Xã hội hóa an ninh hàng không?

(ĐTTCO)-Thông cảm cho những hạn chế về hạ tầng nhưng điều khiến người dân bức xúc nhất mỗi khi xảy ra ùn tắc chính là thái độ đủng đỉnh, việc sắp xếp mở làn soi chiếu bất hợp lý tại các cảng hàng không.
Ùn ứ lối vào ô tô tại nhà ga Nội Bài trưa 17.4
Ùn ứ lối vào ô tô tại nhà ga Nội Bài trưa 17.4
Có không ít người thường xuyên di chuyển bằng máy bay phản ánh nhiều thời điểm khách đông, chờ xếp hàng dài nhưng số lượng cửa an ninh soi chiếu cũng rất hạn chế. Hành khách không hiểu vì sao các cửa soi chiếu an ninh không thường xuyên mở hết, hay có số lượng cửa chỉ mang nhiệm vụ “chữa lửa”, giải tỏa trong những tình huống ùn tắc nghiêm trọng như trường hợp diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 15.4 vừa qua.
Đem những thắc mắc này gửi Tổng công ty Cảng hàng không VN, chúng tôi nhận được giải đáp: Trên cơ sở lịch bay, kế hoạch khai thác của các hãng, bao gồm cả thông tin các loại tàu bay thân rộng hay nhỏ, số lượng máy bay bao nhiêu, sản lượng hành khách thế nào... phía phục vụ mặt đất sẽ chủ động bố trí lực lượng an ninh, phương tiện soi chiếu, xác định thời điểm nào là cao điểm để mở hết các quầy soi chiếu. Thời điểm thấp điểm như buổi tối, sản lượng khách ít thì không nhất thiết phải mở hết các quầy soi chiếu an ninh.
Theo một cán bộ hàng không, bản chất câu chuyện an ninh soi chiếu là hiện nay ACV vừa làm khai thác vừa cung cấp dịch vụ an ninh, soi chiếu. Chỉ một đơn vị làm tất cả thì sẽ rất phụ thuộc, chưa kể việc độc quyền sẽ khiến chất lượng dịch vụ đi xuống. Do đó, dịch vụ an ninh, soi chiếu cần được xã hội hóa, tách hẳn khỏi ACV thì mới có thể cải thiện.
Cách đây 4 - 5 năm, ý tưởng thành lập Công ty an ninh hàng không độc lập, không thuộc quản lý của ACV đã được nêu ra, song không được chấp thuận nên chưa thể thực hiện. Cuối tháng 12.2017, ACV đã trình đề án thành lập Công ty TNHH MTV An ninh hàng không do ACV làm chủ sở hữu 100% vốn, nhưng tới nay vẫn chưa ra đời. Với các sân bay do ACV khai thác và quản lý, doanh nghiệp này đang cung cấp luôn dịch vụ an ninh, soi chiếu. Riêng sân bay Vân Đồn đang thuê lại nhân lực an ninh từ Cảng HKQT Nội Bài trực thuộc ACV (khoảng 45 - 50 người tùy từng vị trí). Theo đại diện Cảng HKQT Vân Đồn, an ninh soi chiếu là dịch vụ hoàn toàn có thể xã hội hóa, nhà khai thác cảng có thể thuê dịch vụ và trả tiền bình thường.
Trong khi đó, các hãng hàng không đều cho rằng, ngoài ách tắc về hạ tầng nhà ga, soi chiếu an ninh, một điểm ách tắc khác cần tính tới là năng lực điều phối cất hạ cánh. Đặc biệt, việc sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất giai đoạn 2 dự kiến thực hiện ngay trong cao điểm hè có nguy cơ tạo nút thắt rất lớn về việc tắc sân đỗ, tắc cả trên trời.
Trước đó, theo kế hoạch, giai đoạn từ 15.3 đến 31.5 tham số điều phối tại Nội Bài là 24 chuyến/giờ, tại Tân Sơn Nhất là 28 chuyến/giờ. Từ 1.6 đến 5.9 sẽ được công bố sau khi Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch thi công điều chỉnh các hạng mục còn lại của dự án sửa chữa. Dù Cục Hàng không đã yêu cầu các ban quản lý dự án và nhà thầu bảo đảm thi công sao cho không dừng khai thác đường cất hạ cánh tại 2 sân bay trong giai đoạn cao điểm hè (tháng 6, 7, 8), song theo các hãng hàng không, cao điểm hè năm nay sẽ đến sớm, dự kiến ngay từ đầu tháng 5.
“Năng lực điều phối cất hạ cánh tại các sân bay trong khu vực như Thái Lan, Singapore đều trung bình 65 chuyến/giờ, cả 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất năng lực điều phối đều đã thấp hơn nhiều so với trung bình khu vực. Nếu sửa chữa đường cất hạ cánh đúng vào cao điểm hè thì các hãng rất khổ, vì máy bay lại phải xếp hàng chờ bay, máy bay trên trời thì bay vòng chờ mới hạ cánh được. Nên xem xét lùi thời gian sửa chữa sau mùa cao điểm du lịch, nên từ tháng 9 trở đi để hỗ trợ các hãng”, đại diện một hãng hàng không chia sẻ.

Các tin khác