CP thủy sản: Thừa lượng, thiếu chất

Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục đạt mức tăng trưởng 2 con số, dù các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính vì lý do này CP ngành thủy sản vẫn chưa bị NĐT đánh giá thấp.

Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục đạt mức tăng trưởng 2 con số, dù các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính vì lý do này CP ngành thủy sản vẫn chưa bị NĐT đánh giá thấp.

Khó khăn cố hữu

Theo thống kê, giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó có những vấn đề cố hữu.

Đầu tiên là vấn đề thiếu nguyên liệu, bao gồm nguyên liệu nuôi trồng như tôm, cá tra và nguyên liệu đánh bắt như cá ngừ, mực và bạch tuộc. Vấn đề kế tiếp là thiếu vốn dành cho các hộ nuôi và các cơ sở chế biến.

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LÃ ANH

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LÃ ANH

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hơn 90% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến cá tra và 54% doanh nghiệp chế biến tôm đang có nhu cầu cấp thiết vay ngân hàng để đáp ứng vốn lưu động.

Ngoài 2 vấn đề trên, ngành thủy sản còn vấp phải những những quy định chặt chẽ hơn từ các thị trường nhập khẩu. Những quy định mới này góp phần làm tăng chi phí hoạt động, đặc biệt chi phí đóng gói nhựa, phí quản lý chất lượng xuất khẩu, phí kiểm dịch thủy sản… Điều này đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp nhỏ vốn không có lợi thế theo quy mô.

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng quy mô thị trường EU đã giảm xuống do nhu cầu giảm và khả năng thanh toán thấp.

Trong 4 tháng đầu năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra vào EU đạt 152 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước và giá trị tôm xuất khẩu vào EU đạt 81,9 triệu USD, giảm 27,9%.

Trong nhiều trường hợp, việc thanh toán diễn ra chậm. Tình trạng khó khăn này khiến số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã giảm đến 41% trong thời gian gần đây.

Theo thống kê của CTCK TPHCM, đến thời điểm cuối tháng 5-2012 chỉ còn 473 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, giảm 41% từ con số 800 doanh nghiệp tại thời điểm cuối tháng 5-2011. Điều đáng nói, hầu hết các doanh nghiệp còn tồn tại là những doanh nghiệp thương mại nhỏ và không tham gia vào quá trình nuôi trồng hay chế biến.

Theo nhận định của các chuyên gia, lĩnh vực nuôi trồng và chế biến đã bước vào giai đoạn tái cơ cấu kéo dài với khoảng cách giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ ngày càng nới rộng.

Nhìn vào 20 doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất có thể thấy trong 4 tháng đầu năm 2012, giá trị xuất khẩu của những doanh nghiệp hàng đầu cao gấp 3 lần so với của các doanh nghiệp đứng hàng thứ 2; cao hơn 7 lần so với doanh nghiệp đứng vị trí thứ 10 và 20 lần so với doanh nghiệp đứng ở vị trí thứ 20.

Mỏi mắt tìm CP tốt

Trên cả 3 sàn CK hiện có đến 26 DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Đây là một trong những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp niêm yết nhất hiện nay. Thế nhưng phần nhiều đều là các doanh nghiệp nhỏ và mặt bằng giá CP khá thấp.

Đa số các mã CP thủy sản đều giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí có mã CP còn xuống dưới mức 2.000 đồng/CP.

Trong khi đó, các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), CTCP Hùng Vương (HVG) và CTCP Vĩnh Hoàng (VHC) đang là những doanh nghiệp đứng đầu ngành nhờ có quy trình sản xuất liên hợp khép kín từ khâu thức ăn cho cá đến chế biến sản phẩm cá fillet; tập trung vào chất lượng và công tác quản lý được thực hiện tốt.

Dù vậy, các doanh nghiệp này cũng chịu ảnh hưởng từ những khó khăn kể trên, chẳng hạn như giá xuất khẩu giảm, thiếu nguyên liệu và lãi suất cao. Thực tế, chi phí lãi vay của 3 doanh nghiệp này vẫn ở mức cao trong quý I-2012.

Nhờ vị thế là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xuất khẩu tôm và cá tra, nên các doanh nghiệp này có thể tăng thêm thị phần trong bối cảnh khó khăn hiện tại của ngành. Những doanh nghiệp này có những lợi thế chính như có nguồn nguyên liệu tự nuôi trồng và có khả năng đàm phán giá tốt hơn với các hộ nuôi.

Khó khăn hiện tại của ngành là cơ hội để các doanh nghiệp này có thể mua lại các cơ sở khác nhằm nâng cao năng lực trong mảng sản xuất thức ăn cho tôm, cá cũng như tăng diện tích nuôi.

Các doanh nghiệp này cũng được đánh giá khá cao trên TTCK. So với các doanh nghiệp còn lại, mặt bằng giá của các doanh nghiệp này cũng cao hơn khi đều đạt trên mức 3.0. Thậm chí VHG còn được xếp vào nhóm VN30.

Các tin khác