Thiết lập “vùng xanh” cho doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong 7 tháng năm 2021 đã có tới gần 80.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Điều này đã chứng tỏ một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế là các DN ngoài nhà nước đã chịu tác động sâu sắc bởi dịch Covid-19. Đã đến lúc cần phải có những giải pháp mới cứu nguy DN không thể chậm trễ.

Chiến thắng dịch Covid-19 sẽ đến khi và chỉ khi xuất hiện ngày càng nhiều “vùng xanh” DN và các “vùng xanh” ngày một mở rộng.
Chiến thắng dịch Covid-19 sẽ đến khi và chỉ khi xuất hiện ngày càng nhiều “vùng xanh” DN và các “vùng xanh” ngày một mở rộng.
Đừng kỳ vọng vào số DN mới đăng ký
Theo TCTK, trong 7 tháng năm 2021 cả nước có 75.800 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1.065.400 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký 555.500 lao động; tăng 0,8% về số DN, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. 
Cũng trong 7 tháng có gần 79.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ 2020, bao gồm gần 40.300 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Theo đó trung bình mỗi tháng có gần 11.400 DN rút lui khỏi thị trường. 
Một trong những căn cứ quan trọng cho tốc độ tăng trưởng kinh tế là số lượng DN đăng ký mới và số lượng DN phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể thì DN FDI đóng góp tới hơn 1/5 GDP và khoảng 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu, còn hơn 700.000 DN ngoài nhà nước đóng góp khoảng 10% GDP.
Tuy nhiên, đừng nhìn số lượng DN thành lập mới không phản ánh thực tế tăng trưởng kinh tế trong một vài quý, mà là bằng chứng cho niềm tin kinh doanh và triển vọng tăng trưởng trong tương lai.
Thiết lập “vùng xanh” cho doanh nghiệp ảnh 1
Thêm vào đó, quy mô vốn đăng ký và lao động sử dụng tại các DN mới thành lập chủ yếu chỉ mang ý nghĩa trên giấy tờ, không phải thật sự tham gia vào cấu thành tổng vốn đầu tư toàn xã hội, cũng như tạo việc làm mới trong kỳ công bố số DN đăng ký thành lập mới. 
Hơn nữa, không phải DN nào mới đăng ký thành lập cũng hoạt động tốt ngay lập tức và góp phần thực sự vào tăng trưởng kinh tế trong kỳ. Ở chiều ngược lại, những DN tạm dừng hoạt động, đặc biệt buộc phải giải thể hay phá sản trong kỳ, trực tiếp ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ các DN đó cung cấp cho nền kinh tế, theo đó trực tiếp làm giảm quy mô GDP lẫn phần đóng góp vào ngân sách nhà nước. 
Vì vậy, đánh giá tác động vào tăng GDP trong kỳ nào đó phụ thuộc vào biến động số lượng DN phải giải thể hay phá sản, đặc biệt là quy mô của các DN đó, không phải là phụ thuộc vào số DN mới đăng ký, hay chênh lệch giữa số DN đó với số DN giải thể và phá sản. Có chăng sự chênh lệch giữa số DN mới gia nhập thị trường với số DN ra khỏi thị trường chỉ tác động ngay đến tổng số DN đang hoạt động trong một kỳ nào đó. 

Cần mô hình hữu dụng cho DN
Trong 7 tháng qua, các DN hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác; vận tải, kho bãi; giáo dục, đào tạo; thông tin và truyền thông; sản xuất phân phối điện, nước, gas. 
Thêm vào đó, PMI - chỉ số quản lý sức mua phản ánh triển vọng hoạt động của khu vực DN - sau khi đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 11-2018 tới 54,7, thì vào tháng 4-2021 đã giảm mạnh từ 53,1 của tháng 5 xuống 44,1 trong tháng 6 và 45,1 trong tháng 7.
Điều này chứng tỏ sản xuất bị thu hẹp, khối DN còn tồn tại đang đương đầu với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, sức chống chịu của DN phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, cũng như các biện pháp duy trì sản xuất kinh doanh phù hợp trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng và gây hậu quả khôn lường.
Một mô hình hữu dụng giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh chính là thiết lập “vùng xanh” cho DN, tương tự như “vùng xanh” tại khu dân cư, đồng thời bổ sung những điều kiện cần và đủ để DN có thể trụ vững trong “vùng xanh” đó. Trước hết, “vùng xanh” DN được hiểu là địa bàn hoạt động của DN hay một nhóm DN đang duy trì sản xuất kinh doanh không có ca nhiễm nào.
Tuy vậy một mặt trong “vùng xanh” DN vẫn phải tuyệt đối tuân thủ 5K, mặt khác không bị ngăn cản lưu chuyển hàng hóa và con người trong phạm vi “vùng xanh”. 
Mỗi DN trong “vùng xanh” không bị cô lập như ốc đảo mà ngược lại phải đảm bảo sự di chuyển tự do các yếu tố sản xuất, từ nguyên nhiên vật liệu, tài chính tín dụng... đến người lao động cũng như tiêu thụ sản phẩm giữa các “vùng xanh” với nhau, kể cả “vùng xanh” dân cư thông qua các “hành lang xanh”. Chỉ có như vậy các “vùng xanh” sản xuất cũng như dân cư mới có ý nghĩa và phát huy được ưu điểm của “vùng xanh” so với “vùng đỏ”. 
Bên cạnh đó, lưu chuyển hàng hóa giữa “vùng xanh” và “vùng đỏ” không được ngăn chặn một cách tuyệt đối, nhưng phải có quy trình kiểm soát chặt chẽ để giữ vững màu xanh cho “vùng xanh”. Dịch Covid-19 diễn biến khôn lường, nếu trong “vùng xanh” vẫn xuất hiện ca nhiễm cần nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, thay vì vội vàng biến cả “vùng xanh” thành “vùng đỏ”.
Như vậy mới giúp các DN duy trì sản xuất kinh doanh không làm tăng chi phí và ít tính khả thi như mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” hiện nay, tiếp tục trụ vững ngay cả khi dịch bệnh còn kéo dài. 

Các tin khác