Đừng đi ngược quy luật kinh tế thị trường

(ĐTTCO) - Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo áp khung giá sàn cho dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế Quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19-12-2014. Theo đó, bên cạnh quy định sẵn có về khung giá trần, Cục Hàng không đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa và đã tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến các hãng hàng không về vấn đề này.

(ĐTTCO) - Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo áp khung giá sàn cho dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế Quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19-12-2014. Theo đó, bên cạnh quy định sẵn có về khung giá trần, Cục Hàng không đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa và đã tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến các hãng hàng không về vấn đề này.

Triệt tiêu cạnh tranh 

Hiệu quả hay không là do năng lực kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp, Nhà nước không thể dùng biện pháp chính sách để hỗ trợ cho sự khiếm khuyết năng lực kinh doanh của hãng máy bay này nhưng lại hạn chế khả năng kinh doanh của hãng máy bay khác.

Thông tin này gây phản ứng trong dư luận, bởi một điều đơn giản, dự thảo này đi ngược lại với quy luật của kinh tế thị trường. Người dân đang mong được đi máy bay giá rẻ, giúp tiết kiệm chi phí đi lại và góp phần kích thích ngành du lịch.

Tuy nhiên việc áp giá sàn vé máy bay sẽ ngăn chặn việc hạ giá vé tốt nhất mà hãng máy bay có thể mang lại cho hành khách; triệt tiêu cạnh tranh trong ngành hàng không và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng cho rằng khung giá vé máy bay nên xây dựng bắt đầu từ khuyến mại 0 đồng cho tới mức tốt đa, trong khi một số hãng hàng không lại bắt tay nhau tùy tiện đưa cao lên.

 Chính sách này nhận được sự ủng hộ của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific, trong khi Vietjet thì phản đối. Rõ ràng, chỉ 5 năm tham gia thị trường, hãng hàng không giá rẻ Vietjet với nhiều chính sách ưu đãi về giá vé đã mang lại cơ hội bay cho rất nhiều hành khách với chi phí tối ưu. Thị phần của Vietjet cũng tăng mạnh lên 41%, trong khi thị phần của Vietnam Airlines lùi dần về 42%.

"Khoảng cách mong manh" này rất dễ để Vietjet có thể vượt qua Vietnam Airlines trong cuộc cạnh tranh thị phần trong nước. Cho nên, cách hay nhất để ngăn chặn khả năng cạnh tranh bằng giá vé rẻ của Vietjet là ủng hộ chính sách áp giá sàn.

Còn Jetstar cho rằng sự phát triển nóng của ngành hàng không gây sức ép lên cơ sở hạ tầng nhà ga và giao thông khu vực quanh các sân bay. Bên cạnh đó, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không buộc phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để hút khách. Điều này được cho làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển bền vững của ngành hàng không. Jetstar còn cho rằng giá vé máy bay thấp hơn giá vé đường sắt, đường bộ có thể tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác.

Tuy nhiên, hiệu quả hay không là do năng lực kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp, Nhà nước không thể dùng biện pháp chính sách để hỗ trợ cho sự khiếm khuyết năng lực kinh doanh của hãng máy bay này nhưng lại hạn chế khả năng kinh doanh của hãng máy bay khác. Ngoài ra, nếu áp dụng giá sàn coi như triệt tiêu cơ hội được sử dụng máy bay của người nghèo và người thu nhập thấp, cũng như không thể bắt hàng không phải lùi bước trước đường sắt bởi thời gian di chuyển bằng đường sắt rất bất tiện.

Không phù hợp luật cạnh tranh

Tại sao Vietjet bán vé giá rẻ nhưng tỷ suất lợi nhuận của họ vẫn cao hơn Vietnam Airlines? Vốn chỉ bằng 1/4 nhưng năm 2016 Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế 2.496 tỷ đồng, trong khi Vietnam Airlines chỉ đạt 2.103 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Vietjet đạt 50-100%  cho thấy hiệu quả kinh doanh của họ tốt hơn nhiều so với ông lớn ngành hàng không.

Bên cạnh đó, nếu áp giá sàn thì giá nào sẽ là giá chuẩn khi các hãng hàng không có những tiêu chí xây dựng khác nhau. Hãng nào quản trị tốt, mua sắm máy bay và các thiết bị khác giá rẻ, ứng dụng công nghệ hiện đại… cơ cấu giá vé sẽ khác. Hãng hàng không nào quản trị yếu kém và không tiết kiệm được chi phí, qua đó không giảm giá thành cho người dân thì không thể chống lưng cho các doanh nghiệp đó.

Áp khung giá sàn cho dịch vụ vận chuyển hàng không là không phù hợp với Luật Cạnh tranh. Vì thế không thể bắt hãng máy bay này có khả năng giảm giá vé để thu hút hành khách phải giữ giá cao như hãng máy bay khác. Áp dụng khung giá sàn sẽ gây thiệt hại chung cho xã hội, người dân phải đi máy bay giá cao hơn thay vì có thể rất rẻ hơn nếu như không có sàn.

Xét về góc nhìn quốc tế, đưa ra chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp nhà nước vì không cạnh tranh lại với doanh nghiệp tư nhân sẽ không thể thuyết phục được ai rằng Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường.

Bởi lẽ, để được công nhận là nền kinh tế thị trường, các quốc gia phải đạt 5 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí quan trọng: Thứ nhất, đảm bảo cho nhà đầu tư thấy được tính minh bạch, công khai trong môi trường đầu tư. Thứ hai, không phân biệt đối xử giữa các khu vực doanh nghiệp. Chỉ xét ở 2 tiêu chí này, cũng cho thấy việc quy định khung giá sàn quá cũ kỹ và xa lạ với tư duy kinh tế thị trường và nếu áp dụng, thiệt hại sẽ nghiêng về phía người tiêu dùng và nền kinh tế.

Các tin khác