Sửa quy định phải không gây xáo trộn

(ĐTTCO) - Tiếp tục phiên họp thứ 38, ngày 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe các tờ trình, báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi).

Không vội đưa hộ kinh doanh vào luật

Chủ trì thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Đây là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của hộ kinh doanh.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. Ảnh: TTXVN

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng Luật Doanh nghiệp chủ yếu điều chỉnh doanh nghiệp. Nếu nghị định của Chính phủ quy định đầy đủ, chi tiết và tổ chức thực hiện tốt thì hộ kinh doanh vẫn phát triển, nhà nước vẫn thu được thuế mà không cần “lên” doanh nghiệp.  Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đặt câu hỏi tại sao hộ kinh doanh không muốn thành doanh nghiệp và bày tỏ quan điểm rõ ràng: “Theo tôi không vội”. 

“Liệu đưa hộ kinh doanh vào luật này có giải quyết được mong muốn tạo điều kiện cho hộ kinh doanh hay lại sẽ gây khó khăn, cản trở?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì lưu ý đây là vấn đề lớn vì liên quan đến hàng triệu hộ kinh doanh, nhưng chưa có đánh giá tác động đầy đủ. Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Quan điểm là cái nào rõ, “chín”, đánh giá tác động được thì bổ sung, nếu không thì chỉ sửa những bất cập để tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh cho mọi thành phần kinh tế”. 

Ý kiến còn khác nhau về dịch vụ đòi nợ thuê

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bãi bỏ 12 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành nghề và bổ sung 6 ngành nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan; trong đó bổ sung ngành “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư.

Góp ý về dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý việc đảm bảo nguyên tắc những quy định hạn chế tự do kinh doanh phải được quy định vào luật mà không nên giao cho Chính phủ quy định. “Đừng mở rộng việc cấm thêm những ngành nghề vốn đã tồn tại, nhất là các hoạt động thiện nguyện mà nhân dân đang làm, bây giờ lại cho vào danh mục kinh doanh có điều kiện là không hợp lý”. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, một số ngành nghề, ví dụ như dịch vụ cai nghiện thuốc lá, cần được khuyến khích phát triển thay vì hạn chế. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thì nhận xét: “Nhiều nội dung tổng kết rất sơ sài. Đề nghị kiểm tra lại cẩn thận báo cáo đánh giá tác động của luật này và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trước khi quyết định sửa đổi”. Một nhược điểm khác, theo bà Nga, là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật. “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ, theo tờ trình là có phát sinh phức tạp, tôi biết có nhiều địa phương muốn cấm. Tôi chưa nói nên cấm hay không, nhưng trước hết phải xem lại, đánh giá kỹ các vụ việc phức tạp ở các địa phương”, bà Lê Thị Nga nói. 

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đầu tư không được làm xáo trộn, gây khó khăn cho các dự án đang triển khai và không được tạo ra những xung đột pháp luật với các luật hiện hành và đang được xây dựng. “Tại sao lại cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hay vì dịch vụ này gắn với xã hội đen, tín dụng đen? Điều này cần được làm rõ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề. 

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cơ quan thẩm tra đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

* Thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã biểu quyết thông qua việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Cùng với đó, UBTVQH cũng biểu quyết thông qua việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Cuối ngày làm việc, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

* Xử lý 3 vụ nhận quà với tổng giá trị gần 4 tỷ đồng

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ hoàn thành ngày 15-10, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nêu, đã có 24 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 421 triệu đồng.

Vẫn theo báo cáo, trong thời gian trên có 6 cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị là 182 triệu đồng. Đáng chú ý là 3 vụ nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị là 3,99 tỷ đồng đã được phát hiện, xử lý.

Trong đó có vụ việc một số lãnh đạo của Công an tỉnh Cao Bằng nhận quà tặng 1 ô tô từ năm 2016 trị giá 3,72 tỷ đồng. Qua xác minh, kết luận, Bộ Công an xử lý kỷ luật cảnh cáo 2 trường hợp; Tỉnh ủy Cao Bằng xử lý kỷ luật cảnh cáo 3 trường hợp. Công an tỉnh này xử lý kỷ luật cảnh cáo 2 trường hợp, khiển trách 1 trường hợp.

Các tin khác