“Tiếp máu” cho doanh nghiệp vượt khó

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 đang làm chao đảo cả nền kinh tế thế giới, và dĩ nhiên DN của Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhiều cơ sở kinh doanh bị đóng cửa hoặc doanh thu sụt giảm nghiêm trọng… Nhưng trong cuộc chiến này, các DN không đơn độc.
DN tư nhân cẫn hỗ trợ thiết thực để vượt qua dịch Covid-19.
DN tư nhân cẫn hỗ trợ thiết thực để vượt qua dịch Covid-19.

Cuối tháng 3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế. Ngay sau đó, ngành ngân hàng triển khai gói tín dụng 250.000 tỷ đồng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Tiếp theo, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ dự thảo nghị định về giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp (DN) với ước tính lên tới 80.200 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh, kinh tế cá thể đóng góp nhiều nhất vào GDP. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, hầu như các ngành đều bị ảnh hưởng. Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình chiếm khoảng 67%GDP. Như vậy, việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN… cho tất cả ngành khiến họ đều cảm thấy Chính phủ quan tâm tới mình. 

“Tôi ủng hộ việc chỉ giãn nộp thuế. Hiện Chính phủ phải chi rất nhiều tiền cho việc chống dịch bệnh mà thu từ thuế và phí chiếm hơn 90% trong tổng thu. Ngoài nỗ lực chống dịch, chi ngân sách mang gánh nặng rất lớn là chi thường xuyên. Số liệu ước thực hiện ngân sách năm 2019 cho thấy, chi thường xuyên rất lớn, khoảng 71% tổng chi. Như vậy, việc tiết kiệm chi ngân sách rất quan trọng trong lúc này” - TS. Bùi Trinh nói và cho rằng BHXH cũng cần được giãn nộp để hỗ trợ DN. 

DN không có tiền để trả lương công nhân, ngân hàng, mua nguyên vật liệu sẽ không thể sống được. Vì vậy cần đẩy mạnh hỗ trợ DN, như bơm tiền thông qua bổ sung vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng để quỹ bảo lãnh với ngân hàng cho DN vay, kết hợp với các biện pháp miễn thuế, giảm thuế, giảm lệ phí…
TS. Nguyễn Trí Hiếu

PGS.TS Quách Mạnh Hào, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln (Vương quốc Anh), bình luận trong tình hình dịch bệnh khó lường hiện tại, cách hợp lý hơn là giãn, hoãn thuế theo giai đoạn, phù hợp diễn biến thực tiễn. Cụ thể, thay vì đề xuất 5 tháng cố định, có thể bắt đầu bằng 5 tháng (hoặc 3 tháng) sau đó xem xét gia hạn tiếp mỗi lần 3 tháng tùy tình hình thực tế. Cũng có thể giãn, hoãn thuế với thời hạn khác nhau cho từng loại thuế, thay vì đánh đồng chung. Hoặc giãn, hoãn thuế theo quy mô DN bị ảnh hưởng, nhất là với DNNVV. Việc đưa ra giải pháp chi tiết rõ ràng sẽ giúp DN yên tâm về tương lai, chủ động được trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về ý kiến cho rằng bản chất DN sau 5 tháng vẫn phải nộp thuế nên thực tế biện pháp giãn, hoãn không hiệu quả, ông Hào cho rằng: “Suy nghĩ đó thường xuất hiện khi người ta quan tâm tới vấn đề lãi lỗ. Thực chất vấn đề hiện nay của DN không phải lãi - lỗ mà là dòng tiền hoạt động, liên quan sự tồn tại hay biến mất của DN. 

Nếu DN muốn cầm cự để tồn tại, giữ lại việc làm cho công nhân, họ cần tối thiểu nhất là tiếp tục trả lương cho công nhân, và việc chưa phải nộp các khoản thuế, phí đến hạn sẽ giúp họ làm việc đó. Còn các giải pháp hiện có về tiền tệ (giảm lãi suất, vay ưu đãi) và tài khóa (giãn thuế) đã hướng tới việc giúp DN cải thiện về dòng tiền, nhưng chưa hẳn chia sẻ khó khăn với DN.

Mỹ đưa ra gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD. Singapore mới tung ra gói kích thích kinh tế thứ 2 trị giá 48 tỷ SGD (33 tỷ USD), bao gồm loại bỏ thuế tài sản đối với nhà hàng, khách sạn bị thiệt hại, hỗ trợ tiền lương cho DN và trao tiền mặt trực tiếp cho người kinh doanh độc lập. Thái Lan cũng mạnh tay giải cứu DNNVV và người lao động có thu nhập thấp thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 12,7 tỷ USD…

Theo ông Bùi Trinh, Việt Nam là nước có nền công nghiệp cơ bản gia công, không giống các nền kinh tế phát triển như Singapore, Mỹ hay châu Âu, nên đưa ra biện pháp tương tự các nước này là không thực tế. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lương cho DN đang khó khăn là việc nên làm với những biện pháp mạnh hơn,giúp DN vượt qua cơn bĩ cực. 

Việc quan trọng nữa hiện nay là sự chia sẻ chi phí liên quan đến điện và xăng dầu. 2 ngành này cần giảm bớt lợi nhuận như một cách đồng cam cộng khổ với người dân và DN. Thí dụ, DN có kho lạnh cần được ưu đãi về giá điện vì giá điện dùng cho kho lạnh đang cao hơn giá điện sản xuất 25-30%. 

Liên quan đến xăng dầu, theo tính toán chiếm khoảng 3% tổng giá trị sản xuất và 5% tổng chi phí trung gian của nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu giảm 10% sẽ khiến GDP tăng khoảng 1,2% và nếu giá giảm 20%, GDP tăng xấp xỉ 2%, đồng thời làm chỉ số CPI giảm 0,17%. Trong khi nới lỏng chính sách tiền tệ, hoặc đưa ra gói kích cầu có thể có những rủi ro về đạo đức và lạm phát, giảm giá xăng dầu là con đường an toàn và hiệu quả hơn. 

Còn ông Quách Mạnh Hào nói: “Theo tôi, cần gói giải pháp nữa từ chính sách tài khóa hướng tới việc gánh vác, chi trả một phần lương cho người lao động tại những DN khó khăn nhưng vẫn cam kết giữ lại việc làm cho người lao động. Việc này có thể được thực hiện thông qua giảm thuế (bên cạnh việc giãn thuế). Điều này sẽ tạo sự ổn định xã hội, bảo đảm việc làm và cuộc sống cho người lao động”.

Các tin khác