Tranh chấp kinh doanh do Covid ngày càng nhiều

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 đã làm gãy đổ nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Điều này đã làm gia tăng các vụ tranh chấp tại tòa án, trung tâm trọng tài quốc tế (TTTTQT) ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc tranh chấp tại tòa tốn kém chi phí, mệt mỏi do kéo dài thời gian. Vì thế hòa giải đang là một trong những phương thức hiệu quả. 

Ngành du lịch được xem là thiệt hại nặng nề nhất cũng như bị tranh chấp nhiều nhất bởi các hợp đồng hợp tác bị đổ vỡ do Covid.
Ngành du lịch được xem là thiệt hại nặng nề nhất cũng như bị tranh chấp nhiều nhất bởi các hợp đồng hợp tác bị đổ vỡ do Covid.
Bùng nổ tranh chấp
LS. Nguyễn Trung Nam, Giám đốc điều hành Công ty Luật EPLegal, chia sẻ một câu chuyện gãy đổ hợp đồng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực du lịch lữ hành vì dịch Covid-19.
Theo đó, một đối tác Trung Quốc trước dịch đã ký kết hợp đồng với đối tác Việt Nam. Phía DN Trung Quốc đã chuyển tiền cho DN Việt Nam để giữ phòng, nhưng vì dịch khách không thể sang Việt Nam, hợp đồng không thể thực hiện. Không tìm được tiếng nói chung đã dẫn đến tranh chấp giữa 2 bên. Có thể nói, lữ hành du lịch là lĩnh vực bị gãy đổ hợp tác nhiều nhất khi dịch Covid -19 bùng nổ trên toàn cầu. 
Ngoài ra, chuỗi cung ứng dịch vụ liên quan đến các dịch vụ không thiết yếu, liên doanh trong các công trình xây dựng, chuỗi phân phối hàng hóa (với những mặt hàng không thiết yếu) và hoạt động chuyển giao công nghệ không thiết yếu… đều bị ảnh hưởng, dẫn đến các vụ tranh chấp.
Theo số liệu thống kê các vụ tranh chấp tại các TTTTQT như SIAC (TTTTQT Singapore) tăng lên đáng kể. Năm 2019 chỉ có 479 vụ, năm 2020 đã tăng lên hơn 1.000 vụ. Số lượng các bên đối tác nước ngoài đến Singapore giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng tăng, riêng Ấn Độ có 690 bên tranh chấp. Việt Nam chiếm 52 vụ và nằm trong top 10 các bên tranh chấp ở SIAC trong năm 2020. 
Ở trong nước, số vụ việc tòa án thụ lý năm 2020 có khoảng 78% liên quan dân sự kinh doanh thương mại và lao động. Riêng TTTTQT Việt Nam (VIAC) đã tiếp nhận 152 vụ kiện tụng, tranh chấp.
“Chưa bao giờ chúng tôi nhận được yêu cầu nhiều như 2 năm qua liên quan việc diễn giải điều khoản bất khả kháng và điều khoản thay đổi hoàn cảnh cơ bản” - LS. Nguyễn Trung Nam cho biết.
Cũng theo ông Nam, khi các bên không thực hiện được hợp đồng vì Covid-19, sẽ phải tìm hiểu đây có phải là điều khoản bất khả kháng hay thay đổi hoàn cảnh cơ bản, để có thể kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng. 
Theo nhiều luật sư, các bên khó phân định có hay không xảy ra sự việc bất khả kháng. Ngay cả các nền luật pháp phát triển cũng không đưa ra định nghĩa rõ ràng thế nào là bất khả kháng. Dịch bệnh Covid-19 không ai lường trước được nhưng nó cũng có tính thời điểm. Nay “ngăn sông cấm chợ” không sản xuất kinh doanh được nhưng có thể ngày mai sẽ khác, chưa kể chính phủ các nước đang nỗ lực hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì thế các bên sau khi mệt mỏi để tranh chấp, tranh cãi xem có bất khả kháng hay không, sẽ quay lại bàn bạc việc cùng hỗ trợ nhau qua giai đoạn này như thế nào. Đó cũng là lý do hiện nay nhiều DN trước khi tranh chấp đã tìm đếm phương thức hòa giải. 
Theo nhận định của ông Phan Trọng Đạt, quyền Giám đốc Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC), nếu năm ngoái các DN chọn tranh chấp nhiều, năm nay lại có xu hướng trao đổi và đàm phán nhiều hơn.
“Đặc trưng của hòa giải là giữ được quan hệ giữa các doanh nhân và DN để mọi việc  được giải quyết nhẹ nhàng, sau này vẫn có thể tiếp tục làm ăn với nhau” - ông Đạt nói.
Đồng ý với nhận định này, LS. Đặng Việt Anh, Giám đốc Công ty luật ANHISA, cho biết xu hướng của năm 2021 đã thay đổi khi các bên đều đang nỗ lực để tiến hành hòa giải tranh chấp. 
Những lưu ý khi hòa giải
Đại diện một DN mảng du lịch bày tỏ trong hợp đồng hợp tác kinh doanh không ghi điều khoản hòa giải, vậy 2 bên làm sao để hòa giải. Theo LS. Đặng Việt Anh nếu hợp đồng không có điều khoản hòa giải 2 bên có thể thương lượng để bổ sung.
Ngoài ra, các bên cần đến các trung tâm hòa giải để các hòa giải viên làm việc cùng bên còn lại, nhằm tìm tiếng nói chung trong việc chọn giải pháp hòa giải thay vì tranh chấp. 
Là người tham gia hòa giải cho nhiều DN trong và ngoài nước, ông Việt Anh lưu ý một số vấn đề liên quan đến những khó khăn khách quan và chủ quan các bên cần nỗ lực giải quyết để hòa giải có hiệu quả nhất. Về khách quan có 5 thách thức khi thực hiện hòa giải, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay phần lớn thực hiện trực tuyến.
Đó là, khoảng cách không gian thời gian; chênh lệch múi giờ giữa các quốc gia, nhất là với hợp đồng có nhiều đối tác ở nhiều châu lục; yêu cầu giãn cách, cách ly của từng quốc gia; sự khác biệt văn hóa xã hội; thất lạc tài liệu hoặc thông tin do giao dịch xảy ra trong thời gian dài, hoặc do những nhân sự chủ chốt chuyển công tác. 
Về khó khăn chủ quan, nếu mỗi bên không tìm cách tự khắc phục, việc tiến hành hòa giải cũng gặp trở ngại. Như một bên tắc trách trong việc chuẩn bị thông tin, tài liệu cho buổi họp. Các bên vẫn còn “hậm hực”, “cay cú” vì những bất đồng trong quá khứ. Một bên luôn giữ thế “cửa trên”, DN lớn để chèn ép các bên còn lại. Một bên dựa vào những sự “bảo hộ trong nước” để gây sức ép với bên kia, hay lợi dụng yêu cầu cách ly, giãn cách để chèn ép đối tác của mình.
Một thực tế cần khắc phục sớm, là việc nhiều DN Việt Nam khi hòa giải thường không có sự tham gia của luật sư chuyên nghiệp có chuyên môn, một số đơn vị có cán bộ pháp chế đi theo nhưng vai trò pháp chế nội bộ rất hạn chế. 
Có thể thấy trước Covid-19 các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại đã lên tới mức thế giới phẳng. Nhưng khi Covid-19 ập đến đã mang đến nhiều tác động tiêu cực, thậm chí là những cú sốc lớn cho không ít chủ DN trên toàn cầu.
Những gì đang xảy ra ở một số tỉnh/thành của Việt Nam cũng đã xảy ra với nhiều quốc gia trên thế giới trong năm 2020. Vì thế lựa chọn cách thức phù hợp để giải quyết những đổ vỡ trong hợp đồng hợp tác kinh doanh lúc này là thực sự cần thiết với nhiều chủ DN.  
 Đặc trưng của hòa giải là giữ được quan hệ giữa các doanh nhân và DN để mọi việc  được giải quyết nhẹ nhàng, sau này vẫn có thể tiếp tục làm ăn với nhau.
Ông Phan Trọng Đạt, quyền Giám đốc VMC 

Các tin khác