VBF2019: Động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển

(ĐTTCO)-Tại VBF2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh với vai trò quan trọng và là động lực tăng trưởng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, khu vực FDI đã đóng góp 20% GDP của Việt Nam trong năm qua.
VBF2019: Động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 (VBF) đã khép lại với những thông điệp khẳng định vai trò, những đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI đã và đang là đội quân chủ lực của nền kinh tế. Với sự phát triển, bổ sung và hỗ trợ của cả 3 khu vực kinh tế nói trên, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ khởi sắc, tăng trưởng nhanh, bền vững và đạt được nhiều mục tiêu lớn của thiên niên kỷ.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn VBF2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, với vai trò quan trọng và là động lực tăng trưởng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, khu vực FDI đã đóng góp 20% GDP của Việt Nam trong năm qua.

Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã và đang áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững, đồng thời, khu vực này đã bắt tay, phối hợp với các doanh nghiệp trong nước, tạo lập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đem lại giá trị kinh tế lớn đóng góp vào sự phát triển chung tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận hơn 100 tập đoàn lớn, nhỏ của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam đã tích cực tham gia kết nối mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều công đoạn có hàm lượng công nghệ cao đã được thực hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đòi hỏi cần có những hành động cụ thể để tạo nên sự chuyển biến rõ nét.

Ngày nay, trong xu thế mới, nhận thức và tư duy về kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu có sự thay đổi, cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế và của các doanh nghiệp cũng cần thay đổi theo.

Với chủ trương xuyên suốt trong nhiều năm, Chính phủ đã luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, khuyến khích việc áp dụng thành tựu về khoa học công nghệ để giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị cho nền kinh tế. Điều này vừa đảm bảo mục tiêu phát triển không chỉ nhanh mà còn phải bền vững, đồng thời tăng cường phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để bảo đảm an ninh quốc gia.

Bước sang thập kỷ mới, Chính phủ sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái mới, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; trong đó, tiếp tục lấy doanh nghiệp làm trung tâm phát triển; thúc đẩy và khuyến khích đổi mới sáng tạo, không sử dụng thủ tục hành chính vào công việc đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tháo gỡ tất cả những nút thắt liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhờ vào việc giảm tối đa các văn bản pháp luật đã ban hành của Chính phủ và của các bộ, ngành nếu thực sự không phù hợp hoặc gây khó khăn cho doanh nghiệp qua thực tiễn triển khai.

Phó Thủ tướng gửi gắm thông điệp tới các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn và doanh nghiệp FDI cần phải là lực lượng dẫn dắt, tiên phong và là đầu tàu cho sự liên kết, thúc đẩy, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.

Thay vì nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI nên tạo điều kiện hỗ trợ về công nghệ cho các doanh nghiệp Việt. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ là lực lượng định hình nên diện mạo của nền kinh tế, là động lực quan trọng để thực hiện được khát vọng thịnh vượng của quốc gia; trong đó, các doanh nghiệp FDI là một bộ phận không thể thiếu của kinh tế Việt Nam.

Phản ánh thực tiễn và tâm tư nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực và thành phần kinh tế.

Kết quả thể hiện ở sự thăng hạng, tăng điểm của Việt Nam trong các bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, của Ngân hàng Thế giới… ở số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới đã đạt con số kỷ lục, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử khi vượt qua dấu mốc 500 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam năm 2019 cũng lần đầu tiên tăng gấp 4 lần so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng thẳng thắn nhìn nhận môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực.

“Điều đó cho thấy, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kỳ tích phát triển cao hơn, tốc độ tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt mốc 7%-8%/năm. Nếu tình trạng xung đột, chồng chéo pháp luật được tháo gỡ, các dự án lớn được nhanh chóng đi vào thực hiện thì kỳ tích phát triển của năm 2019 còn to lớn hơn nữa,” ông Lộc cho biết.

Nhắc tới những vấn đề chồng chéo, xung đột pháp luật, ông Lộc nêu rõ thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã thu thập, nhận diện, phân tích và làm rõ nhiều điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, đã có 25 điểm xung đột, chồng chéo lớn giữa các đạo luật về đầu tư kinh doanh được báo cáo cụ thể tới Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, cùng những đề xuất, kiến nghị được tháo gỡ và giải phóng ngay cho doanh nghiệp.

Đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, ông Lộc gửi tới Chính phủ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến trình cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Đó là tiếp tục cải thiện các chính sách, cơ chế về khởi sự kinh doanh, về thuế, về giấy phép xây dựng cùng các giấy phép có liên quan; cải cách các quy định về quản lý xây dựng, đất đai và đăng ký bất động sản; cải cách tư pháp nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh; tiếp tục cải thiện hạ tầng và tiếp cận điện năng; tiếp tục cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Các cơ quan Nhà nước cần đảm bảo tính ổn định của chính sách với nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật. Cùng với đó, việc ứng dụng các cổng dịch vụ công, dịch vụ trực tuyến cũng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa …

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để hoàn thiện hơn vai trò Chính phủ kiến tạo, đồng thời nỗ lực nhiều hơn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Về cơ bản, chủ trương sẽ là ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Các đề xuất, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, đặc biệt là từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ tiếp tục được ghi nhận, tổng hợp và phản hồi sớm nhất. Hơn lúc nào hết, song hành với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ tích cực hoàn thiện thể chế, các chính sách pháp luật, cải thiện thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, tạo cơ hội và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để họ yên tâm đầu tư và tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Các tin khác