BOJ chưa thực hiện nới lỏng tiền tệ

Ngày 10-2, Bloomberg đưa tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang xây dựng những kế hoạch nhằm hạn chế thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ bổ sung do ngân hàng này đã nhận thấy các dấu hiệu hồi phục kinh tế toàn cầu trong khi nền kinh tế nội địa đang được tăng cường nhờ vào các chương trình tái thiết sau trận động đất lịch sử hồi tháng 3 năm trước.

Theo dự đoán của 13 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát do Bloomberg tiến hành, ngày 14-2, Thống đốc và Ban lãnh đạo BOJ sẽ họp bàn và ra quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay qua đêm ở mức thấp kỷ lục trong khoảng 0-0,1%. Ngoài ra, chương trình mua bán tài sản trị giá 55.000 tỷ yên (tương đương 712 tỷ USD) của BOJ cũng không thay đổi.

Hôm qua 9-2, một số quốc gia lớn trên thế giới đã công bố các quyết định hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố gói kích thích kinh tế bổ sung và Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã đưa ra cam kết duy trì mức lãi suất thấp cho tới cuối năm 2014 do cuộc khủng hoảng tại châu Âu đang làm ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Nhật Bản lại tỏ ra lạc quan với một số dấu hiệu hồi phục của kinh tế thế giới, khi mà các thị trường tài chính đã bắt đầu có lợi nhuận và tình trạng thất nghiệp tại Hoa Kỳ đang giảm ngay cả trong điều kiện đồng yên tăng giá đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nhật Bản và các nhà phân tích đã đưa ra số liệu tăng trưởng âm của 3 trong 4 quý vừa qua đối với nền kinh tế Nhật Bản. Do vậy, Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định không thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ bổ sung.

Theo dự đoán của 25 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát do Bloomberg tiến hành thì tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản đã giảm 1,4% trong ba tháng cuối năm (tính đến ngày 31-12) sau khi tăng 5,6% trong quý trước. Con số này sẽ được công bố vào ngày 13-2 tới.

Ông David Rea- chuyên gia kinh tế của Capital Economics Ltd có trụ sở tại Luân Đôn cho biết nền kinh tế của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây bởi sự sụt giảm trong xuất khẩu, sự gián đoạn trong sản xuất do lũ lụt ở Thái Lan, và sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp do cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Trong năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt ngân sách bổ sung trị giá khoảng 20.000 tỷ yên dể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và xây dựng lại sau trận động đất và sóng thần ngày 11-3-2011.

Tại châu Á, hôm qua 9-2, Indonesia đã cắt giảm lãi suất cơ bản, trong khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vẫn giữ nguyên mức lãi suất. Nhật Bản phải đứng ngoài, không theo đuổi các quyết định tương tự  vì các quan chức nước này đang phải đương đầu với tình hình giảm phát.

Các tin khác