Trường Đại học UMT kết nối đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin

(ĐTTCO)-Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM (UMT) đã tổ chức Hội thảo Đào tạo và Phát triển nhân lực ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tại Khách sạn Đồng Khởi, quận 1, TPHCM. Chương trình có sự tham gia của đông đảo khách mời đến từ các đơn vị Công ty TMA Solutions, Liên minh Công nghệ số Việt Nam - VNITO Alliance, Fsoft Academy, Tập đoàn Trung Nguyên, Lazada Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam-VNPT…
Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Nội dung chính của chương trình xoay quanh các vấn đề: Nhu cầu nhân lực và những cơ hội, thách thức của ngành CNTT trong tương lai; Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn doanh nghiệp; Ý kiến thực tế của doanh nghiệp... Mục tiêu  của hội thảo có thể tìm được “tiếng nói chung” về chương trình đào tạo của nhà trường và yêu cầu năng lực nhân sự của doanh nghiệp.
Vai trò ngày càng quan trọng của ngành CNTT 
Tại TPHCM, nhu cầu nhân lực giai đoạn 2021-2025 lên đến 310.000-330.000 người. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp hàng năm trên cả nước chỉ khoảng 50.000 - 60.000 người. Như vậy có khoảng cách rất xa giữa đào tạo so với nhu cầu thực tế của thị trường.
Với 58.000 doanh nghiệp CNTT hiện có, doanh thu toàn ngành năm 2020 đạt 124,6 tỷ USD và đặt mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp lĩnh vực này đến năm 2025.
Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong top 50 quốc gia đứng đầu về chính phủ số và nền kinh tế số đóng góp 30% GDP. Tăng trưởng kinh tế số hàng năm cao gấp 3 lần tăng trưởng GDP, tạo ra một nền kinh tế số bao trùm các lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải - logistics…
Sau đại dịch Covid-19, vai trò quan trọng của ngành CNTT ngày càng được thể hiện. Thị trường dần có sự chuyển dịch và phân hóa rõ ràng hơn với nhân sự IT ở các mức trình độ khác nhau. Rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển, đầu tư công nghệ, phần mềm ứng dụng vào quản lý, vận hành, sản xuất, kinh doanh…
Theo đó, nhu cầu nhân lực về ngành CNTT được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp ngày càng cao. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu này thì không hề dễ dàng.
“Chính vì thế, UMT mong muốn xây dựng chương trình đào tạo ngành CNTT với tinh thần khai phóng, tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm giúp doanh nghiệp có thể đi xa hơn, thành công hơn trên con đường phát triển bền vững của mình” - ThS. Huỳnh Thúy Phương, Phó Chủ tịch thường trực, Phó Hiệu trưởng điều hành UMT, phát biểu tại buổi hội thảo.
Trường Đại học UMT kết nối đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin ảnh 1 Các đại biểu tham dự hội thảo.
Xây dựng mối quan hệ 3 bên: Đại học UMT - Doanh nghiệp - Sinh viên
Hội thảo đã mang đến những góc nhìn đa chiều, những ý kiến thiết thực đến từ thực tiễn doanh nghiệp. Và đây là nguồn tư liệu quý giá, cơ sở quan trọng giúp UMT xây dựng chương trình đào tạo ngành CNTT tốt nhất, đi theo xu hướng thị trường, thích nghi với những thay đổi của thế giới và đáp ứng được những nhu cầu của doanh nghiệp. 
TS. Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty TMA Solutions, chia sẻ: “Đa phần các nước trên thế giới hiện có thời gian đào tạo ngành CNTT chỉ khoảng 3 năm, trong đó 2 năm đào tạo tại trường và 1 năm (hoặc 3-6 tháng) làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp. Do đó, UMT cũng nên tham khảo mô hình đào tạo của các nước trên thế giới để có thể tối ưu hóa thời gian giảng dạy, chương trình đào tạo của mình”. 
Còn theo ông Ngô Văn Toàn, Phó Chủ tịch Liên minh Công nghệ số Việt Nam - VNITO Alliance: “Trường Đại học UMT nên xây dựng mối liên kết chặt chẽ, quan trọng giữa 3 bên: Nhà trường - Doanh nghiệp - Sinh viên theo nguyên tắc win - win, phải xem phần thực tập tại doanh nghiệp của sinh viên là một phần thuộc chương trình đào tạo chính thức để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất”.
Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu của các nhà tuyển dụng chủ yếu xoay quanh vấn đề thái độ chuyên nghiệp, tư duy quốc tế, tinh thần chủ động, sự tự tin và kỹ năng mềm của các bạn trẻ. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết họ đều phải mất thời gian và chi phí đào tạo bổ sung mới có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tại buổi hội thảo, Trường Đại học UMT cũng thể hiện mong muốn các doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường trong các hoạt động tham gia thực tập, kiến tập, tham quan doanh nghiệp, cơ hội ứng tuyển của sinh viên. Bên cạnh đó, đôi bên còn có thể trực tiếp song hành cùng nhau trong việc đào tạo, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và tâm sức của doanh nghiệp trong việc xây dựng và kiện toàn bộ máy nhân sự.
Thế giới đang đổi mới và ngành CNTT cũng luôn đổi mới và chuyển mình mạnh mẽ. UMT sẽ là ngôi trường có chất lượng quốc tế hàng đầu, luôn đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp vì tầm nhìn của UMT là Tiên phong, sáng tạo, đột phá trong đào tạo, nghiên cứu và quản trị.
Hội thảo Đào tạo và Phát triển nhân lực ngành Công nghệ thông tin là buổi hội thảo thứ hai nằm trong chuỗi hoạt động xây dựng chiến lược phát triển chương trình đào tạo do Trường Đại học UMT tổ chức.
Sau Bất động sản, Công nghệ thông tin sẽ là hội thảo dành cho các ngành Quản trị kinh doanh, Marketing, Truyền thông đa phương tiện, Quản lý thể dục thể thao với đầy tinh thần xây dựng, đóng góp những giá trị thiết thực cho trường trong việc hoàn thiện chương trình đào tạo, đồng thời mang lại những cơ hội hợp tác bền vững với doanh nghiệp và tương lai rộng mở cho sinh viên. 
Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM (UMT)
Địa chỉ: Đường 60CL, Khu đô thị Cát Lái, phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM
Điện thoại: +84 28 3636 9119
Email: info@umt.edu.vn
Website: www.umt.edu.vn

Các tin khác