Tàu cá nằm bờ vì thiếu hụt lao động

(ĐTTCO) - Sau Tết Nguyên đán, tại tỉnh Bình Thuận - một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, đang xảy ra tình trạng thiếu lao động biển trầm trọng. 

Ra khơi chỉ để “lấy ngày”

Những ngày đầu năm, tại những cảng cá lớn của tỉnh Bình Thuận như Phan Thiết, La Gi, Phú Hài…, hàng trăm tàu cá, nhất là những tàu đánh bắt xa bờ, vẫn đang phải nằm bất động vì  không thể tìm đủ lao động để ra khơi.

Theo thông lệ, mùng 3 Tết hàng năm, chiếc tàu hành nghề vây rút chì của ông Nguyễn Quốc Anh (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) sẽ ra khơi chuyến đầu tiên trong năm. Tuy nhiên, sau nhiều ngày mòn mỏi đi tìm bạn thuyền nhưng không có kết quả, tàu của lão ngư này hiện vẫn phải nằm bờ.

“Mỗi chuyến đi biển, tàu của tôi cần khoảng 10 lao động, nhưng dù đã liên hệ nhiều nơi, thậm chí tôi còn trả công cao gấp 3 lần ngày thường nhưng cũng không tìm đủ người đi cùng. Giờ tôi cũng chưa biết tính sao”, ông Anh lo lắng.

Cũng giống như trường hợp ông Anh, anh Nguyễn Trường Hải (ngụ phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cho biết: “Tàu của tôi công suất lớn, chuyên đánh bắt ở tuyến khơi nhưng do không có đủ bạn thuyền nên hôm mùng 6 Tết, tôi và mấy đứa cháu trong nhà cho tàu chạy ra biển để lấy ngày đẹp rồi sau đó lại quay về nằm bờ cho đến nay”.

Tàu cá nằm bờ vì thiếu hụt lao động ảnh 1Thiếu hụt lao động biển, hàng trăm tàu thuyền ở tỉnh Bình Thuận phải nằm bờ

Theo những ngư dân lâu năm ở địa phương, ngư trường ngày càng cạn kiệt, nghề biển sẽ ngày càng khó khăn, do đó bạn thuyền không còn mặn mà bám biển. Không thể tìm đủ bạn thuyền để ra khơi, lão ngư Nguyễn Văn Mỹ (ngụ phường Hưng Long, TP Phan Thiết) cùng mấy chủ tàu khác rủ nhau cầm chiếc chài đi men theo cảng cá Phan Thiết để bắt cá cho đỡ buồn. 

Loay hoay tìm giải pháp

Chia sẻ thẳng thắn, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết tình trạng khan hiếm lao động biển sau tết thường xuyên xảy ra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp mang tính đột phá, căn cơ để khắc phục.

“Để giải quyết tình trạng này, Nhà nước cần có những chính sách, hỗ trợ trong việc đào tạo nghiệp vụ liên quan đến nghề cá, đáp ứng theo yêu cầu mới của Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019”.

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ NN-PTNT, tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải có ít nhất một máy trưởng chịu trách nhiệm về kỹ thuật máy móc. Tuy nhiên, theo ngư dân địa phương, việc tìm lao động biển đã khó, nay thêm quy định phải có thợ máy trên tàu thì càng khó hơn.

Trong khi đó, nhiều chủ tàu cho rằng đã có bằng thuyền trưởng, được đào tạo, có chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu về quản lý, vận hành máy móc trên tàu cá thì không nhất thiết phải có máy trưởng đi cùng, phát sinh chi phí và nguồn nhân lực.

Ông Huỳnh Quang Huy cho rằng, để có nguồn nhân lực đi biển ổn định, các chủ tàu khi tuyển lao động cần phải có hợp đồng để ngư dân yên tâm bám biển, gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, nhiều ngư dân khẳng định việc này rất khó thực hiện vì nghề đi biển hiện rất khó khăn. Do vậy, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chủ tàu khi tuyển lao động như việc đóng bảo hiểm, hỗ trợ kinh phí đánh bắt xa bờ…

Khi lao động biển khan hiếm thì việc tích cực triển khai, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đánh bắt hải sản, giảm lao động, tăng sản lượng khai thác là việc làm cần thiết.

“Từ thực tiễn cho thấy, tại địa phương, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác hải sản đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Bình thường, một tàu cá hành nghề vây rút chì cần khoảng trên 20 lao động, nhưng khi ngư dân lắp đặt máy chụp 4 tăng gông vào khai thác thì số lao động đã giảm đi một nửa”, ông Huỳnh Quang Huy nhấn mạnh.

Thống kê của ngành NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, địa phương có ngư trường quản lý khai thác rộng 52.000km2, trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản hàng năm đạt 240.000 tấn hải sản các loại. Với lực lượng lao động thường xuyên làm việc trên biển trên dưới 40.000 người, nếu lực lượng này bị suy giảm thì kinh tế biển của địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Các tin khác