Lối thoát cho thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang bộc lộ sự yếu kém ở những góc độ sau: - Cơ cấu sản phẩm, hàng hóa. - Cơ cấu thị trường. - Bất ổn định trong cung và cầu.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang bộc lộ sự yếu kém ở những góc độ sau: - Cơ cấu sản phẩm, hàng hóa. - Cơ cấu thị trường. - Bất ổn định trong cung và cầu.

Về cơ cấu sản phẩm hàng hóa

Ảnh minh họa. (Ảnh: Lã Anh)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Lã Anh)

Kể từ ngày khai sinh, TTCK không có sự gia tăng về sản phẩm mà chỉ có sự gia tăng hàng hóa. Sản phẩm ở đây được hiểu là các loại cổ phiếu, trái phiếu, các loại chứng khoán phái sinh, giao dịch ký quỹ, repo, cho vay chứng khoán, các dịch vụ tài chính đi kèm... Hàng hóa chính là cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán.

Sự hạn chế số lượng các loại sản phẩm không những làm giảm sức hấp dẫn của của TTCK nói chung mà còn đẩy những doanh nghiệp tham gia TTCK trở nên dở khóc dở cười. Các doanh nghiệp niêm yết mặc dù có kết quả kinh doanh tốt nhưng giá trên thị trường liên tục giảm bất kể nguyên nhân.

Các công ty chứng khoán (CTCK) bị hạn chế phạm vi hoạt động dẫn đến nguồn thu cũng bị hạn chế nên phải tìm mọi cách lách luật để tồn tại và hậu quả là nhà quản lý đã rối lại càng thêm rối. Ngược lại tình trạng nghèo nàn về sản phẩm là sự gia tăng cung hàng quá lớn khiến TTCK đang bị “bội thực”.

Về cơ cấu thị trường

Tham gia thị trường chứng khoán gồm có các CTCK, nhà đầu tư chuyên nghiệp (các quỹ đầu tư, ngân hàng) và các nhà đầu tư cá nhân. Về số lượng, con số 110 CTCK hiện nay là quá lớn so với quy mô thị trường. Số liệu trong bảng dưới đây sẽ phản ánh phần nào doanh thu từ hoạt động môi giới của các CTCK.

Với giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trong năm 2010 là 2.500 tỉ đồng, tổng phí giao dịch bình quân mà một CTCK không nằm trong top 10 là 5,3 tỉ đồng. Số tiền này thực tế chỉ đủ để duy trì hoạt động của công ty, không mong đợi vào lãi. Số liệu thống kê của quí 1-2011 tại HSX và HNX cho thấy tình hình đã xấu đi nhiều khi giá trị giao dịch trung bình một ngày trên toàn thị trường chỉ đạt 1.200 tỉ đồng, tổng giá trị phí thu trung bình một tháng chỉ đạt 214 triệu đồng.

Ngoài ra, các CTCK là những doanh nghiệp hứng chịu nhiều rủi ro vào bậc nhất tại Việt Nam. Hoạt động của các CTCK hoàn toàn phụ thuộc vào TTCK, khi TTCK giảm và diễn biến xấu, tất cả các khoản thu đều giảm: tự doanh thua lỗ, tư vấn doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều không khả thi, nguồn thu duy nhất còn lại chính là phí môi giới. Việc hạn chế các CTCK chỉ được phép kinh doanh các lĩnh vực cụ thể đã vô hình trung đẩy các CTCK vào hoàn cảnh “bỏ hết trứng vào một giỏ”.

Bất ổn định cung và cầu

Có thể nói, trên TTCK việc kiểm soát cung và cầu của các cơ quan quản lý không hiệu quả. Để TTCK phát triển bền vững, các cơ quan quản lý cần phải kiểm soát dòng tiền vào TTCK (cầu) và số lượng cổ phiếu trên thị trường (cung). Trong những năm gần đây, vị trí của TTCK trong các kế hoạch phát triển của nền kinh tế là không có.

Các nhà quản lý vĩ mô chưa có cái nhìn đúng đắn về TTCK, mối tương quan giữa việc điều hành chính sách vĩ mô và các ảnh hưởng của chính sách lên thị trường. Có thể nói TTCK gần như bị bỏ rơi và tách biệt hẳn với các chính sách vĩ mô của Nhà nước.

Để giúp nền kinh tế vượt qua khủng khoảng, Chính phủ đã bơm một lượng tiền lớn ra thị trường và một phần không nhỏ trong số này đã chảy vào TTCK, tạo nên cơn sốt chứng khoán trong năm 2009. Sau đó để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã không ngần ngại thu hồi một lượng tiền lớn từ nền kinh tế, tạo nên cú sốc thứ hai cho TTCK.

Có thể nói, TTCK phải hứng chịu hậu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ khá mạnh tay của Chính phủ. Ở phía bên kia, sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp niêm yết, các loại cổ phiếu đến chóng mặt cũng góp phần đẩy TTCK vào tình trạng thừa cung và bất ổn định.

Giải pháp cho TTCK

Để TTCK hồi phục và phát triển lâu dài, các cơ quan điều hành nên có các quyết sách bình ổn thị trường trong ngắn hạn và phát triển ổn định trong dài hạn. Một trong các chính sách ngắn hạn quan trọng có thể kể đến: - Xây dựng lại vị thế của TTCK trong chính sách phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

- Đưa các sản phẩm mới ra thị trường để tạo lại sức hấp dẫn của TTCK.

- Thanh lọc lại hàng hóa cũng như các CTCK trên thị trường.

Chính sách dài hạn là xây dựng chính sách tiền tệ ổn định, xây dựng kế hoạch phát triển các doanh nghiệp tham gia thị trường, và xây dựng kế hoạch giám sát, quản lý rủi ro thị trường.

Không thể phủ nhận một trong những vai trò rất quan trọng của TTCK là một kênh hữu hiệu huy động vốn cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Do vậy Chính phủ cũng cần phải có đánh giá sâu sắc hơn về TTCK, các mối tương quan giữa TTCK và nền kinh tế, chính sách vĩ mô của Nhà nước trong đó. Khi xem xét một quyết sách nào đó liên quan đến thị trường tiền tệ, tài chính cần phải xem xét cả những tác động của quyết sách đó lên TTCK.

Ngoài ra để tạo vị trí độc lập cho TTCK cũng nên xem xét việc tách Ủy ban Chứng khoán khỏi sự quản lý của Bộ Tài chính và chuyển về trực thuộc Chính phủ. Việc đưa sản phẩm mới ra thị trường bao gồm hai bước: bước một, minh bạch hóa các dịch vụ như ứng trước tiền bán chứng khoán, giao dịch ký quỹ vào diện quản lý và giám sát. Hiện nay hai nghiệp vụ này được thực hiện bởi hầu hết các CTCK nhưng chưa được luật pháp cho phép.

Thực ra đây cũng là những sản phẩm đã phần nào đóng góp được vào sự tăng trưởng của TTCK trong năm 2009, tuy nhiên, các sản phẩm này cũng có những rủi ro và nhà nước cần phải kiểm soát chặt chẽ độ an toàn của chúng.

Bước tiếp theo sẽ là đưa các sản phẩm mới ra thị trường, trước mắt nên tập trung vào các sản phẩm có tính bình ổn cao để trong những lúc thị trường gặp khó khăn sẽ là chỗ dựa tốt khi có những diễn biến tiêu cực trên thị trường.

TS. Nguyễn Anh Tuấn
CTCP Chứng khoán quốc tế Việt Nam - VISecurities

Các tin khác