Vốn không chỉ là tiền

PHÓNG VIÊN: - Tháng 5 tới, TPHCM sẽ ra mắt quỹ đầu tư khởi nghiệp với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, đến năm 2020 sẽ tăng lên 100 tỷ đồng. Đây có được xem là một thông tin đáng mừng với những bạn trẻ khi quyết định khởi nghiệp hay không, thưa anh?

(ĐTTCO) - Việc TPHCM ra mắt quỹ đầu tư khởi nghiệp đang được kỳ vọng sẽ thêm những động lực giúp các bạn trẻ vững tin hơn khi chọn con đường khởi nghiệp. Xung quanh câu chuyện này, ĐTTC có cuộc trao đổi với anh TẠ MINH TUẤN (ảnh), người sáng lập YUP Insitute, học viện tiên phong về đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.

PHÓNG VIÊN: - Tháng 5 tới, TPHCM sẽ ra mắt quỹ đầu tư khởi nghiệp với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, đến năm 2020 sẽ tăng lên 100 tỷ đồng. Đây có được xem là một thông tin đáng mừng với những bạn trẻ khi quyết định khởi nghiệp hay không, thưa anh? 

Anh Tạ Minh Tuấn: - Cơ thể con người cần máu. Với DN, tiền chính là máu. Đặc biệt, DN khởi sự (startup) càng cần nguồn vốn đầu tư ban đầu vì có thể sản phẩm chưa hình thành, chưa thể tung ra ngoài thị trường, vì vậy chưa có khách hàng để tạo ra dòng tiền quay về chi trả cho các chi phí của mình. Đôi khi có sản phẩm rồi là một chuyện, việc thử nghiệm sản phẩm đó để điều chỉnh nhằm đạt tới sự tương thích với nhu cầu của thị trường (market/product fit) lại càng "thương đau" và tốn kém nhiều hơn. Với nhiều startup, khi tung sản phẩm ra ngoài thị trường mới là lúc "cuộc chiến" thật sự bắt đầu. Nên startup bên cạnh việc nâng cao năng lực sử dụng tiền của mình thì cũng cần thêm tiền, được đồng nào hay đồng ấy, cần thêm nguồn đầu tư, có thêm nguồn càng tốt. Nay TPHCM đã quan tâm, có nguồn quỹ riêng, đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên TPHCM không nên tự mình đầu tư, hãy để việc này cho những người thật sự hiểu về câu chuyện đầu tư mạo hiểm. Theo tôi, chỉ cần Nhà nước làm sao cho trước đây nếu mọi chi phí liên quan đến thủ tục, giấy tờ, hành chính... là 2 đồng thì bây giờ còn 1 đồng. Như vậy là quý lắm rồi. Đó cũng là cách để Nhà nước "đầu tư" vào startup.

 - Khá nhiều người trẻ khi khởi nghiệp muốn gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài hơn là từ những tổ chức, DN trong nước. Theo anh lý do vì sao?

- Tôi nghĩ câu chuyện không hẳn như vậy. Đúng ra là khá nhiều người trẻ bây giờ thích mở pháp nhân công ty ở nước ngoài để dễ nhận đầu tư từ các quỹ ngoài nước hơn, vì thủ tục cho quỹ ngoài nước đầu tư cho công ty trong nước... phức tạp quá. Khởi nghiệp càng lúc càng được quan tâm, với một số công ty công nghệ đó còn là cuộc chơi toàn cầu. Nếu tìm được quỹ trong nước phù hợp, ngoài đầu tư tiền bạc còn có những hỗ trợ đặc biệt được sẽ càng tốt. Nếu không, startup cũng sẵn sàng tìm cách liên hệ với các quỹ nước ngoài. Có công ty chào mời 30 quỹ vẫn chưa ai chịu đầu tư. Một số quỹ trong nước có thể trong lúc đó đã giải ngân hết tiền và chưa nhận đợt vốn tiếp theo, nên tạm dừng đầu tư tại Việt Nam. Một số quỹ còn tiền, nhưng không phù hợp với startup đó. Nên startup phải tìm thêm sự chọn lựa cho mình, dù trong hay ngoài nước. Câu chuyện gọi vốn đôi khi cũng giống dựng vợ gã chồng, phải làm quen, tìm hiểu nhiều đối tượng, rồi mới chọn được cho mình người "tâm đầu ý hợp".

- Khởi nghiệp đang là cụm từ được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, rất nhiều ý tưởng được hình thành, nhưng đâu là hạn chế trong quá trình gọi vốn của những bạn trẻ?

- Hạn chế lớn nhất nằm ở... chính bạn trẻ đó. Nhiều người nghĩ chỉ cần ý tưởng hay là gọi được vốn. Họ không hiểu nhà đầu tư không đầu tư cho ý tưởng, họ đầu tư cho con người. Nhiều người khởi nghiệp không chứng minh được vì sao với ý tưởng này mình và đội ngũ có khả năng triển khai nó tốt hơn hẳn các đội nhóm  khác. Lợi thế cạnh tranh khác biệt và bền vững của họ là gì? Đó là lý do vì sao chúng tôi đã thành lập một trung tâm đào tạo phát triển các doanh nhân khởi nghiệp (YUP School of Entrepreneurs). Tinh thần khởi nghiệp là tốt. Khởi nghiệp cũng tốt. Nhưng các nhà khởi nghiệp nên được trang bị những gì tối thiểu trước khi bước vào cuộc chơi.

- Để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, nhiều cuộc thi đã được ra đời nhưng cũng không ít ý tưởng sau khi giành giải thưởng lại không được hiện thực hóa. Theo anh nguyên nhân do đâu?

- Thành công trong cuộc thi không đồng nghĩa với thành công trong cuộc đời. Nhiều bạn trẻ đi thi chỉ để lấy giải, làm màu thêm cho hồ sơ của mình. Tôi đã thấy nhiều cuộc thi, những người hạng 1 thì sau đó bỏ cuộc, còn những người không có giải vẫn kiên định làm tiếp và thành công. Mặt khác, tôi là người không ủng hộ lắm các cuộc thi về khởi nghiệp. Với tôi thì không có khái niệm gọi là "ban giám khảo khởi nghiệp". Vì có những ý tưởng phải làm mới biết là thành công hay thất bại, làm gì có chuyện biết được trên giấy, làm sao biết được ý tưởng đó có làm được hay không khi nó chưa được kiểm chứng trong thực tế. Ngày xưa đến Bill Gates còn từ chối Google, và đó là một trong những sai lầm lớn nhất của ông. Và cũng khó có thể kiểm tra được năng lực của đội sáng lập viên chỉ thông qua vài số liệu trên giấy và vài lần thuyết trình.

Tuy nhiên, nói qua thì cũng phải nói lại. Tôi vẫn hỗ trợ cho một số cuộc thi khởi nghiệp vì tôi cũng muốn góp phần khiến nó hiệu quả hơn. Tác dụng của các cuộc thi cũng giúp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sôi nổi hơn trong xã hội. Với một số bạn trẻ, tham gia các cuộc thi cũng giúp họ tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp tốt hơn sau cuộc thi đó (ghi điểm với nhà đầu tư chẳng hạn) và được "làm thử" dự án của mình trong cuộc thi trước khi "làm thiệt" nó ngoài đời. Được nghe nhiều phản biện giúp gia tăng xác suất thành công cho mình. Quan trọng nhất là phải xác định thành công thực sự chỉ có qua hành động bên ngoài cuộc thi đó.

- Ngoài vốn thì những yếu tố nào sẽ giúp mang lại thành công cho những dự án khởi nghiệp?

- Có nhiều loại vốn, vốn tài chính chỉ là một loại. Còn có các loại vốn tri thức, vốn con người, vốn mối quan hệ, vốn thương hiệu... Doanh nhân khởi sự nên tập quan tâm đến các loại vốn này, học làm chủ nó, sử dụng nó như một đòn bẩy cho hành trình khởi nghiệp của bản thân mình.

- Xin cảm ơn anh.

Các tin khác