Rau quả xuất khẩu: Sau kỳ tích là hụt hẫng

(ĐTTCO)-Kết thúc năm 2018, xuất khẩu rau quả tiếp tục đạt kỷ lục khi cán đích hơn 3,5 tỷ USD. Điều này thúc đẩy toàn ngành đặt mục tiêu 4 tỷ USD cho năm 2019. Song 9 tháng năm 2019, xuất khẩu rau quả giảm 4,3% so với cùng kỳ. Chuỗi giảm kéo dài từ tháng 5 và dự báo cuối năm nay ngành rau quả khó về đích theo kế hoạch.
Lo ngại nhất của trái cây Việt Nam xuất khẩu là công đoạn chế biến sau thu hoạch không đạt chuẩn. Ảnh: L.THANH
Lo ngại nhất của trái cây Việt Nam xuất khẩu là công đoạn chế biến sau thu hoạch không đạt chuẩn. Ảnh: L.THANH
Trung Quốc siết chặt chất lượng
Năm 2017 ngành rau củ Việt Nam đã ghi kỷ lục chưa từng có, khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 3 tỷ USD, tăng trưởng 42,5% so với năm 2016 và bước vào top 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị xuất khẩu cao nhất. 
Thời điểm này, thị trường Trung Quốc vẫn chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu rau củ Việt Nam với 2,65 tỷ USD (tăng 52,43% so với năm trước). Đây cũng là năm rau củ Việt Nam ghi nhiều dấu ấn khi bước chân vào nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia… với giá trị xuất khẩu của từng mặt hàng rất cao. Rau quả lúc ấy cũng được đặt kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng ấn tượng qua từng năm và cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2025. 
Với đà tăng trưởng của năm 2017, năm 2018 rau củ được đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, kim ngạch cả năm 2018 chỉ tăng trưởng 10,8% so 2017 với kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD. Dù vậy, xuất khẩu rau quả vẫn vượt xa nhiều mặt hàng như chè, hạt tiêu và gạo. Năm 2018, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, với hơn 70% tổng kim ngạch. Đáng chú ý từ nửa cuối năm 2018, Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu sẽ siết chặt chất lượng hàng nhập khẩu và chuyển nhập khẩu từ tiểu ngạch qua đường chính ngạch. 
Bước sang 2019, ngành rau củ khá tự tin khi đặt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu 4 -4,2 tỷ USD, song đến hết tháng 9 con số này chỉ đạt 2,84 tỷ USD (giảm 4,3% so với cùng kỳ). Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo năm nay toàn ngành chỉ đạt kim ngạch bằng 2018, đổng nghĩa khó đạt kim ngạch như kế hoạch đề ra. 
Nguyên nhân sụt giảm được chỉ ra: từ hồi tháng 4 khi người buôn dứa ở Lào Cai phải đổ cả ngàn tấn dứa do Trung Quốc không nhập, là sự cảnh báo việc nước này sẽ siết nhập khẩu đường biên mậu. Dứa lại không nằm trong danh sách những loại trái cây được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, nay càng khó hơn khi xuất tiểu ngạch. Hệ quả, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 5 giảm 23,1% so với tháng trước.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam những tháng qua liên tục sụt giảm do thị trường Trung Quốc đã siết chặt hơn rất nhiều. Những thị trường khác tuy có tăng trưởng nhưng do kim ngạch còn thấp nên không thể bù nổi sự sụt giảm từ thị trường chính này.
Cụ thể, từ 1-6 rau quả Việt Nam xuất qua phải đi theo đường chính ngạch. Hiện với mặt hàng trái cây, Trung Quốc cho nhập khẩu 9 loại từ Việt Nam là thanh long, chuối, dưa hấu, vải, nhãn, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Đặc biệt, Trung Quốc thực thi nghiêm các quy định về truy suất nguồn gốc trong đó yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Và ngay khi Trung Quốc siết, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong tháng 7 giảm kỷ lục 44%. 

Đột phá chế biến sau thu hoạch
 Trung Quốc thực thi nghiêm các quy định về truy suất nguồn gốc trong đó yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Và ngay khi Trung Quốc siết, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong tháng 7 giảm kỷ lục 44%. 
Ngành rau củ của Việt Nam những năm gần đây dù có thời điểm tăng trưởng mạnh, nhưng phần lớn là xuất khẩu rau quả thô, công nghiệp chế biến sau thu hoạch vẫn chưa thể mở rộng. “Thiếu vốn, công nghệ và quan trọng nhất thiếu vùng nguyên liệu là những nguyên nhân khiến chế biến sau thu hoạch chưa thể phát triển mạnh. Thêm nữa đầu tư vào ngành này phải dài hơi và khả năng hoàn vốn chậm nên nhiều DN chưa mặn mà” - ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm. 
Thực tế, tại khu vực phía Nam hiện có 71 cơ sở chế biến, nhưng hầu hết trong tình trạng thiếu nguyên liệu và chỉ đạt 50% công suất thiết kế. Hiện cả nước có sản lượng 27 triệu tấn rau quả mỗi năm, nhưng các nhà máy chỉ sử dụng được 1 triệu tấn/năm do nguyên liệu không đạt chuẩn. 
Ông Ưng Thế Lãm, người có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó, nhìn nhận nhu cầu sử dụng rau quả chế biến của thế giới ngày càng cao, nhưng người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng và có thương hiệu. Nguyên liệu dùng trong sản xuất cũng sẽ được kiểm duyệt khắt khe, không phải muốn làm bằng nguyên liệu nào cũng được. 
Hiện nay một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thị trường rau quả chế biến đang có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Chỉ tính riêng mặt hàng nước ép trái cây toàn cầu có trị giá 160 tỷ USD và duy trì mức tăng trưởng 5-6% trong vài năm tới. Những công nghệ chế biến tiên tiến nhất trên thế giới đang cho người tiêu dùng cảm nhận nước ép rau quả tươi ngon không khác gì rau trái tự nhiên, đáp ứng nhu cầu đang ngày càng thay đổi của người tiêu dùng. 
Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội tham gia miếng bánh béo bở này. Và việc chuyển đổi sang trồng, chăm bón rau quả an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế như Global Gap bước đầu có thể khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả tươi có phần chững lại, nhưng sẽ là bước đệm tốt cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu trong tương lai. 
“Nông dân muốn được cấp mã số vùng trồng phải có diện tích đất 6-10ha/trồng một loại cây và phải cam kết sản xuất theo VietGap. Thời gian tới công tác cấp mã số vùng trồng sẽ được hiệp hội triển khai rốt ráo hơn, nông dân sẽ được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể hơn. Cùng với đó các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để mở rộng danh mục trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này” - ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.  

Các tin khác