Các cơ quan địa chất xác định sản lượng titan của của Việt Nam là khoảng 34,5 triệu tấn nhưng theo dự báo mới nhất, nước ta có sản lượng titan lên đến 658 triệu tấn. Trong đó, sản lượng quy hoạch khoảng 440 triệu tấn, xếp vị trí thứ 6 trên thế giới.
![]() |
Tại thị trường trong nước, những năm qua, các doanh nghiệp (DN) sản xuất có nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều đối với những sản phẩm được chế biến từ titan với mức tiêu thụ tăng bình quân từ 15-20%/năm.
Nắm bắt được nhu cầu này, các DN trong ngành cũng đã đẩy mạnh đầu tư khai thác, chế biến quặng titan nhằm nâng cao năng suất, phục vụ xuất khẩu lẫn các ngành công nghiệp trong nước.
Tính đến thời điểm này, cả nước có 32 dự án khai thác còn hiệu lực hoạt động với tổng công suất lên đến 1,26 triệu tấn/năm. Theo dự kiến, từ nay đến năm 2020 sẽ có 43 dự án được cấp mới để khai thác nguồn lợi khoáng sản này nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng và có giá trị cao, song đến nay, các DN tham gia vào lĩnh vực này dù đã quan tâm đầu tư khai thác nhưng sản phẩm đầu ra chỉ mới là quặng tinh dùng để làm nguyên liệu nên giá trị kinh tế không cao.
Với 32 dự án đang hoạt động chỉ có 7 nhà máy chế biến sâu, sản xuất, trong đó có 2 nhà máy sản xuất ilmenite hoàn nguyên công suất 20.000 tấn/năm và 5 nhà máy luyện xỉ đã sản xuất giai đoạn 1, công suất 84.000 tấn/năm.
Ngoài ra, các dự án chế biến sản phẩm rutil nhân tạo và titan pigment vẫn chưa thể triển khai được do chưa tìm được đối tác nước ngoài hợp tác để chuyển giao công nghệ.
Hơn nữa, do nhu cầu tiêu thụ quặng tinh titan trên thế giới đang tăng cao nên những năm qua, nhiều DN đã “nhảy vào” dù chưa đủ năng lực về chuyên môn nên dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, làm lãng phí tài nguyên và xuất hiện tình trạng xuất lậu titan gây thất thoát cho nền kinh tế. Điển hình như tại tỉnh Bình Thuận, đây là nơi có sản lượng titan lớn, vào khoảng 550 triệu tấn, chiếm 92% sản lượng cả nước.
Song, tình hình khai thác mới chủ yếu là khai thác thô. Vì chưa xây dựng được khu công nghiệp chế biến sâu nên hoạt động khai thác titan trái phép và nạn xuất lậu quặng thô ngày càng gia tăng. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ hơn 20.000 tấn titan khai thác trái phép và tịch thu nhiều thiết bị tuyển quặng titan thô sơ khác tại địa phương này.
Để giải quyết những vấn đề nói trên, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng khai thác bừa bãi vẫn còn diễn ra ở một số nơi.
Vì vậy, các tỉnh nên phối hợp với DN để lên kế hoạch triển khai xây dựng các khu công nghiệp chế biến sâu titan và các sản phẩm khoáng sản khác để dễ cấp phép và quản lý các DN tham gia khai thác, tránh gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị này.
Các tin, bài viết khác
Khốc liệt thị trường thức ăn nhanh Việt
Xã hội hóa an ninh hàng không?
Lẩn quẩn cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt
Xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng
Gỡ "nút thắt" cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển
Giá thép tăng phi mã, doanh nghiệp xây dựng than khó khăn
Website Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu cao nhất Việt Nam
Vận tải: Dự báo “nóng” tuyến gần
Doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Ngành dệt may liên kết đồng hành trước đại dịch