Các đại gia địa ốc chen chân Bình Thuận

(ĐTTCO) - Thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng được UBND tỉnh Bình Thuận đầu tư, phát triển đã tạo cú hích thu hút các ông lớn trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng đầu tư.
Dự án Venezia Beach Village được triển khai trong quý IV-2020.
Dự án Venezia Beach Village được triển khai trong quý IV-2020.
Cuộc đổ bộ các dự án tỷ USD
Bình Thuận vốn có nhiều thế mạnh phát triển du lịch và các loại hình BĐS biển. Năm 2014, Mũi Né - Phan Thiết được bình chọn đứng thứ 2 trong top những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á (theo trang Canadian Traveller), top 10 bãi biển ấn tượng của châu Á - Thái Bình Dương (theo Skyscanner) và 1 trong 6 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam (tạp chí du lịch Rough Guides).
Theo nhận định của các chuyên gia, công suất cho thuê phòng của các khách sạn 4-5 sao tại khu vực Phan Thiết đạt gần 65%, tương đương với Hạ Long, Phú Quốc và cao hơn so với Nha Trang, Đà Nẵng do chưa chịu nhiều áp lực về nguồn cung.
Cụ thể, các thị trường du lịch số phòng khách sạn 4-5 sao dao động trong khoảng 4.380-9.204 căn, trong khi toàn tỉnh Bình Thuận mới có khoảng 3.000 căn, với đa phần tập trung tại khu vực Mũi Né, Phan Thiết.
Những điều này giúp Bình Thuận đang trở thành điểm sáng trong việc thu hút các doanh nghiệp BĐS đến đầu tư. Thời gian gần đây, Bình Thuận đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều nhà đầu tư tên tuổi đến từ TPHCM, Hà Nội và không chỉ ở Mũi Né, phạm vi đầu tư còn lan rộng ở nhiều khu vực khác của địa phương này. Một điểm nhấn mới là khu vực lân cận Hồ Tràm, cụ thể là tại Hàm Tân, Bình Thuận.
Có thể kể tên hàng loạt dự án như: Tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng và thể thao biển Thanh Long Bay quy mô 120ha của Tập đoàn Nam Group, NovaWorld của Nova Land, Mũi Né Summerland Resort có quy mô 31,5ha của Hưng Lộc Phát. Góp mặt vào thị trường Bình Thuận, mới đây chủ đầu tư Danh Việt đã bắt tay với Hưng Vượng Developer phát triển dự án  Venezia Beach Village.
Venezia Beach Village có quy mô 73ha, gồm khu khách sạn 5 sao, 789 biệt thự, khu căn hộ khách sạn, khu tổ chức sự kiện và hội thảo quốc tế, câu lạc bộ thuỷ thủ, nhà thuyền, trạm bảo hành du thuyền, cây xanh, cảnh quan, hồ sinh thái. 
Ông Nguyễn Lê Trí, Giám đốc dự án Venezia Beach Village , chia sẻ: “Chủ đầu tư Danh Việt và nhà phát triển Hưng Vượng Developer muốn mang đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng một dự án cao cấp, có khả năng sinh lời cao. Do vậy, chúng tôi đang đi đến những bước cuối cùng trong việc đàm phán với một nhà quản lý khách sạn 5 sao hàng đầu thế giới để thực hiện quản lý và vận hành cho Venezia Beach Village. Dự kiến dự án sẽ triển khai ngay trong quý IV-2020 và hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều hoạt động sôi động tại khu vực này”.
Venezia Beach Village tọa lạc tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Đây là một vị trí vô cùng đắc địa, chỉ cách trung tâm TPHCM 130km, cách sân bay quốc tế Long Thành 80km, cách khu du lịch Hồ Tràm 30km và cách khu du lịch suối nước nóng Bình Châu 3km. 
Bình Thuận đẩy mạnh đầu tư hạ tầng
Theo công bố chính thức của UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10.272,9 tỷ đồng và giai đoạn đến năm 2030 khoảng 332,5 tỷ đồng. Với quy mô được nâng lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng cỡ lớn. Đối với hạng mục hàng không dân dụng, tỉnh đang triển khai các thủ tục đầu tư theo hình thức BOT theo chủ trương của Chính phủ.
Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút. Còn đối với du khách các tỉnh thành phía Bắc như Hà Hội, Hải Phòng đến “thủ đô resort” cũng chỉ mất không quá 1,5 giờ bay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, sự kiện thông xe cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây được xem là nguyên nhân đưa nền kinh tế Bình Thuận, mà đặc biệt là BĐS khởi sắc. Năm 2019, Bình Thuận chính thức trở thành tâm điểm của thị trường BĐS biển, trong đó Phan Thiết, Mũi Né hay Lagi là những địa danh “hưởng trọn” nguồn lợi từ sự bứt phá hạ tầng này. Chưa kể, tuyến QL1A qua địa bàn tỉnh với chiều dài hơn 180km đã được nâng cấp, tạo nên “trục xương sống” đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ địa phương.
Ngoài ra, có 3 tuyến đường tỉnh Bình Thuận đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư để phát triển trọng điểm và cấp bách. Đó là đường ĐT719B Phan Thiết-Kê Gà, thiết kế dài 25,4km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đường ĐT719 Kê Gà-Tân Thiện, thiết kế dài 32,4km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Đường ĐT711 có điểm đầu giao Quốc lộ 28 (huyện Hàm Thuận Bắc) cắt ngang Quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT706B, dài 41km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Thuận cho hay, 2 dự án cao tốc Nha Trang-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã giải phóng mặt bằng được gần 50%. Trong năm nay, tỉnh sẽ gấp rút đền bù để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, dự kiến trong quý IV-2020 sẽ khởi công dự án.
2 tuyến cao tốc này nằm trong dự án đầu tư xây dựng cao tốc trên tuyến Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư là 39.660 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài 160km, gồm 3 dự án thành phần là đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài 12km, Vĩnh Hảo-Phan Thiết dài 100,8km, Phan Thiết-Dầu Giây dài 47,5km. Toàn tuyến dự án đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân với tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 1.179,45ha.

Các tin khác