Những công ty “ma cà rồng” ở châu Âu

(ĐTTCO)-Mùa lễ hội Halloween năm nay ở châu Âu đã kết thúc, nhưng số công ty được gọi là “ma cà rồng” hay “xác chết biết đi” (zombie firms) vẫn tiếp tục tăng lên trong nền kinh tế.

Những công ty “ma cà rồng” ở châu Âu ảnh 1
Hút máu nền kinh tế
Trong bài báo đăng ngày 3-12 trên Financial Times, tác giả Claire Jones trích một báo cáo nghiên cứu ước tính 20% số công ty ở châu Âu đang là những “xác chết biết đi”. Đây là khái niệm gây tranh cãi khá nhiều và đang được quan tâm ở châu Âu.
Định nghĩa cụ thể của một “xác chết biết đi” thay đổi tùy theo những nghiên cứu, nhưng có điểm chung là các công ty này làm ra lợi nhuận chỉ đủ để trả nợ, tức tỷ số thanh toán của những công ty này đều ở lằn ranh màu đỏ.
Cơ bản, họ vay nợ mà sống, và họ tồn tại “vật vờ” trong nền kinh tế như những xác chết biết đi. Nếu lãi suất tăng, nhiều công ty trong số đó sẽ vỡ nợ.
Môi trường kinh doanh đầy bất lợi của Covid-19 và chính sách tiền tệ kéo lãi suất xuống cực thấp, thậm chí lợi suất trái phiếu chính phủ âm của châu Âu, đã tạo một môi trường thuận lợi để số công ty “xác chết” này tồn tại.
Có những công ty vốn dĩ đã chậm trả nợ hay đơn phương không trả nợ, nhưng vẫn tồn tại nhờ những chính sách hỗ trợ giãn nợ, thậm chí yêu cầu chủ nợ không đòi nợ trong một khoảng thời gian. Lấy thí dụ trường hợp của Đức.
Chính phủ Đức ra quy định cho phép các công ty bị nợ nhiều do Covid-19 không buộc phải nộp đơn xin phá sản cho đến cuối năm. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Cologne, sự ưu ái này đã tạo ra thêm 4.300 công ty “xác chết”, số đông trong đó đã nợ rất lớn từ trước Covid-19 và ngấp nghé chuẩn công ty “xác chết”. 
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, khi công ty không bị buộc phải nộp đơn phá sản, ngân hàng và đối tác của công ty gặp khó khăn đó vẫn phải tiếp tục cho vay, hoặc ký kết hợp đồng theo thỏa thuận trước. Điều này đặt họ vào rủi ro khi quy định này hết hiệu lực.
Quan trọng hơn, một lượng lớn nhân lực và vốn của nền kinh tế tiếp tục bị hút vào những công ty “xác chết” này. Những công ty này hút máu và sinh lực của nền kinh tế để nuôi những cơ thể không còn sức sống, không tăng trưởng và lợi nhuận chỉ đủ trả mức lãi suất gần 0%. Có thể nói, những công ty “xác chết biết đi” này đang hút cạn dần sinh lực của châu Âu già cỗi. 
Thực tế, đây là vấn đề không mới ở châu Âu. Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, Ngân hàng Natixis đã đưa ra báo cáo ước tính số công ty “xác chết” ở lục địa già tăng từ 3,5% lên 21% tổng số công ty trong năm 2019 ở các nước sử dụng đồng euro. Con số này đặc biệt cao ở Pháp, lên đến gần 30%.
Ngoài khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu OnWard, cho biết số công ty “xác chết” ở nước Anh chiếm khoảng 20% tổng số công ty tính đến tháng 9-2020. OnWard cho rằng các công ty này làm suy giảm nguồn lực đầu tư hiệu quả ra nền kinh tế khoảng 42 tỷ bảng/năm. 
Những công ty “ma cà rồng” ở châu Âu ảnh 2
Đẩy châu Âu tụt hạng
Những con số và phân tích cho thấy sự tồn tại của những công ty sống “lay lắt” không đơn giản chỉ là hiện tượng kinh tế do Covid-19 gây ra. Nó là sản phẩm của một loạt nhân tố: lãi suất thấp, môi trường kinh doanh bất lợi, chính trị gia không dám cho công ty phá sản và tư duy ăn bám vào hỗ trợ chính sách của một số lãnh đạo doanh nghiệp.
Những công ty này dần hút đi sức sống của nền kinh tế, khiến dòng tiền và nhân lực “chết” trong những công ty đó, không thể chảy vào những nơi hiệu quả của nền kinh tế. Một giáo sư nghiên cứu nhiều về lĩnh vực này cho tôi biết, ông tin rằng các công ty này thường là lâu đời và có quan hệ chính trị mật thiết với chính trị gia địa phương, các ông chủ ngân hàng và những “câu lạc bộ kín”. 
Ở châu Âu, khái niệm phá hủy mang tính sáng tạo (creative destruction) đang dần bị thay thế bởi những lời kêu gọi bảo vệ các công ty hàng đầu của quốc gia (national champions) trong nhiều lĩnh vực. Việc này được thực hiện qua những trợ giá chính thức và không chính thức, thuế quan, tiêu chuẩn công nghệ, rào cản pháp luật... để hạn chế cạnh tranh từ nước ngoài, cũng như sự thách thức của những công ty mới trỗi dậy.
Những công ty đạt đến mức niềm tự hào của một tỉnh hay một quốc gia vì vậy rất khó bị thách thức, cho dù chúng chỉ tồn tại như những “xác chết biết đi”. Đây là một trong những cốt lõi khiến châu Âu đang tụt lại phía sau so với Mỹ (và sắp tới là Trung Quốc) trong việc tạo ra những công ty công nghệ lớn, có dấu ấn trên thế giới, dù về mặt năng lực công nghệ họ không hề thua kém, điển hình như trong cuộc chạy đua vaccine gần đây.
Liệu Việt Nam có thể học được bài học gì từ châu Âu hay Nhật bản? Con số công ty “xác chết biết đi” ở Việt Nam là bao nhiêu, quy mô của chúng lớn đến mức nào? 
Trong báo cáo năm 2019 về “Sáng tạo ở châu Âu”, hãng tư vấn toàn cầu McKinsey, nhận xét châu Âu đang tụt lại nghiêm trọng phía sau Mỹ về sáng tạo. Nền kinh tế châu Âu - vốn loay hoay trong trạng thái tăng trưởng thấp cả một thập niên - cần thúc đẩy năng suất và đổi mới trong những lĩnh vực mới như y sinh và chuyển đổi số.
Thế nhưng, thể chế của những câu lạc bộ kín, niềm tự hào của những công ty quốc gia - phần nào đó là do môi trường chính trị của châu Âu tạo ra - dường như là rào cản của chính họ. 
Bài học thập niên mất mát của Nhật Bản dường như đang lặp lại ở châu Âu. Nhưng không chỉ châu Âu, chính Nhật Bản cũng đang đối mặt với rủi ro của sự trở lại của đội quân “công ty xác chết” này.
Tờ Economist vào cuối tháng 9 đã có bài cảnh báo điều này. Theo tờ này, Nhật Bản đã trải qua một loạt biện pháp cải cách dứt khoát và đau đớn trong những năm đầu thập niên 2000, để loại bỏ những công ty xác chết biết đi này trong nền kinh tế, có lúc lên đến hơn 15% số công ty ở Nhật. Và người ta lo rằng Covid-19 sẽ đem tình trạng này quay lại, khi chính trị gia bây giờ lo bảo vệ công ty khỏi phá sản hơn là tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Một trong những lý luận phổ biến để bảo vệ các công ty “xác chết biết đi” này là do chính trị gia cần bảo vệ việc làm trong nền kinh tế. Nhưng nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này chỉ ra rằng đó là sự ngụy biện. Vẫn còn nhiều cách để bảo vệ lao động trong nền kinh tế không cần để những công ty không hiệu quả tiếp tục “hút máu”.
Chẳng hạn, những chính sách an sinh xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, cũng như thúc đẩy sự phát triển của những công ty nhỏ, linh hoạt để tạo ra việc làm thay thế.  

Các tin khác