Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Thiếu và yếu

(ĐTTCO)-Việt Nam là nước nông nghiệp giàu tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) với nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hóa chất. Tuy nhiên, sản xuất NNHC chi phí còn cao, đồng thời nhận thức người tiêu dùng vẫn chưa cao nên khó có thể hướng tới nền NNHC bền vững.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đầu tư chi phí nhiều nên giá thành cao khiến người tiêu dùng còn e ngại
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đầu tư chi phí nhiều nên giá thành cao khiến người tiêu dùng còn e ngại

Sản xuất và thị trường còn bấp bênh

Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trong nước có 2 mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là mô hình doanh nghiệp và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ trong nước.

Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nhận định các nhóm hộ nông dân, ông Mai Thanh Thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 (Bộ NN-PTNT), cho hay, phần lớn sản xuất dựa trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, chưa đăng ký để được chứng nhận bởi các tổ chức được chỉ định hay tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế; cho nên thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh, giá thấp.

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhận định, quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, chi phí sản xuất cao, năng suất cây trồng vật nuôi thấp, thị trường cho sản phẩm NNHC không ổn định.

Đã xuất khẩu nhiều sản phẩm hữu cơ, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai), nhận định, Việt Nam cần có nhiều diễn đàn hơn để tuyên truyền cho người tiêu dùng, nông dân. Cái gốc vẫn là nông dân. Nếu nông dân sản xuất không “trung thực” thì sản phẩm không đạt chất lượng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đồng bộ. Về phía người tiêu dùng thường không thích sản phẩm hữu cơ do có bề ngoài xấu, dù người nông dân phải đầu tư chi phí rất nhiều.

Ông Nguyễn Hoàng Khang, HTX Tấn Đạt (Vĩnh Long), cho hay, sản xuất NNHC còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC hiện chưa phát triển trong khi thị trường xuất khẩu sản phẩm NNHC hầu như không có sẵn. 

Chưa tương xứng tiềm năng

Sản xuất NNHC của nước ta phát triển chưa tương ứng với tiềm năng lợi thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trình độ sản xuất và khoa học kỹ thuật của nước ta còn thấp và hạn chế trong kiểm soát sâu bệnh và chất lượng sản phẩm, năng suất chưa cao. Nước ta có khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại, trong khi bảo vệ thực vật là thách thức lớn nhất trong thực hành sản xuất theo phương pháp NNHC.

Hệ thống tổ chức chứng nhận sản xuất NNHC còn thiếu và yếu; việc thực thi pháp luật về chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC, minh bạch hóa quá trình sản xuất sản phẩm NNHC còn chậm; việc chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nước nhập khẩu phải thuê những chuyên gia nước ngoài với chi phí chứng nhận cao. 

Một thực tế là thị trường sản phẩm NNHC đang rất hỗn loạn. Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm có giá trị cao nhưng chưa chắc nhận được sản phẩm đúng công bố và đúng giá trị. Điều đó dẫn tới khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm được tự công bố là an toàn hay hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN), cho hay, một trong những giải pháp là thực hiện truy xuất nguồn gốc sử dụng công nghệ mã vạch. Sản phẩm có mã vạch được áp dụng không những để quản lý, thu thập thông tin tự động trong cả chuỗi cung ứng mà còn được áp dụng để xác định nguồn gốc sản phẩm, phục vụ cho các hệ thống quản lý theo ISO 22000, HACCP.

Phát triển NNHC cần dựa vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để xác định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phù hợp, ông Mai Thanh Thảo đề nghị Hiệp hội NNHC Việt Nam cần tăng cường hoạt động, thông qua các doanh nghiệp có mô hình thành công, giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới và nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. 

Về phía Bộ NN-PTNT, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển NNHC, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm NNHC theo hướng xã hội hóa. Ngoài sử dụng giống chất lượng cao, các nhà sản xuất tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học nhằm khai thác tối đa nguồn phân chuồng, phân xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp cũng như các nguồn hữu cơ khác để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đủ về lượng và cân đối về tỷ lệ.

Đặc biệt, tăng cường phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái: trồng trọt - chăn nuôi, thủy sản - trồng trọt, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, thủy sản cung cấp hữu cơ cho trồng trọt.

Các tin khác