Kinh tế số thay đổi vị thế ASEAN

(ĐTTCO) - Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội cho Việt Nam thay đổi vị thế quốc gia. Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hiệp quốc. Do vậy, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số (KTS) sẽ giúp cộng đồng ASEAN gắn kết chặt chẽ hơn, là cơ hội để các quốc gia ASEAN thay đổi vị thế, tăng năng suất lao động và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP. 

Kinh tế số thay đổi vị thế ASEAN
Trước thềm năm mới 2020, ông TRƯƠNG GIA BÌNH, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho biết: Với vai trò tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT cam kết tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số cho lĩnh vực dịch vụ công và doanh nghiệp.
Cụ thể, FPT cam kết cùng khởi động - cùng đầu tư - cùng về đích với các tổ chức, doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số, giúp họ hoạt động hiệu quả và tăng trưởng. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong tiến trình chuyển đổi số khu vực ASEAN, liệu Việt Nam có trở thành 1 trong những quốc gia mạnh nhất về chuyển đổi số thành công ở khu vực?
Ông TRƯƠNG GIA BÌNH: - Các quốc gia ASEAN đã có nhiều hành động thúc đẩy chuyển đổi số. Điển hình từ năm 2014, Singapore tuyên bố sẽ dẫn đầu về quốc gia số, với cam kết 1% GDP dành cho nghiên cứu phát triển công nghệ mới. Thái Lan ban hành Chính sách số Thái Lan với mục tiêu tối đa hóa việc ứng dụng công nghệ số trong nền kinh tế xã hội, phát triển hạ tầng. Philippines lên kế hoạch dẫn đầu ASEAN về ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và hạ tầng băng thông… 
Báo cáo của Google mới đây cho thấy, nền KTS tại khu vực ASEAN đã lần đầu tiên chạm ngưỡng 100 tỷ USD, tăng 72 tỷ USD so với năm ngoái. Trong đó, Indonesia và Việt Nam tăng trưởng vượt mức 40%/năm, là 2 thị trường bứt phá về KTS so với các quốc gia còn lại. Tổ chức AT Kearney nhận định ASEAN có tiềm năng để trở thành 1 trong 5 nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất hành tinh vào năm 2025. Đến nay, tất cả quốc gia thành viên đã ký kết nhiều thỏa thuận nhằm thúc đẩy ASEAN hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 
Năm 2018, ASEAN đã đạt được đồng thuận hiệp định về thương mại điện tử, nhằm khai thác tiềm năng tăng trưởng của khu vực trong lĩnh vực số và đang dịch chuyển sang nền KTS, với những bước đi quan trọng như thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, khuyến khích phát triển công nghệ, fintech. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển KTS, ASEAN cần có cam kết lớn hơn về phát triển nguồn nhân lực số và tạo điều kiện di chuyển lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao trong khu vực. 
Báo cáo của Google cũng cho thấy quy mô nền KTS tại Việt Nam có thể đạt 12 tỷ USD năm 2019 và 43 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam đang có những cơ hội lớn để trở thành quốc gia mạnh nhất về chuyển đổi số thành công trong khu vực. Trước tiên đó là sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ thông qua chiến lược và mục tiêu rõ ràng. Tiếp đến 70% doanh nghiệp trong khảo sát mới đây của VINASA khẳng định đã sẵn sàng chuyển đổi số. Việt Nam cũng đã hình thành những doanh nghiệp công nghệ lớn tự chủ trong nghiên cứu, sáng tạo và hệ sinh thái, doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp số. 
- Quá trình số hóa, chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung phát triển như thế nào trong lộ trình của thế giới?
- Một điều chắc chắn với cơ cấu dân số, địa chính trị hiện nay, ASEAN đang là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Tuy nhiên ASEAN đang ở giai đoạn chuyển từ phương thức tăng trưởng từ nhân công giá rẻ chuyển sang ứng dụng và phát triển công nghệ.
Chuyển đổi số sẽ giúp ASEAN thay đổi vị thế, tăng năng suất lao động và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP. Nhiều quốc gia thành viên ASEAN sẽ tham gia các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2030. Riêng Việt Nam theo mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 52, đến năm 2025, KTS chiếm 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm và thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu trong xếp hạng chính phủ điện tử.
Chúng ta có thể nghĩ đến một ASEAN kết nối từ nguồn nhân lực, tài chính, đến sản xuất, dịch vụ để công nghệ thông tin có thể góp phần xây dựng một ASEAN không biên giới với chính trị ổn định, kinh tế phát triển mạnh mẽ, trong đó, nền kinh tế kỹ thuật số phát triển vượt trội đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD vào GDP khu vực trong 10 năm tới. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác