Đường và bánh kẹo

Cổ phiếu nào “ngọt” hơn?

Ngành sản xuất đường và bánh kẹo có mối quan hệ mật thiết. Dù phụ thuộc vào ngành đường nhưng CP doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh kẹo có phần hấp dẫn hơn DN sản xuất đường.

Ngành sản xuất đường và bánh kẹo có mối quan hệ mật thiết. Dù phụ thuộc vào ngành đường nhưng CP doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh kẹo có phần hấp dẫn hơn DN sản xuất đường.

Chiến lược và lợi thế riêng

Trong chi phí sản xuất kẹo có 40-60% chi phí đường và trong chi phí sản xuất bánh có 20% chi phí đường. Hiện nay trên cả 2 sàn đang có 6 DN ngành mía đường đang niêm yết là LSS, SBT, KTS, BHS, NHS và SEC. SBT có quy mô lớn và hiện đại nhất, đây là DN có sự tham gia cổ đông là tập đoàn thực phẩm Bourbon của Pháp nên được hỗ trợ về kỹ thuật dây chuyền sản xuất và kinh nghiệm điều hành, hoạt động. Còn LSS và SEC có thế mạnh về vùng nguyên liệu. Trong khi đó, KTS và NHS có quy mô sản xuất tương đối nhỏ, chỉ bằng 1/3 so với LSS, SEC và SBT. Các DN sản xuất đường chỉ tập trung cho hoạt động kinh doanh chính, chứ không quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, trừ trường hợp của BHS sau này tách phân xưởng sản xuất bánh kẹo của mình thành lập nên CTCP Bánh kẹo Bibica (BBC). BHS cũng là nhà cung cấp đường chính cho hoạt động của BBC.

Ngành sản xuất bánh kẹo hiện có 3 DN niêm yết trên sàn là HHC, KDC và BBC. Mỗi DN đều có mặt hàng lợi thế riêng: HHC với kẹo mềm, kẹo chew; KDC với bánh quy và bánh cracker; BBC với kẹo và bánh bông lan. Cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, song chiến lược kinh doanh của các DN này khác nhau. HHC và BBC chỉ tập trung đầu tư vào hoạt động sản xuất và kinh doanh chính; KDC xây dựng chiến lược trở thành tập đoàn thực phẩm, bất động sản và đầu tư tài chính. KDC đang là DN có thị phần lớn nhất trên thị trường bánh kẹo nội địa với tỷ lệ xấp xỉ 20%.

Doanh thu lợi, nhuận năm 2010 của các DN
mía đường và bánh kẹo năm 2010

Cổ phiếu nào “ngọt” hơn? ảnh 1

Trong khi hoạt động của các DN bánh kẹo không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nguyên liệu đầu vào, hoạt động sản xuất của các nhà máy đường thường bị đình trệ, thậm chí ngưng sản xuất vì đói nguyên liệu. Đến nay, mới chỉ có LSS và SEC đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu cho mình. Ngoài những rủi ro khách quan liên quan đến vùng nguyên liệu như thiên tai, dịch bệnh, các DN mía đường còn phải đối mặt rủi ro liên quan đến giá đường thế giới. Do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên phần thiếu hụt phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đa phần các DN mía đường không tự xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm, mà phải thông qua hệ thống đại lý phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Điều này khiến cả người tiêu dùng và nhà sản xuất đều không có lợi, mà chính các đơn vi trung gian phân phối hưởng lợi nhiều nhất.  

Khác với DN mía đường, các DN bánh kẹo có hệ thống phân phối rất rộng chia làm 3 kênh chính là đại lý phân phối, siêu thị và hệ thống bán lẻ. Trong đó, KDC là DN dẫn đầu với hơn 200 đại lý và 400.000 điểm bán lẻ trên cả nước. BBC có khoảng 91 đại lý phân phối và 4.000 điểm bán lẻ. HHC có 100 đại lý phân phối tiêu thụ đến 90% sản lượng sản xuất, hệ thống bán lẻ đang được xây dựng. Nhờ có hệ thống phân phối rộng rãi, sản phẩm của các DN sản xuất bánh kẹo đến tay người tiêu dùng được thuận lợi và hạn chế tình trạng các đại lý trung gian thao túng giá.  Với các DN bánh kẹo có nguyên liệu đường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành như HHC (chiếm 25%) và BBC (chiếm 20%), khi giá đường biến động sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, nhưng không ảnh hưởng tới tình hình sản xuất - do nguyên liệu đầu vào có khá nhiều DN trong và ngoài nước cung cấp. BBC là DN có lợi thế nhất về nguồn nguyên liệu, do tiền thân là xưởng sản xuất bánh kẹo của BHS nên đường nguyên liệu luôn được đảm bảo cung cấp ổn định.

 Cân đo lợi nhuận

Theo thống kê của CTCK Tân Việt, kết quả kinh doanh năm 2010 của các DN ngành mía đường có lợi nhuận tăng trưởng cao hơn so với các DN trong ngành bánh kẹo. Trong đó, LSS có mức tăng lợi nhuận ấn tượng nhất (89%), tiếp theo là SEC (52%), NHS (38%), BHS (21%). Đánh giá dưới góc độ cơ bản, 2 DN có khả năng sinh lời lớn nhất hiện nay là LSS và BHS. Với các DN bánh kẹo, chỉ KDC có mức lợi nhuận tăng trưởng 27% trong năm vừa rồi, còn HHC và BBC đều sụt giảm ở mức 7% và 27%. Như vậy, có thể thấy rằng lợi nhuận của các DN bánh kẹo trong năm vừa qua không được khả quan so với các DN đường. Nếu xét trên P/E, nhóm CP bánh kẹo có P/E trung bình chung hiện nay xấp xỉ 9x, trong đó KDC được kỳ vọng là 9,5x, còn HHC và BBC với quy mô và thị phần nhỏ hơn nên P/E được đánh giá ở mức hợp lý hơn là 8x và 6x. Với CP đường, mức P/E dự báo cho thời gian tới của LSS, BHS và SBT sẽ không cao hơn so với mức trung bình hiện tại là 5x. Các DN có quy mô nhỏ hơn như NHS, KTS, SEC, mức P/E được kỳ vọng sẽ giảm xuống thấp hơn so với trung bình của ngành vào khoảng 3,5-4x.

NĐT thường kỳ vọng nhóm CP ngành bánh kẹo vào những thời điểm có tính mùa vụ, bởi đó là thời điểm sản lượng tiêu thụ được kỳ vọng lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, với tình hình giá cả lạm phát như hiện nay, bánh kẹo không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhiều khả năng sẽ là mặt hàng nằm trong diện cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Thêm vào đó giá đường, bột sữa, bột mì cũng đang trong xu hướng tăng sẽ là yếu tố bất lợi đối với các DN trong ngành sản xuất bánh kẹo. Với các DN đường, do đặc điểm của ngành mía đường là lợi nhuận của các DN trong ngành phụ thuộc vào các DN phân phối, nên nếu giá đường trong nước có tiếp tục tăng, cũng khó có kỳ vọng lợi nhuận đột biến.

Các tin khác