Mai Linh thua lỗ do chôn vốn vào bất động sản

Trong số báo ra ngày 20-12-2012, ĐTTC có bài viết “Tập đoàn Mai Linh mất khả năng trả nợ?”. Sau khi báo đăng, ông Hồ Huy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, đã gặp gỡ báo chí để tâm sự về chuyện làm ăn thua lỗ của mình.

Trong số báo ra ngày 20-12-2012, ĐTTC có bài viết “Tập đoàn Mai Linh mất khả năng trả nợ?”. Sau khi báo đăng, ông Hồ Huy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, đã gặp gỡ báo chí để tâm sự về chuyện làm ăn thua lỗ của mình.

Theo ông Hồ Huy, Tập đoàn Mai Linh có 7.000 cổ đông lớn nhỏ, trong đó có những cổ đông chiến lược như Vinacapital, IMF, quỹ đầu tư của Malaysia… với số vốn chiếm khoảng 20%, còn lại là nhà đầu tư (NĐT) trong nước. Đối với NĐT cá nhân, Mai Linh vay của 800 người, chủ yếu là vốn nhàn rỗi của cán bộ công nhân viên, cựu chiến binh để làm nguồn vốn lưu động và đầu tư cho hoạt động kinh doanh vận tải; tổng số vốn khoảng 500 tỷ đồng.

Ông Hồ Huy trần tình: “Thông thường nguồn vốn vay của các NĐT là đòn bẩy tài chính hiệu quả, dù lãi suất vay cao hơn ngân hàng. Nhưng do trong bối cảnh kinh tế sụt giảm, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn, lãi suất cao để đầu tư dài hạn nên không xử lý được.

Đầu tư taxi lợi nhuận không cao, thời gian thu hồi vốn chậm, phải mất 5 năm mới thu hồi được vốn. Do đó, lúc này chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả. Tôi mong các NĐT đừng rút vốn, hãy gia hạn thêm 1-2 năm, chắc chắn Mai Linh sẽ vượt qua khó khăn.

Có thể sau Tết Nguyên đán, công ty sẽ thanh lý khoảng 1.000 xe, giá trị khoảng 200-300 tỷ để trả nợ ngân hàng và NĐT. Như vậy, khoản nợ của Mai Linh không phải là nợ xấu bởi có khả năng trả nợ, NĐT không sợ mất vốn bởi Mai Linh có tài sản, bất động sản (BĐS), xe cộ, nhà xưởng và công ty vẫn hoạt động bình thường”.

Hiện Mai Linh đang kiến nghị xin vay 500 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu lãi suất thấp để giải quyết khó khăn. Bởi nguồn vốn vay từ các cá nhân lãi suất lên tới 18-25%/năm. Mai Linh đã vạch ra các phương án để tự cứu mình như: đàm phán với NĐT, ngân hàng gia hạn thêm 1-2 năm; bán bớt các dự án BĐS trên cả nước; thanh lý xe cũ đã hoạt động 3-5 năm; cắt giảm chi phí; cấu trúc lại công ty, không hoạt động theo mô hình cồng kềnh công ty mẹ-công ty con mà xây dựng mô hình công ty Mai Linh và nhiều chi nhánh...

Định hướng thời gian tới Mai Linh đầu tư vào vận tải là chính, trong đó dịch vụ taxi quan trọng nhất. Mai Linh hiện có khoảng 12.000 taxi, 300 xe Mai Linh Express, 300 xe du lịch cho thuê. Ngoài chủ động đầu tư các xưởng bảo trì, bảo dưỡng, Mai Linh còn có công ty kinh doanh thương mại, mua bán, đồng thời làm đại lý bán ô tô cho ISUZU, NISSAN.

Thời gian qua, Mai Linh đã chuyển hướng đầu tư thành công dòng xe nhỏ, giá rẻ đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Dòng xe lớn 7 chỗ, công ty sẽ đưa về TPHCM để cạnh tranh dịch vụ.

Mai Linh sẽ tích cực đàm phán với ngân hàng, NĐT giãn nợ. NĐT nào có ý định đầu tư lâu dài sẽ chuyển khoản tiền cho vay thành khoản tiền đầu tư bằng việc phát hành cổ phiếu, ưu đãi cổ tức hoặc cam kết hợp đồng 2 năm có cơ hội chuyển thành cổ phần.

Tại thị trường TPHCM, thị phần Hãng taxi Mai Linh hiện đã tuột xuống vị trí thứ hai sau Vinasun.

Tại thị trường TPHCM, thị phần Hãng taxi Mai Linh hiện đã tuột xuống vị trí thứ hai
sau Vinasun.  

Về hệ lụy chôn vốn vào BĐS, theo ông Huy, thời gian qua Mai Linh chỉ bán được vài BĐS nhỏ, những dự án lớn không bán được do thị trường đóng băng. Riêng giá trị BĐS Mai Linh đầu tư ở miền Nam khoảng 500 tỷ đồng, và trên toàn hệ thống 500 tỷ đồng.

Thật ra, công ty không sa lầy trong BĐS, bởi đầu tư vào nhà xưởng (bảo dưỡng, trạm dừng chân...) cũng là đầu tư BĐS.

“Thay vì thuê, chúng tôi tính toán mua BĐS giá rẻ, sau này thị trường lên sẽ bán lại kiếm lời. Tư duy đó ai cũng có, nhưng không ngờ thị trường quá xấu, không thuận lợi nên bị chôn vốn vào đây. Với những BĐS này, nếu có ai mua lỗ 20% chúng tôi cũng bán để thu xếp tài chính trả nợ cho ngân hàng, NĐT và trang trải cho hoạt động kinh doanh” - ông Huy khẳng định.

Không dấu được vẻ lo lắng, ông Huy chia sẻ: “Nếu chúng tôi không bản lĩnh, đối mặt với thử thách, sự thật, xây dựng công ty phát triển bền vững thì người lao động sẽ không có công ăn việc làm, thuế Nhà nước không thu được. Khủng hoảng kinh tế 4 năm qua nên việc Mai Linh lỗ là chuyện bình thường.

Công ty đã cố gắng nhưng chưa có kinh nghiệm cắt lỗ. Bài toán cắt lỗ chúng tôi đã học rồi, song có lẽ chưa qua học phí. Lẽ ra khi thị trường BĐS xuống thì chúng tôi phải bán cắt lỗ ngay”.

Liên quan đến thông tin Tập đoàn Mai Linh bán 3,5 triệu cổ phiếu Mai Linh miền Trung, ông Huy cho biết có một NĐT cho Mai Linh vay 20 tỷ đồng để bù đắp vào vốn lưu động. Mai Linh thế chấp bằng cổ phiếu, thời hạn vay thế chấp từ 6 tháng đến 1 năm.

Bản chất không phải bán mà là thế chấp, sau 6 tháng sẽ chuyển quyền trở lại, cổ phần của Mai Linh và cá nhân ông không thay đổi. Số tiền 20 tỷ đồng này công ty vay để trang trải tiền thuế, bảo hiểm và chuẩn bị tết cho cán bộ công nhân viên.

Các tin khác