Vùng sâu Vĩnh Thuận… đổi đời

(ĐTTCO) - Vĩnh Thuận là một trong 4 huyện nông thôn sâu thuộc vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), đời sống người dân khó khăn do điều kiện đi lại cách trở, hạn mặn thường xuyên làm ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cộng với đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông, trường lớp, xây dựng nông thôn mới… Vĩnh Thuận đã thay đổi nhanh chóng. 

Cải thiện đời sống người dân 

Mấy năm nay, nông dân các xã Vĩnh Bình Bắc, Bình Minh, Vĩnh Phong… tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp khá hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Chức, ngụ xã Bình Minh, bộc bạch: “Khi người dân còn bám vào cây lúa, do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, việc sản xuất đạt hiệu quả không cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình mới, nông dân xã Bình Minh đẩy mạnh trồng rau màu và dưa lê. Nông dân đã học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và nhờ kỹ sư ngành nông nghiệp tư vấn thời vụ. Nhờ vậy, bình quân canh tác 1 vụ dưa lê chỉ khoảng 50 ngày là hái trái và thời gian thu hoạch kéo dài hơn 1 tháng, năng suất đạt 3-4 tấn/công, giá bán 11.000 đồng/kg, trừ chi phí nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/công, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Năm 2018, gia đình tôi trồng 15 công dưa lê theo mô hình luân canh với lúa, thu lãi hơn 300 triệu đồng”.

Ông Ngô Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết chuyển dịch sản xuất hợp lý nên bà con đã tăng thu nhập đáng kể, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,37%. Trong khi đó, ở xã Vĩnh Phong đời sống người dân không ngừng cải thiện, đường giao thông được bê tông hóa đảm bảo 4 bánh lưu thông. Các ấp trong xã nhiều nhà tường mọc lên khang trang, thể hiện cuộc sống sung túc của người dân.

Ông Nguyễn Văn Dậu, ngụ xã Vĩnh Phong khoe: “Hồi trước ở đây khó khăn vô cùng, nhưng từ khi chuyển dịch cơ cấu đúng hướng với con tôm, đã mang lại sự đổi đời cho người dân vùng sâu này”. 

Ông Mai Hoàng Khởi (đứng giữa), Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận, trao bằng khen cho cán bộ xã Vĩnh Phong về thành tích xây dựng Nông thôn mới… 
 

Thực tế, điều kiện sản xuất ở Vĩnh Phong rất khó bởi đất đai bị nhiễm phèn mặn và hoang hóa, hàng năm cứ đến mùa khô, nước mặn xâm nhập sâu nên trồng lúa, trồng rau màu hoặc nuôi thủy sản dễ gặp rủi ro. Để giúp người dân thoát nghèo, những năm 2008-2010 Vĩnh Phong chủ trương giảm lúa xuống còn 1 vụ/năm, chuyển sang nuôi tôm. Xã đề xuất với huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí nạo vét thủy lợi, đào kênh mương xả phèn, chủ động nguồn nước phục vụ nuôi tôm; mời kỹ sư nông nghiệp đến tập huấn kỹ thuật nuôi tôm cho nông dân; liên hệ các trại sản xuất giống cung ứng giống tôm chất lượng…

Hàng năm, đến tháng 9 nông dân gieo sạ vụ lúa mùa, tháng 12 thu hoạch lúa xong đưa nước mặn vào để nuôi tôm. Sau khi nuôi tôm sú đạt hiệu quả, nông dân tiếp tục thử nghiệm nuôi thêm tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là tôm càng xanh đều cho hiệu quả. 

Tại xã Vĩnh Bình Bắc đã xuất hiện nhiều hộ vươn lên nhờ con tôm. Ông Lê Minh Liệt, ngụ ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, tiết lộ: “Gia đình tôi có khoảng 7ha đất nuôi tôm kết hợp trồng lúa và trồng sen, nhờ luân canh hợp lý nên bình quân mỗi năm thu 600-700 triệu đồng”. Ấp Đồng Tranh có 310 hộ khoảng 70% số hộ khá giàu. Theo UBND xã Vĩnh Bình Bắc, nhờ thực hiện quy hoạch đất đai hợp lý để phát triển mô hình nuôi tôm thẻ kết hợp với tôm càng xanh và trồng lúa, bình quân mỗi ha thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng trở lên, cao hơn trước rất nhiều…

Hướng tới huyện nông thôn mới

Ông Sử Văn Thinh, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Thuận, cho biết năm 2018 huyện thả nuôi 26.085ha tôm các loại, đạt 101% kế hoạch, tăng 2.205ha so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 14.110 tấn. Giá tôm thay đổi theo từng thời điểm và từng loại, nhưng nhìn chung nghề nuôi tôm vẫn phát triển và là thế mạnh của huyện. Qua đó, giúp lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đạt 3.707 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch... Nâng thu nhập bình quân đầu người hơn 40,6 triệu đồng/người/năm. 

Có thể nói, khi đời sống người dân được cải thiện việc xây dựng nông thôn mới sẽ thuận lợi. Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, cho biết: “Để làm tốt nông thôn mới, huyện quán triệt chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Kiên Giang, từ đó có các nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, huy động tổng lực các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc.

Từ năm 2016 đến nay, huyện đẩy mạnh đầu tư giao thông, kết nối mạng lưới giao thông liên vùng và với trung tâm xã; đầu tư làm mới, nâng cấp 67 công trình cầu và đường giao thông nông thôn với tổng số vốn 162 tỷ đồng. Đến nay 100% tuyến đường từ huyện về trung tâm xã được nhựa hóa, 100% tuyến đường từ xã về ấp được bê tông hóa. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng đồng bộ, công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng các cống, kiểm soát xâm nhập mặn, điều tiết nước phục vụ sản xuất.

Giai đoạn 2016-2018, đã đầu tư nạo vét 66 công trình kênh thủy lợi nội đồng, chiều dài 193km, xây mới 38 cống điều tiết nước, 1 trạm bơm; tổng vốn đầu tư 119 tỷ đồng. Ngoài ra, từ 2016 đến nay Vĩnh Thuận đã đầu tư xây mới 92 phòng học, với số tiền 48 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 22/36 trường đạt chuẩn quốc gia. 

Trong 3 năm (2016-2018), tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới ở huyện Vĩnh Thuận hơn 348 tỷ đồng. Toàn huyện không có nợ đọng về xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, huyện Vĩnh Thuận có 4/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. “Mục tiêu của huyện giai đoạn 2018-2020, sẽ xây dựng 7/7 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; và huyện Vĩnh Thuận trở thành huyện nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, văn minh, giàu đẹp...” - ông Huỳnh Thanh Bình nhấn mạnh.

Các tin khác