Ngành thuế 'chơi khó' doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Hàng ngàn doanh nghiệp (DN) sẽ đối mặt với nguy cơ phạt chậm nộp thuế khi hiệu quả kinh doanh quý 4 tăng vượt trội so với các quý đầu năm. Trái lại, nếu thực hiện đúng nghị định 126 thì DN bị chiếm dụng vốn.
Hàng ngàn doanh nghiệp có thể bị phạt chậm nộp thuế nếu hiệu quả kinh doanh quý 4 tăng vượt trội so với các quý đầu năm. Trong ảnh: làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Hàng ngàn doanh nghiệp có thể bị phạt chậm nộp thuế nếu hiệu quả kinh doanh quý 4 tăng vượt trội so với các quý đầu năm. Trong ảnh: làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo quy định mới nêu tại nghị định 126 được Bộ Tài chính trình và Chính phủ vừa ban hành hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế có hiệu lực vào ngày 5-12 tới, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm.

Đúng cũng thành sai

Đặc biệt, nghị định 126 cũng quy định trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Bà Lê Thị Duyên Hải - vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán, Tổng cục Thuế - cho biết khi nào có quyết toán thuế năm thì cơ quan thuế mới tính số tiền thuế DN phải nộp của cả năm. Tuy nhiên, đến thời điểm 30-10, DN phải nộp đủ 75% tổng tiền thuế phải nộp cả năm. Nếu chưa đủ 75% thì DN sẽ bị tính tiền chậm nộp số tiền thuế bị thiếu từ ngày 1-11 đến ngày nộp. Còn tiền thuế quý 4, DN được nộp cho đến thời điểm quyết toán là 30-3 năm sau.

Bà Hải ví dụ một DN A có tổng số tiền thuế phải nộp năm 2019 là 1 tỉ đồng. Theo quy định, đến ngày 30-10, số tiền thuế mà DN phải nộp không thấp hơn 750 triệu đồng. Tuy nhiên, DN mới chỉ tạm nộp 650 triệu đồng thì đến ngày 30-11, DN nộp thêm 100 triệu đồng nữa. Như vậy, DN vẫn bị phạt tiền chậm nộp tính trên 100 triệu đồng trong 1 tháng.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Ngọc - kế toán trưởng một công ty xây dựng có trụ sở ở Hà Nội - cho rằng với cách tính trên, giả sử doanh thu và lợi nhuận quý 4 cao trội hơn hẳn so với các quý đầu năm thì đồng nghĩa số tiền thuế phải nộp sẽ tăng lên, khả năng bị phạt chậm nộp thuế cũng tăng lên. Vô tình DN mang tiếng không tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế mà chính sách này có vẻ không khuyến khích DN hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Bà Ngọc cũng bày tỏ quy định này như muốn ép DN phải nộp nhiều hơn tiền thuế nếu không muốn khả năng bị phạt tiền chậm nộp. "Số thuế 3 quý đầu năm nếu không được nộp ít hơn 75% số thuế của cả năm thì khác nào bắt DN phải chắc chắn tương lai. Dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất thường năm nay và những năm tới, việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng" - bà Ngọc nói.

Ông Nguyễn Văn Được - tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - cho rằng nghịch lý ở quy định mới là hầu như các DN đều cân đối doanh thu chi phí vào quý 4 nên dù có tạm nộp đúng trong 3 quý đầu năm thì cứ doanh thu quý 4 tăng lên, DN từ làm đúng cũng trở thành sai. "Cơ quan thuế hoạch định như thế chẳng khác nào đánh đố DN", ông Được nêu ý kiến.

Ngành thuế 'chơi khó' doanh nghiệp ảnh 1
Hàng ngàn doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt

Luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - cho biết đi giảng dạy nhiều lớp về thuế, DN kêu rất nhiều về quy định trên. Nhiều DN giờ mới té ngửa khi biết quy định này.

Theo nhiều DN, quy định trước đây DN chỉ tạm nộp thuế TNDN 4 quý không thấp hơn 80% so với số thuế phải nộp cả năm. Mà hạn cuối tạm nộp thuế TNDN quý 4 là 30-1 năm sau. Khi đó DN đã kết thúc năm tài chính, nên tính được số thuế TNDN phải tạm nộp, ít có khả năng bị tính tiền chậm nộp thuế.

Với quy định mới, DN không đoán chắc được doanh thu thì sẽ phải nộp dư để tránh nguy cơ bị phạt. Phần nộp dư này theo quy định DN có thể xin hoàn nhưng thủ tục phức tạp nên hầu như DN chịu treo ở đó rồi khấu trừ vào quý sau.

Ông Nguyễn Văn Được đề xuất giải pháp nên giữ quy định cũ trước đây là tạm nộp 4 quý không thấp hơn 80%, vì chỉ khi kết thúc năm DN mới xác định được chính xác nghĩa vụ thuế của năm đó. Còn nếu dựa vào 3 quý như quy định mà ngành thuế mới đưa ra thì không sòng phẳng với DN. Trường hợp muốn thu tiền vào ngân sách sớm thì nên quy định theo hướng với DN thực hiện báo cáo quý thì tổng số tạm nộp 4 quý có thể từ 75-80%...

Theo bà Nguyễn Minh Ngọc, DN có hai cách, một là phải nộp tiền chậm nộp, hai là bị chiếm dụng vốn. Kiểu gì cũng "chết" khi tiền là máu của DN. Do vậy, nếu xác định DN là nguồn thu thì chính sách cần phải nuôi dưỡng, tạo thuận lợi cho người nộp thuế yên tâm sản xuất kinh doanh.

Thời hạn cuối cùng khai và nộp thuế tạm tính 3 quý đầu năm là 30-10. Tức chỉ 2 tháng nữa là kết thúc năm. Nên với kế hoạch đã được xây dựng và đang triển khai, DN hoàn toàn tính toán được doanh thu cũng như lợi nhuận cả năm.
Bà Lê Thị Duyên Hải (vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán, Tổng cục Thuế)
Quy định như trên quá máy móc và không khác nào ép DN tạm nộp trước khi chưa biết doanh thu thế nào. Trong khi một số ngành nghề theo mùa vụ thì chu kỳ sản xuất rơi vào 3 tháng cuối năm.
Luật sư Trần Xoa

Các tin khác