Cổ phiếu bánh kẹo kỳ vọng cuối năm

Dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2012 không mấy khả quan, nhưng nđt vẫn tràn đầy hy vọng về mùa bội thu cuối năm của các doanh nghiệp bánh kẹo.

Dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2012 không mấy khả quan, nhưng nđt vẫn tràn đầy hy vọng về mùa bội thu cuối năm của các doanh nghiệp bánh kẹo.

Áp lực

Đối với các doanh nghiệp bánh kẹo, chi phí nguyên vật liệu chiếm từ 55-60% chi phí giá vốn hàng bán. Trong đó, chi phí bột và đường chiếm tỷ trọng lớn nhất. Do đó, mức tăng giá các nguyên liệu này trong nửa đầu 2012 đã gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Do Việt Nam nhập khẩu hầu hết lượng bột mì, nên giá bột mì trong nước sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá lúa mì thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội Ngũ cốc Quốc tế (IGC), do sự biến đổi điều kiện thời tiết ở các vùng sản xuất chính tại châu Âu, sản lượng lúa mì của thế giới có khả năng bị sụt giảm và đẩy giá lên mức cao kỷ lục trong niên vụ 2012-2013. Với nguyên liệu đường, phần lớn nguồn cung đến từ nội địa.

Thị trường mía đường thoát khỏi sự mất cân bằng cung-cầu như những năm trước, niên vụ 2012-2013 lần đầu tiên sản lượng đường Việt Nam (gồm cả sản xuất, nhập khẩu theo WTO và lượng tồn kho) có thể đáp ứng nhu cầu trong vài tháng tới.

Tuy nhiên, nhu cầu đường có xu hướng tăng cao trong tháng Trung thu nên dự báo giá đường sẽ tăng nhẹ khoảng 4% trong năm nay, vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 24% năm 2010 và 6% năm 2011. Ngoài áp lực về chi phí đầu vào, ngành bánh kẹo chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm ngoại từ các công ty mới tham gia vào thị trường.

Trên thực tế, khó khăn về chi phí khiến kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2012 của các doanh nghiệp bánh kẹo niêm yết không như kỳ vọng. Hiện có 3 doanh nghiệp bánh kẹo niêm yết trên TTCK là CTCP Kinh Đô (KDC), CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) và CTCP Bibica (BBC).

Theo thống kê của CTCK Phú Hưng, BBC và HHC hiện chiếm 20% và 25% thị phần kẹo và đồ ngọt, trong khi KDC chiếm 30-35% thị phần bánh nướng. Cả BBC và KDC đều không đạt kế hoạch kinh doanh nửa đầu năm 2012 và báo cáo mức lợi nhuận âm.

Do chi phí nguyên vật liệu tăng (đối với BBC) và các khoản lỗ đầu tư tài chính (đối với KDC), BBC và KDC chỉ đạt 28,44% và 27,64% kế hoạch doanh thu. HHC có kết quả khả quan hơn với doanh thu và lợi nhuận đạt tương ứng 300 tỷ đồng và 7 tỷ đồng, hoàn thành 44% kế hoạch năm.

Triển vọng

Dù kết quả kinh doanh không được khả quan trong những tháng đầu năm nhưng theo phân tích của các chuyên gia, tình hình này sẽ sớm được cải thiện nhờ thu nhập trong mùa cao điểm cuối năm. Bắt đầu từ Trung thu cho đến tháng 12, doanh số bán bánh sẽ tăng trung bình 20% so với các tháng trước.

Thêm vào đó, nhà cung cấp thường được hưởng lợi từ việc tăng giá bánh lên khoảng 10-15%. Dựa trên 2 lý do trên, có thể khẳng định doanh thu của các doanh nghiệp trong nửa cuối 2012 sẽ tốt hơn nhiều so với nửa đầu năm.

Dây chuyền sản xuất bánh của Kinh Đô. Ảnh: CAO THĂNG

Dây chuyền sản xuất bánh của Kinh Đô. Ảnh: CAO THĂNG

Ngoài yếu tố thời vụ, các doanh nghiệp bánh kẹo còn được kỳ vọng vào tiềm năng phát triển. Theo báo cáo công bố quý II-2012 của BMI (công ty hàng đầu chuyên cung cấp các thông tin, dịch vụ tài chính như các báo cáo phân tích về quốc gia, ngành kinh tế), doanh thu bánh kẹo của Việt Nam năm 2012 được kỳ vọng ở mức 488 triệu USD (tăng 17% so với năm trước).

Tỷ lệ tăng doanh thu ước tính đạt 114,71%/năm trong giai đoạn 2008-2012. Con số này ấn tượng hơn nhiều so với các nước châu Á khác như Trung Quốc ở mức 49%, Philippines 52%, Indonesia 64%, Ấn Độ 60%, Thái Lan 37% và Malaysia 17%. Báo cáo này dựa trên mức thay đổi dự tính của dân số trẻ, mức thu nhập bình quân đầu người và sức tiêu dùng.

Ngành bánh kẹo là một trong những ngành có mức tăng trưởng cao và ít nhạy cảm với sự biến động nền kinh tế. Lợi thế về dân số của Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều các công ty thực phẩm nước ngoài nhảy vào thị trường. Theo nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp bánh kẹo trong nước hoàn toàn có thể giữ được lợi thế cạnh tranh của mình trong tương lai.

Tuy nhiên, hậu quả của nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, lạm phát gia tăng và giá hàng hóa cao đã làm giảm đáng kể lợi nhuận của các công ty bánh kẹo. Do đó, khả năng kiểm soát chi phí cũng như kỹ năng quản lý sẽ là nhân tố chính để các doanh nghiệp trong nước bảo vệ lợi nhuận của mình.

Các tin khác