Dòng tiền lớn có trở lại thị trường?

Giới phân tích nhìn nhận, về lâu dài, dư chấn của các vụ “scandal” sẽ có ảnh hưởng đến dòng tiền lớn vào TTCK. Dòng tiền từ NHTM vào chứng khoán sẽ cẩn trọng hơn.

Giới phân tích nhìn nhận, về lâu dài, dư chấn của các vụ “scandal” sẽ có ảnh hưởng đến dòng tiền lớn vào TTCK. Dòng tiền từ NHTM vào chứng khoán sẽ cẩn trọng hơn.

Những sự kiện nóng ảnh hưởng đến TTCK gần đây bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt khi sắcxanh đã quay trở lại trên cả hai sàn chứng khoán. Nhưng giới phân tích nhìn nhận, về lâu dài, dư chấn của các vụ “scandal” sẽ có ảnh hưởng đến dòng tiền lớn vào TTCK, nhưng đây cũng là một tín hiệu lành mạnh cho thị trường.

Ngoại không bi quan

Bất chấp sự tháo chạy tập thể của giới đầu tư nội địa, một lần nữa, khối ngoại lại làm bệ đỡ cho thị trường với chiến lược giao dịch ngược chiều. Dù không ngăn được sự đi xuống của thị trường, nhưng điểm sáng tích cực này đóng vai trò như một nút chặn tâm lý.

Lướt qua các bình luận của giới đầu tư quốc tế về các sự kiện nóng xảy ra gần đây, có thể thấy, giới đầu tư quốc tế đã giữ được cái đầu khá lạnh lùng. Standard & Poor's (S&P) đánh giá, các sự kiện gần đây không gây sức ép lớn về thanh khoản đối với Ngân hàng ACB và cũng không gây ảnh hưởng lan truyền tới các ngân hàng khác trong hệ thống.

JP Morgan thì khuyến nghị, xu hướng giảm mạnh của chỉ số VN- Index tạo ra các cơ hội hấp dẫn hơn cho các NĐT nước ngoài muốn gia nhập thị trường. JP Morgan cũng khuyến nghị khách hàng quan tâm đến nhóm cổ phiếu thuộc ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng, DN xuất khẩu.

Trong khi đó, Marc Faber, Chủ tịch Indochina Capital cũng nêu nhận định tương tự trên Bloomberg, rằng cơ hội mua chứng khoán Việt Nam ở mức giá tốt cho các NĐT dài hạn vừa bất ngờ mở ra cùng với sự sụt giảm mạnh của TTCK.

Nhưng nếu như JP Morgan tư vấn khách hàng nên tránh cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng thì Marc Faber lại không bỏ qua sự chú ý với nhóm cổ phiếu “vua”!

Những nhận định này không phải là những lời nói suông, bởi các NĐT nước ngoài đã mua ròng khoảng 20 triệu USD kể từ khi sự việc bất ngờ xảy ra. Con số này không lớn so với thời kỳ khối ngoại làm mưa làm gió ở TTCK Việt Nam, nhưng lại là tín hiệu tích cực khi giới đầu tư nội địa quay lưng với thị trường.

Về điều này, một đại diện của Vietnam Holding cắt nghĩa: “NĐT nước ngoài không tiếp cận thị trường theo hướng các tin đồn. Chiến lược giao dịch của họ phần lớn dựa trên cơ sở định giá doanh nghiệp nên không chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố cảm tính như tâm lý đám đông. Giá cổ phiếu xuống đến vùng giá mục tiêu là họ mua vào”.

Dòng tiền lớn nội địa sẽ thận trọng?

Với tính chất nhạy cảm của sự việc đã xảy ra, lãnh đạo các CTCK chỉ đề cập đến sự việc mang tính chất chia sẻ. Đáng lưu tâm, theo ghi nhận của ĐTCK, một số ý kiến đánh giá bản chất dòng tiền lớn chảy vào TTCK từ ngân hàng sẽ có sự thay đổi đáng kể sau những gì xảy ra gần đây.

Cụ thể, tín dụng giá rẻ và dễ dãi cấp cho các ông chủ nhà băng tư nhân sẽ không chảy ồ ạt vào TTCK như trước vì nhiều quan ngại.

Xu thế này về lâu dài đem đến sự phát triển lành mạnh và bền vững cho TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn, sẽ tạm thời làm suy yếu dòng tiền.

“Ngoài yếu tố tâm lý, việc TTCK sụt giảm mạnh có phần hợp lý nếu nhìn từ góc độ dòng tiền. Thời gian tới, các đại gia ngân hàng sẽ hạn chế tiếp cận TTCK bằng “cửa” tín dụng ngân hàng”, lãnh đạo một CTCK hàng đầu nhận định.

Từ lâu, Ngân hàng Nhà nước đã giới hạn dư nợ tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản với các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, giới quan sát nghi ngờ, bằng cách này hay cách khác, các rào cản này vẫn bị vượt qua.

Chẳng hạn, công ty hoặc cá nhân A’ thông qua các công ty hoặc cá nhân khác tiếp cận với tín dụng giá rẻ và lỏng của ngân hàng A, mà A’ đang là một cổ đông lớn. Khoản tín dụng này được đầu tư vào TTCK. Dòng chảy mạnh yếu phụ thuộc vào lãi suất và sự hấp dẫn của chứng khoán ở mỗi thời điểm.

Nếu cần, NĐT A’ sẽ tăng cường đòn bẩy bằng cách mang cổ phiếu này thế chấp tại chính ngân hàng A hoặc nếu cần kín đáo thì ở một ngân hàng khác.

Trong trường hợp NĐT A’ cần huy động số tiền lớn dành cho các thương vụ lớn như thâu tóm, sáp nhập, ngân hàng A sẽ tìm vốn và giải quyết bài toán thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng.

Các giao dịch này trên giấy tờ được thực hiện minh bạch. Tuy nhiên, với những sự kiện có tác động mạnh đến TTCK như thời gian gần đây, các mắt xích phức tạp trong một liên minh tín dụng rối rắm giữa các “ông chủ” với ngân hàng buộc phải cẩn trọng hơn.

Bởi chỉ cần một mắt xích trong liên minh gặp vấn đề, sẽ kéo theo hệ luỵ với cả chuỗi liên quan. Nói cách khác, tín dụng ngân hàng chảy ngầm vào TTCK sẽ buộc phải lưỡng lự, cân nhắc.

Các tin khác