Vừa lo dịch vừa ngừa phòng vệ thương mại

(ĐTTCO)-Nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN ngành dệt may, da giày trong nước hiện có đơn hàng khá nhưng vẫn rất lo lắng dịch Covid-19 bùng phát hoặc lan đến đơn vị mình. Càng lo hơn là tình trạng nhiều nước tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng Việt.
Nhiều DN ngành dệt may có đơn hàng khá. Trong ảnh: Khâu sản xuất của Công ty thời trang PALTAL (quận 12, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhiều DN ngành dệt may có đơn hàng khá. Trong ảnh: Khâu sản xuất của Công ty thời trang PALTAL (quận 12, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đơn hàng vẫn đều

Theo Bộ Công thương, thống kê gần đây nhất cho thấy, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Hiện Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam, khi chiếm gần 50% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản, châu Âu, Á Âu và Trung Quốc.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, khẳng định, hiện đơn hàng của DN đã đủ để sản xuất hết quý 3-2021. Lượng đơn hàng vẫn đang được đối tác chuyển về, nhưng đơn vị đang phải thận trọng khi tiếp nhận. Chia sẻ niềm vui đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết thêm, với đơn hàng đã ký thì DN đến cuối năm không còn phải lo. 

Tương tự, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, cho biết, đơn hàng của các DN da giày cũng rất dồi dào, nhất là tại khu vực thị trường châu Âu. Tính từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) thông qua vào tháng 8-2020, đơn hàng xuất khẩu của ngành tăng mạnh. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến tháng 5-2021, kim ngạch xuất khẩu giày dép Việt Nam đạt 8,5 tỷ USD, tăng 26,4%, riêng tại thị trường châu Âu mức tăng đã đạt trên 20%. 

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đang khiến nhiều DN lo lắng. Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, trung bình các DN dệt may da giày có lượng công nhân khoảng 1.000 người. Những DN có quy mô lớn có thể lên đến trên 10.000 công nhân. Do vậy, nguy cơ DN bị “chết đột ngột” một thời gian nhất định do có công nhân mắc Covid-19 là rất lớn. Trong khi đó, nếu thời gian giao hàng bị trễ, DN vừa mất phí vận chuyển vừa có nguy cơ bị bồi thường hợp đồng. 

Ngoài ra, theo giới phân tích, việc đặt đơn hàng dệt may, da giày của các nước trên thế giới có nhiều thay đổi so với trước đây. Để giảm thiểu rủi ro, đối tác nhập khẩu hàng dệt may tại các thị trường xuất khẩu thường đặt những đơn hàng khối lượng lớn nhưng thời gian giao hàng rất ngắn. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, chỉ những DN lớn mới đáp ứng được xu hướng này. Điều này lý giải tại sao các DN dệt may lớn thừa đơn hàng, trong khi các DN sản xuất có quy mô vừa và nhỏ lại khan hiếm đơn hàng. 

Ông Phạm Văn Việt cho rằng dù đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân tại nhiều khu công nghiệp, nhưng còn nhiều DN chưa có cơ hội tiêm vaccine cho công nhân của mình; do đó ông đề nghị Bộ Y tế sớm hỗ trợ tiêm vaccine cho công nhân, hoặc tạo điều kiện cho DN mua và tiêm vaccine cho công nhân. Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM nên cung ứng bộ test nhanh Covid-19 để phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trong DN.

Chủ động ứng phó phòng vệ thương mại

Theo giới phân tích, ngành sản xuất dệt may, da giày đã có sự phục hồi nhanh chóng sau khi thị trường tiêu thụ trên thế giới bị đứt gãy vào năm 2020. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các DN trong nước. 

Tuy nhiên, cùng với những cơ hội trên, các DN đang rất quan ngại trước những biện pháp phòng vệ thương mại mà nhiều thị trường trên thế giới đang và sẽ áp dụng đối với hàng dệt may, da giày xuất khẩu của Việt Nam. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, gần đây nhất, vào đầu tháng 6-2021, Chính phủ Hoa Kỳ đã áp thuế phòng vệ thương mại lên sợi dún polyester của Việt Nam. Trong vụ việc này, các DN Việt Nam được xác định biên độ phá giá ở mức từ 2,67% đến 22,82%.

Còn với ngành da giày, tuy chưa bị điều tra phòng vệ thương mại nhưng nhiều DN tỏ ra lo lắng khi nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước đang bị hụt hơi. Cũng theo ông Nguyễn Đức Thuấn, để có thể tận dụng lợi thế thuế quan từ hiệp định thương mại tự do thì phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa. Với nguồn nguyên liệu cung ứng không tỷ lệ thuận với lượng hàng xuất khẩu, DN buộc phải tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu từ nhiều thị trường khác, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi thế cạnh tranh hàng Việt tại thị trường xuất khẩu. 

Chưa hết, bắt đầu tháng 10-2021, thị trường Á Âu sẽ chính thức đưa Việt Nam ra khỏi các quốc gia nhận ưu đãi thuế quan phổ cập. Điều này cũng đồng nghĩa hàng dệt may, da giày Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này sẽ phải chịu thuế thông thường thay cho mức thuế 0% trước đó. Ngoài ra, nhiều nhóm hàng khác của dệt may đã bị nhiều nước Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu…  áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiện Bộ Công thương cùng DN trong nước đã phản ứng nhanh khi có các vụ kiện phòng vệ thương mại. Các DN đã chủ động nâng cao năng lực bộ phận tư pháp để ứng phó ngay khi có yêu cầu. Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều DN kiến nghị Chính phủ không áp dụng điều chỉnh mức lương tăng tối thiểu vùng dự kiến bắt đầu từ ngày 1-7-2021 để tạo điều kiện hỗ trợ, tiếp sức cho DN duy trì ổn định sản xuất, vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Các tin khác