(ĐTTCO) – Nói đến thị trường bột giặt người ta sẽ nhắc ngay đến 2 ông lớn là Unilever và P&G với hơn 80% thị phần. Song các DN nội cũng đang thu về khoản lợi nhuận không nhỏ từ những túi xà phòng dù thị phần khá khiêm tốn.
Mạnh tay quảng cáo
Trong nhóm ngành hóa mỹ phẩm, DN nội phải chịu sức ép rất lớn từ các ông lớn. Nhưng nhờ những bước đi khôn ngoan nên cửa cho các DN nội tuy không rộng nhưng vẫn có thể tiến về phía trước. |
Đó cũng là lý do hiện nay trên nhiều phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình ngay cả những giờ cao điểm, các thương hiệu bột giặt đua nhau quảng cáo. Thương hiệu Unilever mạnh tay cho các nhãn như Omo, Viso, Suft. Còn P&G sau một thời gian dài đầu tư cho Tide, tập đoàn này đã tung ra những chiến dịch truyền thông khủng cho sản phẩm Ariel. Các mẫu quảng cáo cũng liên tục thay đổi để tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Đặc biệt nhãn hiệu Omo luôn đầu tư rất mạnh cho quảng cáo mùa tết, với cách thức truyền thống đánh vào tâm lý sum họp của người dân Việt Nam.
Trong khi những ông lớn nước ngoài liên tục áp đảo trong quảng cáo và khuyến mại, những thương hiệu bột giặt trong nước như Lix, Net, Vì Dân… khá im hơi lặng tiếng. Như thương hiệu Đức Giang của CTCP Bột giặt và hóa chất Đức Giang thời gian trước xuất hiện với tần suất không nhiều, nhưng mẫu quảng cáo của bột giặt này không gây ấn tượng với người tiêu dùng, thậm chí không ít người còn cho rằng quảng cáo “hơi quê”. Duy chỉ có Aba (của Đại Việt Hương) đã mạnh dạn đối đầu với Omo và Ariel. Ban đầu Aba chủ yếu sử dụng pano, áp phích, nhưng sau này Đại Việt Hương đã mạnh tay cho Aba xuất hiện khá dày trên các phương tiện quảng cáo như truyền hình. Đó cũng là lý do Aba đã được xếp vị trí thứ 3 về thị phần sau Omo và Airel. Tuy không quảng bá rầm rộ nhưng những thương hiệu nội như Lix, Net… vẫn có những vị trí nhất định với doanh thu khá ấn tượng.
![]() |
Ảnh minh họa. |
DN nội sống tốt
Thương hiệu bột giặt Net thuộc CTCP Bột giặt Net tuy không gây ấn tượng nhiều với người tiêu dùng khi đứng trên các kệ hàng cùng với những thương hiệu lớn, nhưng thông qua việc gia công các nhãn hàng như Omo, Surf, Viso, Sunlight cho Unilever, cùng với việc xuất khẩu sang nhiều thị trường như Nhật Bản, Australia, New Zealand, các nước ASEAN… doanh thu và lợi nhuận của Net cũng không đến nỗi nào. Cụ thể, dù doanh thu năm 2015 giảm hơn 2%, đạt 784,2 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng 96% so với 2014, lên 102 tỷ đồng. Cũng chính từ việc quản trị tốt, lại hoạt động kinh doanh hiệu quả nên lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Net đạt 86,7 tỷ đồng, tăng 87,2% so với 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2016, kết quả kinh doanh của DN này cũng khá tốt, đạt 377 tỷ đồng doanh thu và 57,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận 2016.
Cũng chọn hướng đi vừa tung sản phẩm nhãn hiệu của mình, vừa gia công cho các ông lớn, CTCP Bột giặt Lix (thương hiệu bột giặt Lix) đạt kết quả kinh doanh tốt. Lix khá mạnh trong mảng xuất khẩu với các thị trường chính như Campuchia, Philippines, Togo, Triều Tiên, Mông Cổ, Brunei, Libya... Ngoài ra, Lix còn gia công sản phẩm Oem cho một số thị trường như Nhật Bản, Philippines, New Zealand, Australia, Malaysia, Đài Loan, Mông Cổ, Singapore, Hàn Quốc, Pakistan... Về kết quả kinh doanh năm 2015, công ty đạt doanh thu bán hàng 1.780 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 233 tỷ đồng, tăng 124% so với 2014. Như vậy, mỗi tháng Lix thu 19,4 tỷ đồng lãi từ kinh doanh bột giặt, chất tẩy rửa… Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với 2014. Lũy kế 9 tháng năm 2016, doanh thu thuần toàn công ty đạt 1.441 tỷ đồng, tăng mạnh 17 tỷ đồng so với cùng kỳ tương ứng mức tăng 14% và hoàn thành 78% kế hoạch năm (1.850 tỷ đồng). Công ty Vico cũng chọn con đường gia công và xuất khẩu với đối tác là P&G.
Riêng với Đức Giang mảng bột giặt đang giảm, nên đóng góp vào mức tăng trưởng cho đến thời điểm này nhờ hóa chất. Một cái tên khá hiếm trong làng hóa mỹ phẩm nội không chịu gia công và cũng không chấp nhận bán mình cho các ông lớn chính là Mỹ Hảo. Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Mỹ Hảo, trong một lần trao đổi với ĐTTC, đã chia sẻ sức ép của những ông lớn như Unilever hay P&G quá lớn nhưng ông vẫn kiên định con đường của mình. Thực tế, khi nhắc đến Mỹ Hảo nhiều người nghĩ ngay tới nước rửa chén, nhưng thương hiệu này lại rất đa dạng sản phẩm.
Các tin, bài viết khác
Khốc liệt thị trường thức ăn nhanh Việt
Xã hội hóa an ninh hàng không?
Lẩn quẩn cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt
Xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng
Gỡ "nút thắt" cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển
Giá thép tăng phi mã, doanh nghiệp xây dựng than khó khăn
Vận tải: Dự báo “nóng” tuyến gần
Doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Ngành dệt may liên kết đồng hành trước đại dịch
Agribank Chi nhánh Bình Thạnh ký thỏa thuận hợp tác Trường ĐH Khoa học Tự nhiên