Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia 4.687 tỷ đồng

(ĐTTCO)-Do rút một phần yêu cầu, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia 4.687 tỷ đồng trong vụ ly hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, thay vì 4.793 tỷ như trước đây.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia 4.687 tỷ đồng

Quyết định này được đưa ra trong bản án giám đốc thẩm vừa được TAND Tối cao ban hành. Đây là phán quyết cuối cùng, kết thúc vụ ly hôn "nghìn tỷ" giữa ông Vũ (49 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên) với bà Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi) đã kéo dài 6 năm.

Việc phân chia tài sản được tính lại, do trước phiên giám đốc thẩm, ông Vũ rút yêu cầu chia 1,4 triệu GBP (bảng Anh) và 7,3 triệu USD (tương đương 213 tỷ đồng) trong 6 tài khoản đứng tên ông Lê Hoàng Văn (anh trai bà Thảo) tại ngân hàng Eximbank.

Như vậy, tổng số tài sản gồm tiền, vàng, ngoại tệ của hai vợ chồng do bà Thảo đứng tên tại các ngân hàng mà ông Vũ yêu cầu chia còn 1.551 tỷ đồng, thay vì 1.764 tỷ như trước.

Hội đồng thẩm phán xác định động thái của ông Vũ là quyền định đoạt của đương sự, nên chấp nhận, đồng thời tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm và phúc thẩm, liên quan tới việc chia tài sản trong 6 tài khoản ông Văn đứng tên.

Theo đó, tổng tài sản ông Vũ và bà Thảo yêu cầu chia có giá trị hơn 7.900 tỷ đồng (sau khi quy đổi từ cổ phần sang tiền). Hội đồng thẩm phán tuyên bà Thảo được chia tổng tài sản trị giá hơn 3.245 tỷ đồng, ông Vũ được hơn 4.687 tỷ.

Về bất động sản, bà Thảo được giao 7 nhà đất - tổng trị giá gần 376 tỷ đồng; ông Vũ 6 nhà đất có giá hơn 350 tỷ.

Bản án giám đốc thẩm giữ nguyên các quyết định trước đó của cấp phúc thẩm, giao ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên (trị giá 5.655 tỷ) đồng.

Bà Thảo được sở hữu toàn bộ tiền đứng tên bà gửi tại các ngân hàng, là hơn 1.551 tỷ đồng (sau khi trừ đi phần ông Vũ đã rút) để cấn trừ vào cổ phần. Do đó, ông Vũ phải thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận so với giá trị tài sản được chia, là hơn 1.318 tỷ đồng.

Ngoài ra, cấp giám đốc thẩm cũng chấp nhận một phần kháng nghị của VKS, sửa một phần bản án phúc thẩm cho rằng ông Vũ và bà Thảo "thuận tình ly hôn", vì chưa phù hợp. Bởi quá trình giải quyết vụ án, bà Thảo lúc xin ly hôn, lúc xin đoàn tụ. Đến phiên tòa sơ thẩm cả 2 tự nguyện, thống nhất ly hôn, nhưng tại phiên phúc thẩm bà Thảo xin rút yêu cầu ly hôn, ông Vũ không đồng ý.
"Tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu rút đơn xin ly hôn, xin đoàn tụ của bà Thảo và tuyên giữ nguyên bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm, tuyên thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo là chưa phù hợp với diễn biến của vụ án, mà phải chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông Vũ mới đúng". Bản án giám đốc thẩm nêu và nhận định "dù thuận tình hay cho bên nào ly hôn, thì bản chất cũng là chấm dứt quan hệ hôn nhân".
Bà Thảo, ông Vũ tại tòa. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bà Thảo và ông Vũ sống với nhau hơn 20 năm, có 4 con chung. Năm 2015, bà Thảo đơn phương xin ly hôn. Sau 10 lần hòa giải bất thành, cuối tháng 3-2019, TAND TPHCM xử sơ thẩm, chấp thuận đơn của bà, trao quyền nuôi dưỡng các con. Ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng tính từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.

Ngoài việc phân chia tài sản, bất động sản theo thoả thuận của hai bên, tòa tuyên ông Vũ được sở hữu 60% cổ phần, nắm quyền điều hành Trung Nguyên, và trả tiền cho bà Thảo đối với số cổ phần bà sở hữu.

Bà Thảo sau đó kháng cáo xin đoàn tụ, ông Vũ đòi chia tài sản theo tỷ lệ 70/30, VKS kháng nghị hủy án.

Tháng 12-2019, TAND Cấp cao xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Không đồng ý với phán quyết này, bà Thảo làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án.

Đến tháng 4-2020, VKSND Tối cao kháng nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, vì cho rằng "có nhiều sai phạm", giao hồ sơ cho TAND TPHCM xét xử lại.

Trong khi đó, phía ông Vũ đã nộp 2.000 tỷ đồng thi hành án cho phía bà Thảo theo phán quyết của bản án phúc thẩm, nhưng vợ cũ ông Vũ không chấp nhận (chờ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán).

Cục thi hành án dân sự TPHCM đã gửi số tiền này vào kho bạc nhà nước.

Trong quyết định kháng nghị dài 14 trang, VKS chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của tòa án hai cấp. Trong đó, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đưa thiếu người có quyền nghĩa vụ liên quan vào giải quyết triệt để vụ án.

Về cách thức chia tài sản, VKS Tối cao cho rằng tòa án hai cấp chưa đánh giá đúng công sức đóng góp của bà Thảo vào việc duy trì phát triển khối tài sản chung của vợ chồng tại Trung Nguyên.

Việc tòa chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần và chia cho bà Thảo phần ít hơn 20% giá trị cổ phần trong tập đoàn, là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo...

Các tin khác