Ưu tiên chống dịch nhưng không để kinh tế đình trệ

(ĐTTCO)-Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt đã được áp dụng, như đóng cửa các cửa hàng, dịch vụ không cần thiết. Hoạt động kinh doanh đang có khoảng thời gian khó khăn nhất từ trước đến nay. “Chống dịch như chống giặc”, nhưng làm sao giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đang là bài toán khó. ĐTTC ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.
Ưu tiên chống dịch nhưng không để kinh tế đình trệ
TS. LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Vietnam:

Khống chế dịch mới kỳ vọng tăng trưởng 

Covid-19 đã tác động tiêu cực, gây sự sụt giảm về cầu đối với các ngành nông nghiệp, du lịch, vận tải và tới đây có thể là dệt may, da giày, đồ gỗ mỹ nghệ… Năng lực về nguồn cung cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gián đoạn nguồn cung linh kiện, nguyên liệu đầu vào, sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng toàn cầu, của những hạn chế về di chuyển và yêu cầu cách ly, những gián đoạn trong chuỗi logistics…
Nguồn lực vốn đã hạn hẹp của nền kinh tế lại bắt buộc phải sử dụng cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh hoặc những nhu cầu chi tiêu mang tính khẩn cấp khác. Các nguồn lực từ khu vực tư nhân trong nước hoặc từ đầu tư nước ngoài đang giảm tốc theo mức độ và cường độ lây lan của dịch bệnh.  
Ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay hiển nhiên là kiềm chế thành công dịch Covid-19. Không khống chế thành công dịch, chúng ta không thể có kỳ vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế đòi hỏi sự ổn định và lòng tin của thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, và người tiêu dùng.
Dịch bệnh ngoài những tác động trực tiếp về sức khỏe, còn gieo rắc sự sợ hãi đối với các nhà đầu tư và làm phá vỡ lòng tin của thị trường. Chúng ta cần khôi phục niềm tin đó càng sớm càng tốt, cần sự phục hồi và ổn định trở lại của cầu đối với hàng hóa và dịch vụ được cung ứng bởi nền kinh tế. 
Trong giai đoạn hiện nay, chống dịch và tăng trưởng kinh tế vẫn phải là 2 nhiệm vụ song hành. Nhưng có những hoạt động và mục tiêu về kinh tế phải chấp nhận hy sinh vì mục tiêu quan trọng hơn trong lúc này là khống chế được dịch bệnh. 2020 là năm bản lề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo. 
Đây cũng là thời điểm để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, cần có những bước tính toán chuẩn bị cần thiết cho những cơ hội và thách thức mới của thị trường toàn cầu sau khi dịch qua đi. 
Chúng ta cần bắt đầu xây dựng các kịch bản, quyết tâm với mục tiêu về phát triển kinh tế 2020, vì đây mới là những tháng đầu tiên của năm. Nền kinh tế Việt Nam có tính hội nhập rất cao, tốc độ phát triển phụ thuộc nhiều vào kết quả kiểm soát dịch bệnh, tốc độ phục hồi các thị trường xuất khẩu hàng hóa và cung cấp linh kiện, nguyên, phụ liệu và thiết bị máy móc cho quá trình sản xuất của ta, như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN…
Có các kịch bản khác nhau sẽ giúp chúng ta chủ động trước các diễn biến hết sức khó lường của dịch bệnh. 
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia kinh tế:

Tập trung giải pháp thị trường trong nước

Nền kinh tế nói chung, việc làm và thu nhập nói riêng cần tiếp tục duy trì ngay cả trong bối cảnh Covid-19 kéo dài. Nếu chỉ cách ly và hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, suy thoái kinh tế và thất nghiệp tràn lan chắc chắn sẽ xảy ra.
Cấm đoán, đóng cửa, hạn chế di chuyển, thậm chí “ngủ đông”... dù chỉ là từng bộ phận, sẽ làm toàn bộ nền kinh tế đình trệ do tính hệ thống. Vì vậy lựa chọn đúng đắn giải pháp duy trì và phát triển kinh tế ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng. 
Trước hết tập trung vào thị trường trong nước thay vì loay hoay phục hồi xuất khẩu khi thị trường toàn cầu đang và sẽ còn bị cách ly bởi các rào cản ngày càng cao và dày đặc.
Theo đó, khu vực nông nghiệp và công nghiệp cần tiếp tục vận hành bình thường, với điều kiện áp dụng biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người lao động, trừ một số hoạt động buộc phải tiếp xúc trực tiếp sẽ được thay thế bằng hoạt động phi tiếp xúc thông qua áp dụng công nghệ thông tin. 
Khu vực dịch vụ vốn chiếm trên 40% GDP của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi Covid-19 do đặc trưng là cơ bản dựa trên sự tiếp xúc giữa người với người hay/và tập trung đông người.
Tuy nhiên, không phải tất cả loại dịch vụ đều buộc phải tiếp xúc trực tiếp hoặc có thể dễ dàng thay thế bằng tiếp xúc phi thực tế như thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giáo dục đào tạo... Đối với những dịch vụ không thể không tập trung đông người áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm như giữ khoảng cách ít nhất 2m, đeo khẩu trang, khử khuẩn đúng cách. 
Tóm lại, chỉ một bộ phận của nền kinh tế không thể duy trì do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 và cần hỗ trợ, còn lại tuyệt đại bộ phận vẫn có thể duy trì và tiếp tục phát triển, với điều kiện thích nghi với yêu cầu phòng tránh dịch bệnh dựa trên áp dụng kết quả cách mạng công nghiệp 4.0 đi đôi với thay đổi tư duy của cơ quan quản lý cũng như toàn xã hội.
Đó là thay vì các biện pháp đặc biệt, bất thường nên bình thường hóa hoạt động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, nhằm đảm bảo lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, tài chính, lao động... vừa thông suốt, vừa an toàn. Được vậy chúng ta không chỉ duy trì được tăng trưởng kinh tế, việc làm và thu nhập, còn tạo tiền đề cho phương thức kinh tế mới - ecoronic (kinh tế sinh thái) - thay cho economic (kinh tế truyền thống) cả ở cấp vĩ mô lẫn vi mô.

TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính):

Đánh giá mức độ lây lan của dịch

Covid-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế thông qua việc phá hủy các mối quan hệ giữa người với người, từ đó làm gián đoạn các quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.
Tại Việt Nam thời gian qua, các ngành bị tác động mạnh nhất bao gồm du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải hàng không và ngành khai khoáng do giá nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là giá dầu giảm mạnh. Ngoài ra, các ngành xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng do các nước châu Âu, Mỹ tạm thời đóng cửa biên giới, trong khi nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc bị đình trệ.
Về giải pháp, trước tiên cần khẳng định các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan cũng chính là biện pháp quan trọng nhất để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Nếu dịch bệnh lây lan với tốc độ cao, các hoạt động kinh tế trước sau cũng sẽ bị đình trệ do người dân sẽ co cụm lại.
Tuy nhiên, việc đóng cửa, dừng tất cả hoặc phần lớn hoạt động kinh tế như một số nước đang áp dụng không phải là giải pháp căn cơ nếu bệnh dịch kéo dài. Nền kinh tế có thể ngừng hoạt động trong vài ngày, thậm chí vài tuần, nhưng không thể trong vài tháng hay vài quý, bởi thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn, quá sức chịu đựng.
Đối với Việt Nam mức thiệt hại có thể lên tới hàng chục tỷ USD, tác động đến hàng triệu người dân và để lại rất nhiều hệ quả tiêu cực đối với nền kinh tế - xã hội sau này.
Hiện các nước như Mỹ, châu Âu áp dụng các biện pháp mạnh do dịch bệnh đang lây lan quá nhanh. Tuy nhiên, đây chỉ là các biện pháp ngắn hạn. Sau vài tuần nữa, khi đã khoanh được các vùng dịch, các nước này có thể sẽ thay đổi quan điểm và đưa ra chính sách mới.
Để hài hòa 2 mục tiêu mâu thuẫn nhau: phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Singapore, đó là đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh dựa trên các đánh giá về mức độ rủi ro lây lan. Những vùng có rủi ro cao (màu đỏ) cần được cách ly hoàn toàn, trong khi vùng có rủi ro thấp (màu xanh), các hoạt động kinh tế cần được bình thường hóa. 

Các tin khác