Giải bài toán huy động và sử dụng vốn

Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn và sử dụng hiệu quả đồng vốn.

Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn và sử dụng hiệu quả đồng vốn.

Hiệu quả sử dụng vốn giảm dần

Theo điều tra gần đây của Vietnam Report, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của 500 công ty lớn nhất Việt Nam (VNR500) đang có xu hướng giảm dần đều trong 3 năm gần đây. Tỷ lệ sụt giảm về hiệu quả sử dụng vốn đang nghiêm trọng nhất ở các doanh nghiệp ngành viễn thông và ngành vận tải đường thủy (với tỷ lệ sụt giảm hiệu quả vốn tới 50% từ BXH VNR500 năm 2009 tới BXH năm 2010).

Đặc biệt, tuy hiệu quả sử dụng vốn bị sụt giảm trong thời gian gần đây, nhưng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn chú trọng nhiều hơn vào việc tăng vốn, tăng quy mô doanh nghiệp, thay vì chú trọng nâng cao hiệu quả và năng suất của đồng vốn tại doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đang gặo khó khăn trong việc sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. (Ảnh: internet)

Nhiều doanh nghiệp đang gặo khó khăn trong việc sử dụng
đồng vốn sao cho hiệu quả. (Ảnh: internet)

Có tới trên 60% doanh nghiệp được điều tra bởi Vietnam Report cho rằng "khó huy động vốn" là thuộc nhóm 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong năm 2011 và 2012. Trong khi đó, chỉ có dưới 30% doanh nghiệp cho rằng "thiếu dự án đầu tư có hiệu quả cao" là khó khăn lớn của doanh nghiệp trong 2 năm tới.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn và tăng trưởng nhanh thuộc BXH VNR500 và FAST500 đang gặp vấn đề về hiệu quả sử dụng vốn, các DN vừa và nhỏ cũng đang có gặp khó khăn tương tự.

Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp vừa và nhỏ của VCCI năm 2010, năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp ở cả 8 ngành được nghiên cứu, gồm viễn thông, bảo hiểm, sản xuất và phân phối điện, vận tải đường thủy, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, may mặc, sản xuất sản phẩm từ cao su - plastic và xây dựng đều có xu hướng giảm, trong đó các ngành viễn thông, sản xuất và phân phối điện giảm mạnh hơn cả.

Trên 60% doanh nghiệp được điều tra bởi Vietnam Report cho rằng "khó huy động vốn" là thuộc nhóm 3 khó khăn lớn nhất của DN trong năm 2011 và 2012.

Thiếu chiến lược về cơ cấu vốn

Một điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp SMEs, đó là quan điểm về cơ cấu vốn của bản thân doanh nghiệp. Theo đó, chỉ khi nào doanh nghiệp cần đầu tư mới bắt đầu tính đến chuyện đi vay hoặc phát hành cổ phiếu để huy động vốn mà không tính đến các chiến lược dài hạn nhằm quy hoạch lại một cách hiệu quả nguồn vốn hiện có. Chính quan điểm có phần chủ quan như vậy đã làm cho các doanh nghiệp Việt bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp đến tính an toàn của cấu trúc vốn.

Thực tế trong thời gian qua cũng chỉ rõ các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay, các doanh nghiệp không kiểm soát được dòng tiền thu về do chạy theo chỉ tiêu doanh thu và dùng vốn ngắn hạn để đầu tư trung hạn dẫn đến sự mất cân đối về nguồn vốn.

Ngoài ra có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp dùng quá nhiều vốn tự có, không chủ động đi vay và huy động từ các nguồn khác nhau, điều này dẫn đến những hệ quả tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là không thể đạt được quy mô vốn lớn, từ đó dẫn đến không đủ khả năng tiếp cận các dự án lớn, kéo theo không có cơ hội để bứt phá và tăng trưởng.

Trong một vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, tìm mọi cách tăng vốn cổ phần liên tục, trong khi chưa thực sự có dự án đầu tư có hiệu quả. Có doanh nghiệp có vốn cổ phần tăng gấp hàng chục lần trong vài năm. Điều này dẫn đến việc vốn cổ phần ngày càng tăng, nhưng tỷ số ROE và EPS ngày càng giảm, không có lợi cho chiến lược dài hạn của doanh nghiệp

Cần chú trọng tới chiến lược nâng cao hiệu quả vốn

Các công ty theo đuổi mô hình kinh doanh hiệu quả vốn (capital - efficient model) luôn tìm cách xây dựng hoặc tái cấu trúc các yếu tố trong bảng cân đối kế toán để khơi dậy mọi cơ hội dù là nhỏ nhất nhằm kiếm được lợi nhuận từ mỗi một đồng vốn bỏ ra.

Tập trung vốn đầu tư vào những tài sản, những phi vụ kinh doanh mà theo họ sẽ mang lại lợi nhuận tốt nhất có thể cho công ty đó chính là chiến lược kinh doanh hiệu quả vốn. Mặc dù ít nhiều cũng sẽ chứa đựng những rủi ro và hạn chế do những yếu tố thị trường mang lại đối với bản thân một chiến lược. Tuy nhiên, ít nhiều chiến lược này cũng giúp rất nhiều công ty tạo ra giá trị thực sự và trong nhiều trường hợp có thể là giải pháp tối ưu trong giai đoạn hoạt động SXKD của công ty bị trì trệ.

Trên thực tế, các công ty hoàn toàn có thể sử dụng cấu trúc vốn hiện có trong bảng cân đối kế toán của mình để tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, mà không cần phải thường xuyên tìm đến các thị trường vốn để huy động thêm cốn cho công ty. Điều này không chỉ nâng cao sự tín nhiệm của các nhà đầu tư đối với công ty mà còn giúp công ty giảm chi phí giao dịch và nhanh chóng nắm bắt những cơ hội mới.

Trong các điều kiện nguồn vốn bị ràng buộc như hiện nay, các công ty cần tiến hành cấu trúc lại danh mục tài sản trong bảng cân đối kế toán của mình một cách có chủ đích nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng và tạo ra lợi nhuận cao, loại bỏ bớt những tài sản không quan trọng và bỏ qua những dòng tiền khó kiểm soát.

Sau khi tích lũy vốn được tạo ra từ các hoạt động kinh doanh này, dòng vốn được tạo ra này có thể được tái đầu tư trở lại trong mảng kinh doanh chính của công ty và thông qua đó vốn của công ty bắt đầu được cải thiện đáng kể, cũng có thể thông qua cả hoạt động mua bán sáp nhập.

Các doanh nghiệp cần xây dựng cấu trúc vốn tối ưu nhằm làm giảm rủi ro và chi phí vốn. Các trường hợp hiệu quả kinh doanh và giá trị của doanh nghiệp tăng cao sẽ không thuộc về các doanh nghiệp chỉ biết sử dụng nguồn vốn tự có. Tùy theo tỷ lệ vốn vay được sử dụng để tạo ra hiệu quả kinh doanh mà giá trị của doanh nghiệp sẽ tăng lên nhiều hay ít. Do vậy, doanh nghiệp cần xác định mức tỷ lệ vốn vay nhất định trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp.

Trên thực tế, vẫn có doanh nghiệp nâng mức vốn vay lên trên 50% mà vẫn đạt được hiệu quả sử dụng vốn như mong đợi. Nhưng từ cấu trúc vốn tối ưu được xác định ứng với những điều kiện riêng của doanh nghiệp, cấu trúc vốn mục tiêu thường được các doanh nghiệp duy trì mức tỷ lệ vốn vay trong độ an toàn mà đa phần doanh nghiệp ứng dụng thấp hơn tỷ lệ vốn sở hữu, có thể là 60% vốn chủ sở hữu và 40% vốn vay.

Cùng bàn về chiến lược huy động và sử dụng vốn

Các công ty phải luôn có những tư duy và chiến lược thích ứng và hợp lý để đưa việc sử dụng hiệu quả vốn vào chiến lược kinh doanh của mình. Những công ty sử dụng vốn một cách hiệu quả thường có danh mục tài sản và rủi ro hẹp hơn, điều này thích hợp với năng lực của họ, cũng như với chiến lược tạo ra giá trị và lợi nhuận của công ty. Những công ty này còn có khuynh hướng định hình kĩ lưỡng các vai trò đối với các tài sản họ chọn nắm giữ và tập trung các nguồn lực vào những mảng thị trường với rủi ro đã được thu hẹp để mang lại giá trị thực sự.

Các tin khác