Nhiều doanh nhân trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV

(ĐTTCO) - 50% doanh nhân ứng cử trúng cử và gần một nửa đến từ khu vực tư nhân. Một số cái tên được nhiều kỳ vọng như ông Lê Viết Hải, ông Trịnh Chí Cường không đủ phiếu bầu.

Chiều 10-6, Hội đồng bầu cử Quốc gia họp báo, công bố danh sách 499 đại biểu Quốc hội. Trong số này, 15 doanh nhân - đại diện cho các doanh nghiệp khu vực Nhà nước, tư nhân và hiệp hội doanh nghiệp đã trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Kỳ này có 7 gương mặt doanh nhân từng là đại biểu Quốc hội các khoá XI, XIII, XIV. Số còn lại lần đầu tham gia và trúng cử. Một nữ đại biểu tự ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội khoá XV là bà Khương Thị Mai - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam (Nam Định).

Trong số các doanh nhân trúng cử, duy nhất hai người có độ tuổi dưới 40, là bà Việt Hà - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh Tuyên Quang (Agribank Tuyên Quang) và ông Nguyễn Duy Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cà Mau.

Bà Hà cũng là nữ doanh nhân trẻ tuổi nhất trúng cử lần này (36 tuổi).

Doanh nhân "già" nhất trong số những người trúng cử là ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (66 tuổi).

Đại diện cho khối doanh nghiệp Nhà nước hoặc Nhà nước nắm quyền chi phối có 5 người, giảm một nửa so với số trúng cử khoá XIV.

Nhiều doanh nhân trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV ảnh 1 Những gương mặt doanh nhân trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV. Đồ hoạ: Tạ Lư

Trong số các doanh nhân không trúng cử có những gương mặt trước đây từng được kỳ vọng cao như ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) đạt 50,74% phiếu bầu hợp lệ; ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến (38,46% phiếu hợp lệ); ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng (47%)...

Chia sẻ với VnExpress, PGS.TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp nhấn mạnh, sự tham gia của các doanh nhân ở các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân, là "động lực quan trọng của nền kinh tế". Điều này góp phần vào quá trình xây dựng thể chế, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Mặt khác, doanh nhân tại nghị trường sẽ phản ánh những mong muốn sát sườn nhất của doanh nghiệp, người dân, cũng như tác động trong thay đổi, sửa đổi cơ chế, chính sách của Quốc hội chưa phù hợp thực tiễn. Điều này là nền tảng giúp các doanh nghiệp phát triển vững chắc hơn.

Từng là đại biểu Quốc hội các khoá XII, XIII, ông Thảo lưu ý, các đại biểu Quốc hội doanh nhân cần "phân vai" rõ ràng trên cương vị người đại diện của nhân dân và một doanh nhân. Là đại biểu kiêm nhiệm, thời gian hoạt động ít hơn so với đại biểu chuyên trách, song các đại biểu Quốc hội là doanh nhân cần "dành thời gian thích đáng cho hoạt động của Quốc hội".

"Doanh nhân là đại biểu Quốc hội cần vượt qua lợi ích cá nhân. Họ cũng cần tránh việc khi ứng cử thì đưa ra chương trình thuyết phục, nhưng cuối cùng lại hoạt động không hiệu quả, chỉ mang tính đánh bóng tên tuổi, tạo vị thế để làm ăn cá nhân khi đã là đại biểu Quốc hội", PGS.TS Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh.

Ở khía cạnh này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, doanh nhân trên nghị trường phản ánh hơi thở của chính họ - doanh nhân, song cũng phải vì mục đích quốc gia, dân tộc mà họ đại diện.

Sau khi công bố kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp tiếp tục tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử, giải quyết trong vòng 30 ngày, để có cơ sở xác nhận tư cách người trúng cử.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia dự kiến họp vào ngày 12-7 tới, để xem xét kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có); thông qua nghị quyết về xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV, làm thủ tục cấp thẻ đại biểu và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất (dự kiến khai mạc ngày 20/7).

Các tin khác