Xây dựng quy chuẩn nhãn hàng hóa Việt

(ĐTTCO)- Xây dựng quy chuẩn nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đang là yêu cầu cấp bách nhằm tránh trường hợp gian lận thương mại, gây tổn hại cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc xây dựng quy chuẩn này cần phải “trúng” và “đúng”, bởi nếu không sẽ thành rào cản cho hoạt động đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Chậm trễ

Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Liên minh châu Âu (EU) mới đây, được xem là cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia nhập sâu rộng hơn chuỗi giá trị toàn cầu, cải cách thể chế và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Việc xây dựng bộ tiêu chí để xác lập “hàng Việt Nam” đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng. Nếu không sẽ tạo hiệu ứng ngược, làm giảm động lực cho doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu.

Song, EVFTA cũng đặt Việt Nam trước những thách thức lớn, trong đó có cải cách và hoàn thiện các chính sách phù hợp. Cùng với bảo hộ đầu tư, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ hàng hóa được xem là yếu tố quan trọng của EVFTA quyết định “ai thắng, ai thua” trong cuộc cạnh tranh về thế mạnh hàng hóa xuất khẩu.

Quy tắc xuất xứ hàng hóa cũng là trọng tâm của các FTA thế hệ mới, là yếu tố quyết định để xác định chính sách về thuế quan, rằng sản phẩm đó có đủ điều kiện để hưởng các ưu đãi về thuế quan hay không. Ở góc độ khác, việc đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa đem lại sự cạnh tranh công bằng cho các bên tham gia sân chơi mậu dịch tự do, là công cụ hữu hiệu gián tiếp để các quốc gia bảo hộ cho sản phẩm của mình.

Trong khi nhiều nước đã đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất trong nước và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm, Việt Nam lại tỏ ra khá chậm chạp. Thực tế, khi Việt Nam gia nhập WTO (2007), vấn đề xây dựng và xác lập bộ quy chuẩn về nhãn mác hàng Việt Nam đã từng được nhắc đến, song đã bị bỏ lửng và rơi vào quên lãng.

Tiêu chí hàng hóa Việt Nam nên được xây dựng theo hướng áp dụng phổ quát cho tất cả, hoặc hướng đến những lĩnh vực cụ thể, sản phẩm thế mạnh, mũi nhọn xuất khẩu.

Sau 12 năm tham gia sân chơi lớn nhất thế giới WTO, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào để điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Trong khi các quy định hiện hành chỉ có phạm vi điều chỉnh, chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. 

Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, nên khái niệm “hàng hóa Việt Nam” (made in Vietnam) có thể được hiểu theo nhiều nghĩa, như hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam, hay hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Hệ quả, nhiều doanh nghiệp dựa vào quy định để lách, thay vì trực tiếp sản xuất chỉ nhập phụ kiện để gia công, tối giản chi phí rồi đưa ra thị trường và vẫn được xem là “hàng Việt Nam”. 

Xây dựng quy chuẩn nhãn hàng hóa Việt ảnh 1Hiện nay khái niệm hàng hóa gắn nhãn “made in Vietnam” vẫn chưa có quy định rõ ràng.

Bộ Công Thương đã xây dựng và trình dự thảo lần 1 về bộ tiêu chí quy định thế nào là “sản xuất tại Việt Nam” áp dụng cho hàng hóa lưu thông thị trường nội địa. Đây sẽ là hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Theo đó, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí, phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Sau hàng chục năm, vấn đề “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” mới được xem xét một cách nghiêm túc, nhưng dù chậm còn hơn không.


Thận trọng

Việc xây dựng bộ tiêu chí làm quy chuẩn cho hàng Việt đòi hỏi cần sự thận trọng. Bởi nếu làm trong tư thế bị động và thiếu cân nhắc, bộ tiêu chí sẽ thành rào cản gây khó khăn cho chính các doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu, hạn chế doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam.

Quan điểm phổ biến nhất hiện nay là cơ quan chức năng nên xây dựng bộ tiêu chí hàng Việt Nam dựa trên sự phân loại thành từng nhóm. Cụ thể, hàng hóa được xác định theo nguyên tắc phân chia thành “xuất xứ thuần túy” và “xuất xứ không thuần túy”.

Theo quy định hiện nay, khái niệm cơ bản trong xuất xứ hàng hóa được giải thích “là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa, hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa, trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”. Do đó, cần có tiêu chí để xác định 2 nhóm này. 

Thí dụ, chiếc smartphone Samsung có thể được ghi nhãn “made in Vietnam”, nhưng rõ ràng nó là sản phẩm của Hàn Quốc được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Nhưng một sản phẩm “made in Vietnam” do người Việt nghiên cứu phát triển, hoặc mang xuất xứ thuần túy tại Việt Nam (như vải thiều Lục Ngạn, xoài Sơn La), chắc chắn sản phẩm này là của Việt Nam. Hiện nay, sự nhập nhằng về khái niệm trong quy định “made in Vietnam” đang gây nên sự hiểu lầm (dù cố tình hay vô ý), nên hàng hóa được gắn dòng chữ “made in Vietnam” chưa chắc nguyên liệu làm nên hàng hóa đó có xuất xứ 100% từ Việt Nam. 

Thí dụ nữa, dù hiện nay có khoảng 50% nguyên liệu vải sợi được nhập từ Trung Quốc nhưng sản phẩm được hoàn thiện tại Việt Nam nên vẫn đáp ứng tiêu chí “made in Vietnam” (theo quy định hiện hành). Song nguy cơ không nhận được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang EU hoặc bị trừng phạt khi vào thị trường Mỹ rất cao, bởi không đáp ứng được tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. 

Các tin khác