0% vì vậy khi CP này lên sàn sẽ là cơ hội cho NĐTNN. Việc MBB còn nhiều room cũng là cơ hội để các quỹ ETF giao dịch nhiều hơn và điều này có thể tăng thanh khoản cũng như tạo một số tác động nhất định đối với thị trường.

Tuy nhiên, sẽ là hơi quá nếu kỳ vọng NĐTNN sẽ tranh mua MBB vì nhìn từ lịch sử giao dịch của những CP đã lên sàn trước, việc này hiếm khi xảy ra, các giao dịch thường khá đều đặn và chỉ “bùng” tại một thời điểm nào đó. Giao dịch của NĐTNN sẽ đóng vai trò lực đỡ nhiều hơn lực đẩy.

Năm 2010 có thể xem là giai đoạn “đáy” của CP NH, NĐT rất chán nản, nhưng tình thế năm nay đã khác. Từ đầu năm đến nay, NH là một trong những nhóm CP có biến động giá tích cực nhất. Dù các lý do khác nhau như ETF đánh lên (VCB), kết quả kinh doanh tốt (CTG) hoặc có những nghi án thâu tóm (STB) nhưng cũng thể hiện “chân giá trị” của CP NH.

Vì vậy, những lo ngại về việc MBB bị xả hàng để rút lại tiền mặt nếu có cũng không đáng kể, NĐT có thể cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn thời điểm bán ra. Trong nhóm CP NH, dòng tiền trước đây có thể chạy quanh ACB, STB và EIB, nhưng nay có thêm MBB, nên sự lựa chọn sẽ gắt gao hơn, và khả năng xoay vòng nhanh hơn. Điều này có thể góp phần tạo sóng nhiều hơn cho CP NH từ đó tạo nên sự hấp dẫn để giữ NĐT tiếp tục tập trung tại đây.

2 khả năng xảy ra khi MBB chào sàn

Trong xu hướng thị trường tốt, MBB sẽ có từ 3-5 phiên tăng mặc dù không mạnh do một số NĐT có thể bán ra và sau đó sẽ có 2-3 phiên đi ngang để tích lũy. Trong những phiên tích lũy, nhiều khả năng sẽ có những cuộc giằng co do bên bán và bên mua “trả giá” nhau và một số NĐT có thể tận dụng cơ hội lướt sóng trong phiên để kiếm lời. Thời điểm MBB chào cũng nằm trong giai đoạn các doanh nghiệp niêm yết công bố KQKD quý III. Như vậy, nếu NH có lợi nhuận khả quan, nhiều khả năng sẽ có một sóng tăng giá cho nhóm CP ngành này.

Trong trường hợp thị trường chung không tốt, nhiều khả năng lãnh đạo của MBB sẽ chọn một mức giá chào sàn “vừa phải”. Có thể trong giai đoạn đầu, MBB sẽ chịu áp lực xả hàng của một số NĐT và điều chỉnh giảm, tuy nhiên mức độ sẽ không lớn, bởi lẽ MBB là một CP đã quá quen thuộc đối với NĐT, vì vậy chỉ cần về một mức giá hợp lý lực mua sẽ lại tăng mạnh. Đó là chưa kể khối NĐTNN sẽ không bỏ qua cơ hội gom mua giá thấp, như vậy lực đỡ cho MBB sẽ vững vàng.

Các tin khác