Hàng loạt ông lớn rót vốn đầu tư vào lĩnh vực y tế

(ĐTTCO) - Đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe được dự báo ngày càng hấp dẫn bởi nhu cầu người dân về các dịch vụ y tế cao cấp luôn tồn tại và ngày càng tăng nhanh.

Làn sóng đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế bắt đầu nóng lên từ năm 2015 với nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Nhiều thương vụ mới tiếp tục diễn ra gần đây như tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ liên tục M&A để mở rộng hệ thống; Nha khoa Mỹ sáp nhập vào Sun Medical Center; hãng dược Taisho của Nhật chi thêm 3.400 tỷ đồng nắm quyền chi phối gần 67% giá trị Dược Hậu Giang - công ty dược lớn nhất Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong vòng 9 năm gần đây, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phát triển ngày càng nhanh, nếu năm 1993 cả nước chưa có bệnh viện tư nào thì hiện đã có hơn 200 bệnh viện tư nhân với khoảng 15.475 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân. Như vậy, theo các chuyên gia Y tế, về thị trường, có 5 yếu tố quan trọng khiến ngành y tế Việt Nam thu hút các nhà đầu tư.

Hàng loạt ông lớn rót vốn đầu tư vào lĩnh vực y tế ảnh 1 Với quy mô đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng, công trình Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức
dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2019.

Cụ thể về nhân khẩu, tăng trưởng kinh tế, lối sống thay đổi, mô hình chăm sóc sức khỏe và nhu cầu bảo hiểm y tế. Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch - Đầu tư soạn thảo cho thấy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hoá y tế.

Thực tế cho thấy, nhu cầu của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ y tế cao cấp luôn tồn tại và phát triển, do đó các nhà đầu tư cũng tập trung đầu tư vào lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Song song đó là sự đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, khi các bệnh viện tư nhân ra đời còn giải quyết được bài toán giảm quá tải cho các bệnh viện công, hạn chế việc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị.

Việc xây dựng bệnh viện cũng góp phần hỗ trợ hiệu quả hoạt động của các đơn vị y tế trong thành phố. Hàng loạt các ông lớn về đầu tư đã không bỏ qua thị trường y tế đầy tiềm năng này. Điển hình là Tập đoàn Hoa Lâm, một tập đoàn đầu tư đa ngành như bất động sản, tài chính – ngân hàng, đã đầu tư xây dựng Bệnh viện quốc tế CITY, và phát triển một loạt các bệnh viện mới thuộc qui hoạch phát triển trung tâm y tế kỹ thuật cao.

Tập đoàn Xây dựng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Phú Thọ (Phú Thọ Group), từ một đơn vị chuyên thi công xây dựng các dự án bệnh viện, nay cũng nhảy vào đầu tư lĩnh vực y tế, hợp tác cùng Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Trong 10 năm trở lại đây, Phú Thọ Group đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động chuỗi bệnh viện y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam mang tầm quốc tế, điển hình là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinh, Bệnh viện Mắt Quốc tế Hoàn Mỹ Sài Gòn.

 Nối tiếp sự thành công đó, trong năm nay, Phú Thọ Group và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã "bắt tay" để cùng tiến hành xây dựng các dự án bệnh viện mới, trong đó nổi bật là dự án công trình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (tọa lạc trên Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM).

Với quy mô đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức được xây dựng với mục tiêu trở thành một bệnh viện đa khoa theo tiêu chuẩn bệnh viện khách sạn cao cấp, hiện đại, chất lượng cao, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành. Ngoài ra, với vị trí cửa ngõ TPHCM giáp ranh tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các quận, huyện ngoại thành, còn đảm nhận nhiệm vụ điều trị các bệnh lý cho người dân các tỉnh lân cận.

Các tin khác