Thời của ứng dụng công nghệ

(ĐTTCO)-Covid-19 được xem là “chất xúc tác” giúp hành vi tiêu dùng và bán hàng chuyển đổi mạnh mẽ từ offline sang online. Điều này mang đến cơ hội phát triển cho nhiều ứng dụng công nghệ như Grab, Be, Baemin… Nhiều lao động thất nghiệp cũng tìm kiếm được công việc tạm thời từ các DN dịch vụ công nghệ này. 
Thời của ứng dụng công nghệ
Cuộc đua phát triển dịch vụ
Hiện nay, dịch vụ đi chợ hộ trên các ứng dụng công nghệ đang được nhiều khách hàng, nhất là khách hàng trẻ sử dụng, bởi sự đa dạng trong cung cấp dịch vụ của các ứng dụng công nghệ.
Không chỉ dừng lại ở gọi xe, đặt thức ăn, giao hàng, giờ đây người dùng có thể mua thực phẩm đóng hộp, tươi sống ở siêu thị, chợ truyền thống thậm chí đặt vé máy bay, vé xe khách… ngay trên 1 ứng dụng. Phương thức thanh toán cũng rất linh hoạt, khách có thể sử dụng tiền mặt, thẻ hoặc ví điện tử để thanh toán đơn hàng của mình. 
Từ cuối tháng 12 năm ngoái, ứng dụng gọi xe công nghệ Grab mang đến bất ngờ khi tung ra dịch vụ đi chợ truyền thống hộ. Với dịch vụ mới, người tiêu dùng có thêm lựa chọn mua các mặt hàng thiết yếu tại các sạp ở một số chợ truyền thống có kết nối với ứng dụng này.
Trước đó mấy tháng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Grab cũng mang đến dịch vụ GrabMart, giúp người dùng có thể mua các thực phẩm tươi sống, đóng hộp, trái cây tươi… ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các chuỗi cửa hàng thực phẩm.
Trước Grab, ứng dụng gọi xe thuần Việt là Be cũng nhanh chân mang đến dịch vụ “Be đi chợ”, giúp khách hàng mua một số thực phẩm thiết yếu. Và trong cơn lốc đi chợ hộ ấy, ứng dụng chuyên giao đồ ăn mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam là Baemin, cũng nhanh chóng mở thêm dịch vụ Baemin đi chợ để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh của các ứng dụng công nghệ.
Những dịch vụ mới này đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, “Be đi chợ” tăng trưởng 200-300%/tháng. Hay tăng trưởng của GrabMart duy trì mức cao, mạng lưới đối tác ngày càng nhiều, đặc biệt là sự bắt tay của Grab với một số chuỗi lớn như Big C hay Coop mart, đã khiến cuộc đua đi chợ hộ càng trở nên nóng hơn. 
Thực ra dịch vụ đi chợ hộ không phải mới xuất hiện. Vào năm 2018, ứng dụng Now đã mang đến dịch vụ này cho người dùng. Nhưng có lẽ Covid -19 đã trở thành lực đẩy mạnh mẽ để dịch vụ này, cũng như nhiều dịch vụ khác (giao đồ ăn, giao hàng…), phát triển mạnh trên các ứng dụng công nghệ và nhận được sự ủng hộ của người dùng.
Cũng có ý kiến hồ nghi những ứng dụng như đi chợ hộ liệu có thoái trào sau khi dịch qua đi. Câu trả lời có lẽ là không, vì khi thói quen được hình thành sẽ rất khó bỏ, dịch vụ gọi thức ăn trước đó của các ứng dụng này là thí dụ điển hình. 
Một nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, đã chỉ ra rằng có tới 64% người dùng nói sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau Covid-19, 63% sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. 
Song trong cuộc đua phát triển dịch vụ trên ứng dụng, cái tên được nhiều người biết tới là Gojek dường như vẫn chưa hòa mình vào cuộc chơi.
Nếu mở Grab người ta thấy ngay dịch vụ gọi xe, giao hàng, đặt đồ ăn, đi chợ, thanh toán hóa đơn… hay mở Be có đặt xe, giao hàng, đi chợ, đặt vé xe khách, vé máy bay…, trong khi ở Gojek (1 trong top 3 ứng dụng gọi xe phát triển nhất trên thị trường hiện nay) vẫn chỉ có đặt xe máy (chưa có xe ô tô), giao đồ ăn và giao hàng.
Người tiêu dùng vẫn đang chờ đợi sự bứt phá của Gojek, vì khi các ứng dụng đa đạng dịch vụ người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh này. 

Giải quyết việc làm, gia tăng cơ hội
Các dịch vụ ứng dụng công nghệ đang mang đến nhiều lợi ích cho người dùng. Ứng dụng nào giải quyết được nhiều nhu cầu của người dùng sẽ có lợi thế. 
Việc phát triển đa dạng các dịch vụ trên các ứng dụng công nghệ không chỉ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, còn giải quyết việc làm cho lượng không nhỏ người mất việc từ các ngành nghề khác do tác động của Covid -19.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12-2020 cả nước có hơn 32 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Con số này bao gồm người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Xét theo khu vực kinh tế, các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đến là công nghiệp và xây dựng, cuối cùng là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. 
Để bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình, nhiều lao động đã phải chuyển qua làm cho các ứng dụng công nghệ. Trong báo cáo về tình hình lao động mới đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết hiện có xu hướng người lao động thất nghiệp chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ như Grab, Be, Now, Gojek…
Nguyên nhân do điều kiện gia nhập và rút lui dễ dàng, không bị nhiều áp lực, thời gian làm việc linh hoạt. Tất nhiên, sự dịch chuyển này cũng chỉ nên là tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh, nhất là với những lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học trước đó đã được đào tạo tại các doanh nghiệp. 
Trong một lần trao đổi với ĐTTC, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nhìn nhận: “Các bạn trẻ có trình độ, được đào tạo chọn công việc này để lấy ngắn nuôi dài rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu chọn đây là con đường mưu cầu cuộc sống, mong có thu nhập cao sẽ là nỗi đau xót của xã hội”. 
Việc phát triển thêm các dịch vụ không chỉ giúp các ứng dụng công nghệ sống tốt trong đại dịch, còn mở ra cơ hội kinh doanh cho các loại hình mới gia nhập thị trường.
Giữa tháng 3 này, một công ty công nghệ bảo hiểm của Singapore là Igloo chính thức có mặt tại Việt Nam, đã bắt tay với Loship (startup giao đồ ăn và thương mại điện tử thuần Việt, với hơn 10 dịch vụ trên ứng dụng của mình như giao đồ ăn, gọi xe, đi chợ, giặt ủi, mua thuốc, giao hoa…).
Hợp tác với Igloo cho phép Loship cung cấp dịch vụ rủi ro giao hàng không thành công cho 70.000 tài xế. Với mức phí 28.900 đồng/tháng bảo hiểm giao hàng không thành công, cho phép tài xế giao hàng nhận được phí vận chuyển trả hàng nếu người tiêu dùng trả lại đơn hàng vì sản phẩm được giao không đúng với đơn hàng.
Sản phẩm bảo hiểm này có thể giảm thiểu các thiệt hại do sự cố trong quá trình giao hàng và thực hiện đơn hàng gây ra. 
Bà NGUYỄN THÁI HẢI VÂN, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam: 

Tận dụng sức mạnh công nghệ 

Trong bối cảnh Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, chúng tôi cũng nỗ lực để hỗ trợ chuyển đổi số cho các tiểu thương chợ truyền thống, giúp họ mở sạp hàng online trên nền tảng Grab để tiếp cận nhiều người mua hơn. 
Với sự ra mắt thành công của GrabMart trong năm 2020, một trong những mục tiêu chính của chúng tôi trong năm 2021 là duy trì và củng cố dịch vụ này bằng việc tập trung phát triển GrabMart tại các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Grab có kế hoạch phát triển GrabMart theo 2 hướng: tiếp tục số hóa các DN nhỏ và tiểu thương chợ truyền thống, từ đó đẩy mạnh chuyển đổi số. 
Trong suốt những năm qua, chúng tôi đã tận dụng sức mạnh của công nghệ để không ngừng mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, cũng như cơ hội thu nhập cho các đối tác. Chúng tôi tin rằng Grab đã góp phần thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ của người dân Việt Nam, từ việc mua hàng trực tuyến đến việc thanh toán không tiền mặt.
Chúng tôi kỳ vọng tiếp tục cải tiến công nghệ và dịch vụ của mình để hỗ trợ nhiều người hơn trong cộng đồng. Đối với các đối tác và người dùng, Grab cũng hướng tới mục tiêu khuyến khích họ tăng cường tận dụng công nghệ trong việc kinh doanh và cuộc sống hàng ngày.
Bà NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG, Tổng giám đốc Be Group: 

Cần hành lang pháp lý thuận lợi 

Tại sự kiện trao giải thưởng DN Công nghệ số Make in Việt Nam, tôi đã đề xuất Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ, để có thể làm chủ thị trường nội địa, từng bước hội nhập khu vực một cách thuận lợi và có chiều sâu.
Việc quản lý các ứng dụng gọi xe không đơn thuần là quản lý hành chính như một công ty vận tải truyền thống. 
Mặt khác, để các DN có thêm động lực phát triển, cần nhân rộng, khuyến khích sự liên kết trong cộng đồng DN để nhanh chóng tạo ra những “đại thụ” đủ năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài, không để mất thị trường nội địa, không để người Việt là người làm thuê, không để bị thâu tóm dữ liệu, về lâu dài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Be Group tin tưởng kinh tế nền tảng chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế thực. Và chỉ có những nền tảng “Make in Việt Nam” mới có thể kết hợp chặt chẽ với Chính phủ để đảm bảo sự công bằng, an toàn và quyền lợi cho các bên người dùng, nền tảng, lợi ích quốc gia.

Các tin khác