Ô tô giá giảm mạnh do tồn kho lớn

(ĐTTCO)-Giá xe ô tô nhập khẩu cũng như lắp ráp trong nước từ đầu năm đến nay liên tục giảm mạnh do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng các hãng xe sẽ tăng giá trở lại vì đã giải quyết gần hết xe tồn kho. 
Một lượng lớn ô tô nhập khẩu từ 2019 nay đã đổ vào thị trường Việt Nam.
Một lượng lớn ô tô nhập khẩu từ 2019 nay đã đổ vào thị trường Việt Nam.
Cung lớn hơn cầu
Sau Tết Nguyên đán, khó khăn bủa vây các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô, khi doanh số bán hàng liên tục giảm, lượng hàng tồn kho theo đó cũng tăng nhanh. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết tổng doanh số bán hàng của các thành viên thuộc VAMA trong quý I đạt 50.009 xe, giảm 33% so với cùng kỳ 2019. Đây cũng là mức doanh số bán hàng thấp nhất trong 5 năm qua trên thị trường ô tô.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tình trạng đáng báo động, khi chỉ số tồn kho của ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) trong quý I tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. 
Hiện tại, thị trường ô tô đã bước sang quý II, nhưng tại nhiều đại lý ô tô vẫn còn tồn đọng nhiều mẫu mã sản xuất từ năm 2019. Thậm chí, một số mẫu mã vẫn còn đời xe 2018 chưa được thanh lý.
Vì thế, nguyên nhân giá xe gần đây liên tục giảm mạnh do cung nhiều hơn cầu, nghĩa là các hãng xe vẫn duy trì sản xuất cũng như nhập khẩu như trước, nhưng nhu cầu sở hữu ô tô của khách hàng không nhiều. Điều này dẫn đến một lượng lớn xe tồn kho từ năm ngoái chưa được bán hết, các hãng xe phải tìm cách đẩy bớt hàng tồn mới có thể đưa các mẫu xe mới ra thị trường.
Việc nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh ảnh hưởng lớn từ việc cách ly xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Người dân không ra đường nhiều nên nhu cầu di chuyển cũng ít, khiến việc mua xe ô tô trở nên dư thừa.
Ngoài ra, một lượng lớn xe thông thường bán ra để phục vụ các đối tượng mua xe kinh doanh dịch vụ, trong khi toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách bị cấm trong thời gian cách ly, cũng ảnh hưởng đến nhu cầu mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. 

Giảm đưa xe nhập khẩu về
Do không dự đoán được diễn biến bất ngờ của đại dịch Covid-19, nhiều hãng xe đã có kế hoạch nhập khẩu xe từ năm ngoái cho quý I-2020. Việc này khiến ô tô nhập khẩu về Việt Nam liên tục tăng cao trong bối cảnh thị trường ảm đạm vì dịch bệnh, làm hàng tồn kho tăng và làm doanh nghiệp ô tô đau đầu giải quyết bài toán kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trong tháng 3 đã nhập khẩu 12.151 xe, tăng 15% (hơn 1.890 xe) so với tháng trước. Dựa trên lượng ô tô cung ứng ra thị trường (xe nhập và xe sản xuất trong nước) so với lượng bán hàng, ước tính sơ bộ gần 15.000 xe đang tồn kho trong 3 tháng đầu năm 2020.
Sau khi "thấm đòn" Covid-19, nhiều hãng xe vội vã cắt giảm nhập khẩu, cũng như thu hẹp quy mô sản xuất để tránh tồn kho. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về giảm mạnh với 4.918 chiếc, tương đương mức giảm tới 59,5% về lượng so với tháng tháng 3. Giá trị ô tô nhập khẩu trong tháng 4 giảm 430 triệu USD, tương đương giảm 40% so với tháng trước đó. Đây cũng là mức thấp nhất của xe nhập khẩu về nước tính từ đầu năm đến nay.
Đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước, dù không công bố nhưng cũng có thể dự đoán được quy mô sản xuất đã bị cắt giảm trong tháng 4. Nhiều hãng xe trong nước như Honda, Ford, Toyota, TC Motor... tạm dừng sản xuất trong thời điểm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, việc thiếu linh kiện từ các nhà cung ứng quốc tế cũng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của các hãng xe lắp ráp trong nước. 

Thời điểm tốt sở hữu ô tô 
 Để giải bài toán tồn kho, các hãng xe phải nghĩ ra các phương án kích cầu, giảm giá, khuyến mại liên tục, nên đây là thời điểm thích hợp cho người có nhu cầu mua ô tô.
Đến nay, hoạt động sản xuất, phân phối ô tô về cơ bản đã khởi động lại nhưng vẫn chưa đủ lực để vực dậy thị trường ô tô. Trước thực trạng này, VAMA dự báo tổng lượng xe bán ra năm nay giảm khoảng 15% so với dự báo trước đó. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất kinh doanh ô tô, mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý giảm phí trước bạ đến hết 2020 để kích cầu tiêu dùng sau dịch Covid-19.
Quá trình này đang được Bộ Tài chính gấp rút hoàn thiện mọi thủ tục, sớm ban hành ngay trong tháng 6, để việc kích cầu được thực hiện sớm. Khi chính thức được ban hành, người dân sẽ tiết kiệm khoản tiền khá lớn từ lệ phí trước bạ, tương đương 5% giá trị xe. 
Dù việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước chưa chính thức có hiệu lực, nhưng thông tin này đã khiến thị trường xe có nhiều biến động. Khách hàng có tâm lý chờ đợi, trong khi showroom cắt bớt chương trình khuyến mại, rục rịch tăng giá trở lại. Nhiều mẫu ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được showroom giảm giá sâu từ đầu tháng 5, nay đã tăng giá, dù vẫn bán thấp hơn mức công bố của nhà sản xuất.
Sức mua ô tô của người dân bắt đầu phục hồi trong tháng 5, với hơn 19.000 xe tiêu thụ, tăng 62% so với tháng 4. Thống kê của các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, toàn thị trường tiêu thụ 19.981 xe hơi các loại, tăng 62% so với tháng 4, nhưng vẫn giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mảng xe 4 chỗ trong tháng 5 bán ra 13.009 xe, tăng trưởng 67% so với tháng trước đó. Số lượng xe lắp ráp và xe nhập khẩu tăng lần lượt 50% và 83%. 
Tuy vậy, doanh số cộng dồn 2020 vẫn ảm đạm so với năm ngoái. Tính hết tháng 5, các thành viên VAMA tiêu thụ 79.396 xe, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. TC Motor bán ra 22.401 xe, giảm 24%. 
Với những người có nhu cầu mua ô tô, tháng 5 vừa rồi là thời điểm thích hợp nhất để chốt khi giá xe chưa tăng trở lại vì thông tin giảm lệ phí trước bạ 50%. Họ sẽ đặt cọc ở đại lý để giữ giá tháng 5, đợi đến khi chính thức giảm lệ phí trước bạ mới nhận xe. Như vậy, khách hàng có thể hưởng ưu đãi giá giảm sâu trong tháng 5, vừa hưởng lợi thêm 5-6% giá xe từ việc giảm lệ phí trước bạ. 

Các tin khác